Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Xuất, nhập khẩu năm 2011 có thể tăng trên 10%

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Vụ Kinh tế Dịch vụ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa đưa ra dự báo về tình hình xuất nhập khẩu năm 2011 trên cơ sở ước thực hiện năm 2010 và phân tích các yếu tố tác động đến thương mại quốc tế trong năm tới.

Theo cơ quan này, kim ngạch xuất khẩu năm 2010 ước đạt 70,8 tỷ USD, tăng 24% so với năm 2009 và 17% so với kế hoạch; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 82,8 tỷ USD, tăng 18,4% so với năm 2009.
Xuất khẩu tăng cả lượng và giá
Điểm được cơ quan này nhấn mạnh trong phân tích của mình là kim ngạch xuất khẩu năm nay đạt mức khả quan do đóng góp từ tăng cả giá và lượng trước sự phục hồi phần nào của kinh tế thế giới so với năm 2009.

Trong năm 2010, giá xuất khẩu bình quân tăng mạnh so cùng kỳ đã giúp kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 3,4 tỷ USD. Ngoài ra, tính riêng yếu tố tăng lượng giúp cho kim ngạch xuất khẩu tăng 10,3 tỷ USD

Cụ thể, trong năm 2010, giá xuất khẩu bình quân tăng mạnh so cùng kỳ đã giúp kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 3,4 tỷ USD. Trong khi đó, tính riêng yếu tố tăng lượng giúp cho kim ngạch xuất khẩu tăng 10,3 tỷ USD.
Xét về cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp, chế tạo đã tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2009, từ 58,2% lên 62,3%, trong khi nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản giảm từ 15,9% xuống 11,3%.
“Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu đã và đang có những chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp, chế tạo và giảm dần xuất khẩu hàng thô, có giá trị gia tăng thấp”, Vụ Kinh tế Dịch vụ nhìn nhận.
Tuy nhiên theo cơ quan này, nếu như tính đến yếu tố kim ngạch năm 2009 tăng trưởng âm (-8,9%), tốc độ tăng trưởng kim ngạch hai năm 2009 và 2010 chỉ đạt khoảng 15,1% và như vậy, thực chất mỗi năm chỉ đạt 7,55%. Vụ Kinh tế Dịch vụ cho rằng: “Đây không phải là mức tăng trưởng xuất khẩu cao”.
Tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu chững lại
Cũng như xuất khẩu, giá nhập khẩu bình quân tăng so với cùng kỳ là một trong những nguyên nhân làm tăng kim ngạch nhập khẩu trong năm nay.
Theo Vụ Kinh tế Dịch vụ, đóng góp vào mức tăng 12,7 tỷ USD kim ngạch nhập khẩu 2010 so với năm 2009, có tới 5,3 tỷ USD tăng do yếu tố giá bình quân tăng, 7,4 tỷ USD tăng do tăng về lượng nhập khẩu.
“Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến đầu vào của sản xuất kinh doanh, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu”, Vụ Kinh tế Dịch vụ nhận xét.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng nhập khẩu năm 2010 đã chững lại vào những tháng nửa cuối năm và tiếp tục thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nên tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu đã giảm dần.
Nhập siêu cả năm 2010 ước đạt 12 tỷ USD, bằng 16,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn so với mức 22,5% của năm 2009.
“Điều này cho thấy, Chính phủ và các bộ, ngành đã quyết liệt hơn trong việc đề xướng và triển khai các giải pháp nhằm hạn chế nhập siêu. Mặc dù vậy, về lâu dài nhập siêu sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới cán cân thanh toán quốc tế chung của quốc gia”, Vụ Kinh tế Dịch vụ lưu ý.
Kim ngạch xuất, nhập khẩu 2011 dự báo tăng trên 10%
Dự báo nền kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi; vốn đầu tư nước ngoài khả quan hơn; các chính sách phát triển thương mại, dịch vụ và thị trường trong nước thuận lợi; và nhà máy lọc dầu Dung Quất đạt sản lượng tối đa… Vụ Kinh tế Dịch vụ cho rằng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm tới sẽ cùng tăng trên 10%.
Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2011 dự kiến đạt khoảng 78 tỷ USD, tăng hơn 10% so với năm 2010, trong đó xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) đạt khoảng 38 tỷ USD, chiếm khoảng 48,7% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 13 % so với năm 2010.
Tổng kim ngạch nhập khẩu năm tới dự kiến khoảng 92 tỷ USD, tăng hơn 11% so với năm 2010, trong đó nhập khẩu của các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt khoảng 41,5 tỷ USD, chiếm 45% tổng kim ngạch nhập khẩu và tăng 15,3% so với năm 2010.
Với tình hình như vậy, nhập siêu năm 2011 dự kiến vào khoảng 14 tỷ USD, thấp hơn 18% tổng kim ngạch xuất khẩu, Vụ Kinh tế Dịch vụ dự báo.
Nguồn VNECONOMY

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)