Kinh tế - Giáo dục

Xuất siêu kỷ lục 7,4 tỉ USD

Tạp Chí Giáo Dục

Trong 11 tháng qua, VN xuất siêu đến 7,4 tỉ USD. Đây là con số cao kỷ lục từ trước đến nay, cao gấp 3,5 lần cả năm 2017 (2,1 tỉ USD).
Biểu đồ 10 nhóm hàng xuất khẩu đạt mức tăng về trị giá lớn nhất trong 11 tháng năm 2018  /// Nguồn: Tổng cục Hải quan - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Biểu đồ 10 nhóm hàng xuất khẩu đạt mức tăng về trị giá lớn nhất trong 11 tháng năm 2018. Nguồn Tổng cục Hải quan- Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Tuy xuất siêu vẫn rơi vào tay khối doanh nghiệp (DN) nước ngoài (FDI) nhưng điều đáng mừng là tỷ trọng xuất siêu lớn rơi vào nông nghiệp, thế mạnh của chúng ta.
FDI xuất siêu hơn 28 tỉ USD
Phải tạo cơ hội bình đẳng cho DN Việt
Nền kinh tế ngày càng phụ thuộc vào các DN FDI là điều mà nhiều người trăn trở và nhìn thấy. Trong thời gian qua chúng ta quá quan trọng việc thu hút đầu tư nước ngoài và đến bây giờ vẫn vậy. Các DN FDI, đặc biệt là các DN lớn như Samsung, Formosa… hưởng quá nhiều ưu đãi, ưu đãi vượt trội khiến DN nội thiệt thòi. Để nền kinh tế tăng trưởng và giảm phụ thuộc vào các DN FDI phải tạo một môi trường bình đẳng cho các DN trong nước. Chỉ có DN VN mới tạo ra lợi nhuận cho VN. Các DN FDI chỉ đầu tư khi có môi trường ưu đãi để tạo lợi nhuận cao nhất mang về nước họ.
Chuyên gia Phạm Chi Lan

Cán cân xuất nhập khẩu của VN về cơ bản không thay đổi. Chúng ta vẫn nhập linh kiện, máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu da giày dệt may, chất dẻo… chủ yếu từ Trung Quốc để lắp ráp, chế biến xuất khẩu qua các nước, nhiều nhất là xuất qua Mỹ.

Cụ thể, so với cùng kỳ năm 2017, xuất khẩu của nhóm hàng máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 3,2 tỉ USD thì nhập khẩu tăng hơn 4,5 tỉ USD; hàng dệt may xuất khẩu tăng 4 tỉ USD và giày dép các loại tăng 1,44 tỉ USD, ở chiều ngược lại nhập khẩu của nhóm hàng này cũng tăng 2,8 tỉ USD; xuất khẩu sắt thép các loại tăng 1,4 tỉ USD thì nhập khẩu kim loại thường các loại tăng 1,46 tỉ USD…
Có đến 7/8 nhóm hàng tăng trưởng mạnh nhất rơi vào diện xuất nhiều nhưng nhập lớn vì chúng ta chủ yếu gia công, giá trị gia tăng không nhiều. Mặt hàng duy nhất ngoại lệ là gỗ. Điện thoại các loại và linh kiện là mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng mạnh nhất, tăng đến 4,8 tỉ so với cùng kỳ năm 2017. Nhóm hàng này đạt giá trị xuất khẩu 46 tỉ USD, tăng gần 12% so với cùng kỳ năm trước, còn nhập khẩu nhóm hàng này hơn 14 tỉ USD, giảm 1%. Đây cũng là lĩnh vực đang tạo ra lợi nhuận lớn.
Chỉ có điều hầu hết các sản phẩm xuất khẩu tăng trưởng mạnh đều rơi vào những lĩnh vực mà các FDI chiếm ưu thế hoặc độc quyền. So với cùng kỳ năm 2017, xuất khẩu của khối này đạt trên 158 tỉ USD, tăng 14,1%; ở chiều ngược lại, trị giá nhập khẩu đạt 130 tỉ USD, tăng 12,2%. Xuất siêu của khối DN FDI lên đến con số 28 tỉ USD. Các DN trong nước vẫn nhập siêu với con số rất lớn, đến 21 tỉ USD.
TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội Hà Nội, nhận xét: Dù xuất siêu nhờ khối DN FDI nhưng cũng vẫn đáng mừng vì cơ bản là xuất siêu vẫn tốt hơn nhập siêu. DN FDI xuất siêu như vậy thì rõ ràng họ làm ăn rất thuận lợi, lợi nhuận rất lớn. Có điều, lợi nhuận đó chảy về nước họ chứ không phải của VN. “Đó cũng là điều bình thường thôi. Các cơ quan chức năng chỉ cần thận trọng với các chiêu trò trốn thuế, chuyển giá của các DN này để tránh thất thu ngân sách”, ông Phong góp ý.
“Ngôi sao” gỗ
Con số xuất siêu của cả nền kinh tế chủ yếu ở lĩnh vực nông lâm, thủy sản. Trong 11 tháng qua, ngành nông nghiệp nhập khẩu 28,8 tỉ USD và xuất khẩu đến 36,3 tỉ USD, tương đương xuất siêu 7,5 tỉ USD. Trong số này đáng chú ý nhất là ngành gỗ, đây là ngành duy nhất lọt vào danh sách 8 mặt hàng tăng trưởng mạnh nhất của Tổng cục Hải quan và là ngành mà các DN Việt đang chiếm ưu thế. Cụ thể, trong 11 tháng qua xuất khẩu gỗ đạt trên 8 tỉ USD, tăng đến 16% tương ứng giá trị tăng đến 1,1 tỉ USD so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, nhóm hàng thủy sản cũng xuất khẩu đạt trên 8 tỉ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: Xuất siêu của cả nền kinh tế đạt trên 7,4 tỉ USD là con số đáng mừng, song chưa dám vui vì còn phụ thuộc vào các DN FDI nhiều quá, họ chiếm đến 72% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nền kinh tế. Trong khi thành phần kinh tế trong nước hiện tại không đáng là bao và có vẻ ngày càng “teo tóp”. Song vẫn có một vài tín hiệu tích cực cho thấy một bộ phận DN vẫn đang tận dụng cơ hội để vươn lên.
Cụ thể như ngành gỗ, họ khác với các ngành khác ở chỗ không phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc. Các DN cũng nhạy bén trong việc tận dụng cơ hội chiến tranh thương mại Mỹ – Trung để phát triển thị trường, đẩy hàng vào thị trường Mỹ. Hay như mặt hàng gạo năm nay cũng là điểm sáng của nền kinh tế khi giá gạo xuất khẩu bình quân tăng đáng kể so với các năm trước và các nước trong khu vực. Trong lĩnh vực nông nghiệp còn có thể kể đến thủy sản, mà cụ thể là cá tra. Những dẫn chứng trên cho thấy định hướng tái cơ cấu nền nông nghiệp đang có chuyển biến tốt ở một số lĩnh vực.
Dự báo cả năm ngành nông nghiệp sẽ đạt giá trị xuất khẩu kỷ lục trên 40 tỉ USD.
TS Nguyễn Minh Phong cảnh báo: Dù lạc quan nhưng chúng ta cũng cần thận trọng vì có thể trong số đó có phần chúng ta “xuất hộ” Thái Lan. Hay một số lĩnh vực như hạt điều, xuất trên 3,1 tỉ USD nhưng nhập khẩu nguyên liệu gần 2,3 tỉ USD.
Chí Nhân/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)