Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Xuất khẩu xi măng nên hướng đến thị trường nào?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Xuất khẩu được xem là lối ra hiệu quả cho xi măng Việt Nam, một trong những nước có sản lượng xi măng nhiều nhất thế giới
Năm 2010, Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (Vicem) đã đặt mục tiêu xuất khẩu 1 triệu tấn xi măng. Đây được xem là lối ra cho xi măng Việt Nam, một trong những nước có sản lượng xi măng nhiều nhất thế giới hiện nay.

Xi măng Cẩm Phả đã từng được xuất sang châu Phi.

Năm 2009 các doanh nghiệp trong Vicem đã sản xuất và tiêu thụ 17,73 triệu tấn xi măng, 0,22 triệu tấn clinker. Trong năm 2010 Vicem sẽ có thêm 7 dự án mới đi vào hoạt động và đưa công suất của Vicem lên gần 20 triệu tấn.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong tháng 3/2010 sản lượng xi măng cả nước ước đạt 4,09 triệu tấn, tăng 1,23 triệu tấn so với tháng 2 và đưa lượng xi măng sản xuất trong quý 1 lên 11,13 triệu tấn.
Tiêu thụ xi măng trong tháng 3/2010 nước đạt 3,93 triệu tấn tăng 1,68 triệu tấn so với tháng 2 và giảm 0,33 triệu tấn (8%) so với cùng kỳ năm 2009, đưa lượng xi măng tiêu thụ toàn xã hội quý 1/2010 ước đạt 10,27 triệu tấn, tăng 0,62 triệu tấn (6,4%) so với cùng kỳ năm 2009.
Cho đến nay cả nước có trên 105 dây chuyền với công suất thiết kế hơn 61 triệu tấn xi măng đang hoạt động, nhưng ước tính lượng xi măng sản xuất trong cả nước chỉ vào khoảng 53 triệu tấn/năm. Trong khi đó nhu cầu tiêu thụ trong nước vào năm 2010 chỉ khoảng 48 – 50 triệu tấn .
Vì vậy, Chính phủ đã tính đến việc “cứu” tình trạng dư thừa xi măng bằng việc yêu cầu các công trình giao thông nông thôn phải làm bằng bê tông. Tuy nhiên, ông Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hiệp hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho rằng việc tiêu thụ theo cách như vậy không ổn bởi cho đến nay chương trình xây dựng đường giao thông nông thôn bằng vật liệu xi măng chưa được triển khai tốt và cách tốt nhất để tiêu thụ xi măng chỉ có thể là xuất khẩu.
Từ cuối năm 2008 Vicem cùng các doanh nghiệp trong ngành đã tìm đến những thị trường lân cận như Campuchia, Lào, Trung Quốc để tìm đầu ra cho xi măng. Cũng có những hợp đồng được ký nhưng chỉ dừng lại ở số lượng nhỏ. “Bạo dạn” hơn Vicem, một số doanh nghiệp xi măng khác đã tìm đến những thị trường lớn hơn ở châu Phi, châu Âu, Mỹ…
Công ty Xi măng Cẩm Phả đã xuất khẩu được 12.500 tấn sang thị trường châu Phi và cho biết đã ký được hợp đồng xuất khẩu 40.000 tấn/tháng sang Nam Phi và vùng lân cận với đối tác Pionaire Finance Ltd. Ngoài ra còn hoàn tất việc đàm phán với đối tác Universal Best Services, LLC để ký hợp đồng khung đưa clinker và xi măng vào thị trường Mỹ và Nam Mỹ với sản lượng hàng triệu tấn/năm…
Tuy nhiên tất cả mới chỉ dừng lại ở  tìm kiếm thị trường, việc xuất khẩu thực tế còn bỏ ngỏ. Hiện nay xi măng Cẩm Phả tiêu thụ chủ yếu cho các công trình của Vinaconex.
Theo ông Bùi Hồng Minh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tài chính xi măng (CFC) , xuất khẩu được xem là “van” điều tiết thị trường xi măng trong nước hiện nay và trong tương lai. Tuy nhiên phần nhiều các đơn hàng xuất khẩu hiện nay đều qua trung gian nên phải chịu một khoản chi phí môi giới khá cao làm tăng giá thành sản phẩm. Đó là một trong những nguyên nhân làm giảm khả năng cạnh tranh của xi măng Việt Nam so với các nước khác.
Phân tích về những thị trường xi măng Việt Nam đã tìm đến, nhiều chuyên gia cho biết, chỉ nhìn vào thị trường Lào và Campuchia cho thấy xi măng Việt Nam yếu thế hơn hẳn xi măng của Thái Lan. Chất lượng thì không thua kém nhưng nhưng giá thành cao do quãng đường vận chuyển. Mặt khác, giá clinker của Thái Lan hiện rẻ hơn của Việt Nam khoảng 10% nên giá thành xi măng cũng rẻ hơn.
Ông Trần Văn Huynh cho rằng mục tiêu xuất khẩu 1 triệu tấn xi măng năm 2010 của Vicem khó thực hiện được bởi lâu nay các công ty xi măng trong nước ít chú ý đến xuất khẩu mà chỉ quan tâm đến cạnh tranh trong nước. Nhưng cũng không ít chuyên gia cho rằng việc các doanh nghiệp xi măng Việt Nam muốn tìm đến những thị trường lớn như Mỹ, châu Âu cũng là một sai lầm.
Thứ nhất, đó là những nơi mà cơ sở hạ tầng gần như hoàn thiện nên nhu cầu sử dụng xi măng không còn cao. Thứ hai, những thị trường này đòi hỏi khắt khe không chỉ về chất lượng mà còn nhiều yếu tố khác như dây chuyền công nghệ, việc bảo vệ môi trường nơi sản xuất…, điều mà không có nhiều doanh nghiệp xi măng Việt Nam đáp ứng được. Những thị trường mới như châu Phi, hay những nước đang phát triển, cơ sở hạ tầng còn thiếu và đây chính là thị trường tiềm năng cần đẩy mạnh khai thác.

Theo VnEconomy

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)