Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Xuất siêu gần 5 tỷ USD nông sản – Một bước tiến vững chắc

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Trong bối cảnh lạm phát tăng, nhiều ngành gặp khó khăn trong sản xuất và xuất khẩu thì ngành nông nghiệp lại có bước tiến khá vững chắc cả trong sản xuất lẫn xuất khẩu, khi kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản 7 tháng qua tăng 33,4% so cùng kỳ năm 2010, xuất siêu gần 5 tỷ USD. Một con số đầy ấn tượng.

Những con số tích cực

Nói về số lượng xuất khẩu các mặt hàng nông sản, Bộ NN-PTNT nhận định, dù khối lượng xuất khẩu của phần lớn các mặt hàng nông, lâm, thủy sản chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2010 nhưng nhờ giá các mặt hàng đều tăng nên giá trị xuất khẩu tăng trưởng khá cao, gần 14 tỷ USD. Chỉ riêng tháng 7 con số này khoảng 2 tỷ USD. Trong đó, các mặt hàng nông sản chính tăng 44,6% về giá trị, thủy sản tăng 24,8%, lâm sản tăng gần 13%.

Đáng nói hơn, cũng thời gian này, tổng giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản và vật tư, nguyên liệu phục vụ nông nghiệp nói chung chỉ khoảng 9 tỷ USD, dù tăng 20,4% so với cùng kỳ. Nhưng theo Bộ NN-PTNT, 7 tháng qua, các mặt hàng nông, lâm, thủy sản đã xuất siêu gần 5 tỷ USD. Con số đầy ý nghĩa trong bối cảnh nhập siêu các mặt hàng sản xuất và tiêu dùng nói chung tăng nhanh hơn xuất siêu.

Thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số làm việc tại nhà máy chế biến hạt điều ở tỉnh Gia Lai. Ảnh: THÁI BẰNG

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, lượng gạo xuất khẩu 7 tháng qua đạt 4,7 triệu tấn, trị giá 2,3 tỷ USD (tăng 9,7% về lượng và 10,8% về giá). Trong khi đó, theo Bộ NN-PTNT, lần đầu tiên tổng sản lượng lúa năm 2011 vượt con số 40 triệu tấn, đủ để có thể xuất 7,3 triệu tấn gạo. Nhưng gạo lại là mặt hàng có giá tăng thấp nhất so với các mặt hàng nông sản khác như cà phê xuất khẩu tăng 92,6% về giá trị.

Ngay cả mặt hàng điều, dù giảm 16,5% lượng xuất nhưng kim ngạch xuất khẩu hạt điều nhân lại tăng 21,1%. Mặt hàng hồ tiêu và cao su lần lượt tăng 72,3% và 68,9% về giá trị so cùng kỳ năm 2010. Trong đó, theo dự báo, giá cao su và điều nhân vẫn duy trì xu hướng tăng đến cuối năm, trở thành những mặt hàng nông sản xuất khẩu có giá tăng rất cao. Trong khi đó, nhóm hàng lâm sản và gỗ chế biến tăng 13%, mặt hàng thủy sản xuất khẩu đạt 3,1 tỷ USD, tăng 24,8% so với cùng kỳ năm ngoái…

Không để nông dân tổn thương

Có thể nói, chính nông dân là những người góp phần lớn vào thành tích ấn tượng kể trên, tất nhiên phải có vai trò không nhỏ của doanh nghiệp trong tìm kiếm thị trường. Về điều này, tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp TP Cần Thơ, cho biết Thái Lan đã và đang tìm hiểu lẫn thán phục nông dân Việt Nam về sự linh hoạt và dạn dày, có thể đứng vững trước những tình huống bất lợi của thị trường. Năng suất lúa Việt Nam ở mức cao nhất trong các nước ASEAN.

Báo chí Thái Lan từng viết, xuất khẩu gạo tăng nhanh của Việt Nam chủ yếu là do khả năng cạnh tranh cao, nhờ chi phí thấp hơn, giá tương đối rẻ và chất lượng được cải thiện. Thái Lan khó có thể cạnh tranh với Việt Nam về xuất khẩu gạo (trắng) bởi nhiều yếu tố như năng suất thấp hơn, chi phí sản xuất và giá cao hơn, tiếp thị lại rời rạc.

Trước đó, báo cáo của Đại học Haward, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội và Viện Chính sách và Chiến lược PTNT (IPSARD – Bộ NN-PTNT)… đều nhận định, với 1.000 đồng kích cầu nông nghiệp sẽ kích thích sản xuất 1.622 đồng và 1% GDP = 1 triệu việc làm mới, là những con số cao nhất so với việc kích cầu vào những lĩnh vực khác. Không chỉ đảm bảo an ninh lương thực cho toàn xã hội mà còn góp phần hạn chế đà lạm phát, nhập siêu.

Nhưng theo GS-TS Peter Timmer, chuyên gia cao cấp Trung tâm Hội nhập toàn cầu của Mỹ, bà con nông dân là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong một thị trường đầy biến động. Khi giá lúa gạo tăng cao, bà con hưởng lợi ít nên không thể trở nên giàu có nếu chỉ trồng lúa, bởi diện tích quá nhỏ so với bình quân trên đầu người. Nhưng một khi giá lúa gạo sụt giảm, bà con lại chịu nhiều thiệt thòi nhất.

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng IPSARD, không ít lần nhắc lại, khi nền kinh tế gặp khó khăn, nếu những ngành khác bị vỡ kế hoạch ảnh hưởng nhiều mặt đến kinh tế các nước, nhất là quốc gia lấy xuất khẩu làm chính như Việt Nam, chính nông nghiệp góp phần ngăn chặn sự suy giảm tốc độ tăng trưởng xuất khẩu. Nhưng cũng theo ông Đặng Kim Sơn, những con số ấn tượng trên sẽ thật sự trọn vẹn hơn nếu Nhà nước có chính sách tạo ra sự cân bằng giữa trách nhiệm và quyền lợi, hạn chế thấp nhất những “thương tích” cho nông dân, những người thường chịu thiệt thòi khi có biến động thị trường.

CÔNG PHIÊN / SGGP

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)