Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Xuất ngoại học nghề

Tạp Chí Giáo Dục

Bài 1: Học nghề để thành công

Anh Đặng Ngọc Lệ bắt tay với ông Sasaky Beji Chủ tịch tập đoàn Freesia Group sau khi phỏng vấn thành công

“Tôi không thể ngờ rằng có ngày mình lại được làm việc trên đất Nhật, với một công việc ổn định, thu nhập cao. Sau này, trở về nước với công việc của một người dạy tiếng Nhật, mua được nhà tại TP.HCM và có nhiều cơ hội chờ đón ở phía trước”, anh Đặng Ngọc Lệ, giáo viên tiếng Nhật Trung tâm hợp tác Việt – Nhật, Trường Cao đẳng Công nghiệp Thủ Đức tâm sự.
Từ anh gặt lúa thuê
Sinh ra ở làng quê nghèo thuộc tỉnh Nam Định, tuổi thơ anh lớn lên với ruộng lúa, cây ngô. Nhà nghèo lại ít đất canh tác nên anh thường xuyên phải đi làm mướn để kiếm tiền thêm. Công việc anh hay làm nhất là đi gặt lúa thuê cho những gia đình ở xã bên. Nhưng rồi ước mơ thay đổi cuộc đời trong anh cháy bỏng. “Cha mẹ cả đời gắn với đồng ruộng, làm cật lực từ sáng đến tối nhưng cái nghèo vẫn đeo bám hết đời này qua đời khác. Phải ra đi mới có thể thành công được”, anh Lệ suy nghĩ. Năm 1996, tốt nghiệp lớp 12 trường làng, bỏ sau lưng những dự định vào Sài Gòn làm công nhân hay thi đại học như bạn bè cùng trang lứa, anh quyết định đi học nghề. Với suy nghĩ: “Nếu có đậu đại học, ra trường chưa chắc đã xin được việc làm. Nghề thời nay đang thiếu, chỉ có trang bị cho mình một nghề nào đó mới ổn định cuộc sống được”. Vào Sài Gòn, học hai năm trung cấp tiền lương tại huyện Hóc Môn. Ra trường, anh về làm việc tại Công ty DV-VT Sài Gòn (Q.1) được 3 năm. Với kinh nghiệm, sự chăm chỉ của một người trai làng đã quen vất vả. Anh làm việc rất cần mẫn nhưng rồi với công việc không hấp dẫn và mức thu nhập 3 triệu đồng/tháng, đã không thể giữ chân được ước mơ của người trót ôm giấc mộng đổi đời.
Năm 2002, anh quyết định rời bỏ chỗ làm là niềm ước ao của nhiều sinh viên đại học mới ra trường lúc bấy giờ. Anh đăng ký vào Trung tâm hợp tác Việt – Nhật của Trường Cao đẳng Công nghiệp Thủ Đức, chấp nhận làm lại từ đầu. Những ngày đầu mới vào với cường độ học tập nặng. Anh vừa phải học tiếng Nhật, vừa tập thể lực và học nghề. “Lúc mới vào mỗi buổi sáng phải chạy 4 vòng sân trường, học tiếng Nhật một buổi trong vòng 6 tháng, nhiều học viên lúc đó không chịu nổi phải “đầu hàng”. Còn với tôi vác đất, vác lúa quen rồi nên chẳng bõ bèn gì”, anh nhớ lại. Rồi người ta dạy cho anh văn hóa Nhật, những kỹ năng, tác phong làm việc để sang đó không bị bỡ ngỡ. Ngày anh nhận được từ ông Sasaky Beji, Chủ tịch Tập đoàn Freesia Group (Nhật) cái gật đầu đồng ý. Anh đã không thể tin mình được đi Nhật. Từ đó mở ra cho anh một tương lai ngời sáng. “Tôi điện về cho bố mẹ là tôi sắp được đi làm việc ở Nhật, mẹ tôi nói chắc là thằng này nói đùa mẹ. Thằng Lệ sao mà đi Nhật được, gia đình mình có tiền đâu, nó có được học đại học gì đâu mà đi với đứng”, anh kể lại. Rồi cái ngày ông chủ tịch tập đoàn mời gia đình vào Sài Gòn để cho ông nhận người đưa sang Nhật làm việc, người mẹ cả đời lấm lem với bùn đất ấy mới tin là con mình được sang Nhật thật. 
Ngày trở về 
Đến Nhật anh được phân công lĩnh vực là làm nhà gỗ. Tưởng rằng với thời gian học nghề ngắn anh khó có thể đáp ứng tốt công việc. Nhưng với sự hướng dẫn tận tình của những người thầy bên Nhật, anh đã làm rất tốt công việc của mình. Thời gian ở bên Nhật ngày đi làm, tối về anh được ban giám đốc công ty dạy tiếng Nhật. Qua 3 năm miệt mài vừa học vừa làm, đến nay ngoài vốn tiếng Nhật rất tốt, anh còn dành dụm được hơn 500 triệu đồng mang về nước. Anh ôm dự định liên kết với đơn vị nào đó để mở lớp dạy tiếng Nhật, nhưng chỉ sau hai ngày từ Nhật về thì ông chủ tịch Sasaky Beji gọi điện sang mời về làm việc cho trung tâm của tập đoàn đóng tại Việt Nam. Giờ đây anh phụ trách tập luyện cho những học viên chuẩn bị sang Nhật về văn hóa, cách sống và đặc biệt là phong cách làm việc của người Nhật. Anh tâm đắc: “Sang Nhật lúc đầu tôi không thể tin sao người Nhật họ làm việc nhiều thế, họ làm việc quên giờ giấc. Dần dần tôi hiểu ra rằng chỉ có tinh thần trách nhiệm với công việc đã khiến họ làm hăng say như thế và điều đó đã trở thành tinh thần, văn hóa Nhật. Giờ đây khi tôi về Việt Nam, tôi làm việc theo người Nhật đã làm và sống theo cách Việt”. Hiện nay công việc của anh là mang kinh nghiệm đúc kết được trong những ngày làm việc ở Nhật để truyền lại cho những học viên trước khi sang Nhật học tập và làm việc. Nhưng dù đi đâu anh vẫn thừa nhận: “Có thể người Nhật có nhiều cái hay, giỏi chúng ta cần học hỏi, nhưng con người, đất nước Việt Nam mới là cái tôi thích”. Hỏi về những dự định sau này anh cho biết: “Vào đầu năm 2009 tôi sẽ bắt đầu học đại học. Còn dự định là tôi sẽ thành lập một trường nhỏ để dạy tiếng Nhật”.
Văn Mạnh

 

Bình luận (0)