Nhiều doanh nghiệp, cá nhân hằng ngày, hằng giờ đang là đối tượng bị xúc phạm trên mạng xã hội, khiến họ bị thiệt hại, tổn thất về mọi mặt.
Gia đình bị bôi nhọ
Anh H.T.A (ngụ Q.Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết năm 2013, sau khi ly hôn với vợ, anh và bố mẹ chỉ biết “cúi mặt ra đường” vì vợ cũ “tương” cả gia đình anh lên Facebook của cô ấy. Anh kể: “Tôi là giám đốc điều hành của một công ty, quen và gặp H. (người mẫu, vợ cũ của anh A.) trong một chuyến công tác tại Pháp, sau đó tiến đến hôn nhân. Một thời gian chung sống, phát hiện H. có mối quan hệ ngoài luồng nên tôi đề nghị chia tay”.
Theo anh A., ly hôn với vợ vài tháng thì anh cũng bắt đầu hẹn hò với một người bạn cũ, bất ngờ lúc này H. lên Facebook nói xấu bố mẹ anh, nội dung đại loại “nhìn bề ngoài gia đình ấy là tri thức, cao sang nhưng khi về nhà, lột tấm áo choàng ấy ra là phù thủy hết thảy”… “Đỉnh điểm hơn, H. còn thêu dệt những câu chuyện về bố tôi, rằng “biết con dâu đang ngủ trong phòng một mình mà cứ mở cửa vào”, anh A. bức xúc.
“Từ cú sốc này qua cú sốc khác, mẹ tôi phải nhập viện vì gia đình bị đàm tiếu. Vụ việc sau đó dù tòa buộc H. phải xin lỗi gia đình tôi, buộc bồi thường nhưng những gì gia đình tôi đã mất, phải chịu đựng về mặt tinh thần không thể bù đắp được”, anh A. than thở.
Cũng là nạn nhân của Facebook, người mẫu K. cho biết trước khi thành danh trong giới người mẫu, K. có quan hệ tình cảm với một người bạn trai tên là P.C (35 tuổi). Sau khi chia tay, K. bắt đầu một mối quan hệ mới thì bất ngờ trên mạng xuất hiện một video clip “quan hệ” của K. và P.C. “Chưa dừng lại ở đó, người yêu mới của tôi cũng nhận được video clip gửi đến công ty của anh ấy. Nghi ngờ và không muốn mọi người biết về video clip, anh hẹn ra nói chuyện. Khi cãi nhau qua lại, không giữ được bình tĩnh anh đã đánh đến mức trọng thương, phải nhập viện”, K. xót xa tâm sự và kể thêm: “Khi nhờ luật sư tư vấn họ cũng nói rõ là pháp luật xử lý tùy nghi nên tôi không tố cáo mà chỉ yêu cầu anh ta rút toàn bộ video clip xuống”.
Những hành vi xúc phạm trên mạng xã hội đáng bị xử lý hình sự và hiện các quy định pháp luật đủ để xử lý, không cần thay đổi. Điều cần thay đổi ở đây là tư duy của các cơ quan tiến hành tố tụng, phải đánh giá được từng hoàn cảnh, môi trường để xử lý"
Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TP.HCM)
|
Doanh nghiệp điêu đứng
Một nhà hàng chuyên kinh doanh đồ ăn Nhật Bản cho biết họ đã tố cáo và cơ quan điều tra Công an TP.HCM đang điều tra một số cá nhân có hành vi “cưỡng đoạt tài sản” đối với nhà hàng. Cụ thể, vừa qua có một nhóm đến nhà hàng tại Q.3 (TP.HCM) ăn uống. Khi ăn gần xong, nhóm này la toáng lên là trong nồi lẩu có dòi; đồng thời quay lại hình ảnh, yêu cầu nhà hàng ra chứng kiến và nói rằng sẽ khiếu nại, tố cáo. “Khi ra về nhóm này vẫn trả tiền đàng hoàng nhưng sau đó họ tung hình ảnh “nồi lẩu có dòi”, đưa địa chỉ nhà hàng lên Facebook, Zalo… Họ dùng những thông tin này, cử một người đến nhà hàng đề nghị thương lượng, muốn gỡ thông tin này xuống thì liên hệ với họ và đưa một số tiền”, đại diện nhà hàng phản ánh.
Tương tự, ông Đ.Đ.T, Giám đốc Công ty TNHH V. (Q.4, TP.HCM) cho biết công ty ông thành lập được 6 tháng, kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ nhà hàng, khách sạn, ban đầu hoạt động tương đối ổn định nhưng gần đây khách hàng liên tục khiếu nại, nghi ngờ mô hình hoạt động của công ty, vì họ đọc được một vài thông tin mờ ám của công ty trên một số Facebook. “Các Facebook này được lập ra, ghi rõ địa chỉ công ty, dẫn đường link trang mạng công ty kèm nội dung rằng doanh nghiệp của tôi là công ty lừa đảo. Ngoài ra, một số thông tin mật của công ty cũng được đưa ra, thêm thắt với mục đích bôi nhọ, làm mất uy tín của công ty”, ông T. nói.
Ông T. cho hay phía công ty ông đã gửi đơn tố cáo ra công an đề nghị can thiệp nhưng “dù sau này có điều tra ra chân tướng sự việc thì ảnh hưởng của những nội dung đó vô cùng lớn đối với chúng tôi, hằng ngày, hằng giờ chúng tôi phải giải quyết rất nhiều khiếu nại của khách hàng, chưa kể nhiều khách hàng không cần nghe chúng tôi giải thích, chỉ nghe đến tên công ty là chửi thẳng lừa đảo”, ông T. chia sẻ.
Thiệt hại không thể… đong đếm
Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TP.HCM), nhận xét ảnh hưởng phổ biến của mạng xã hội là tính đa chiều, tính tích cực và tính tiêu cực. Khi tính tiêu cực bộc lộ thì hậu quả của nó chính là tinh thần, sức khỏe, uy tín ngoài xã hội, và ảnh hưởng này không thể cân – đo – đong – đếm.
“Những thiệt hại này không thể định lượng bằng vật chất. Tùy mức độ, hành vi, thời gian vi phạm, sức ảnh hưởng lan tỏa như thế nào, sự công phá đối với xã hội, đối tượng bị ảnh hưởng để xử lý hành vi ấy tương ứng với các tội danh đã được quy định trong bộ luật Hình sự: “Làm nhục người khác”, “vu khống” hoặc “đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng và trong máy tính, mạng viễn thông, mạng internet”, luật sư Trạch nêu.
Cũng theo luật sư Trạch, khi rơi vào trường hợp này, các cá nhân, doanh nghiệp phải mạnh dạn đứng ra bảo vệ uy tín, danh dự, nhân phẩm; lưu lại toàn bộ nội dung để làm chứng cứ; trực tiếp đứng ra tố cáo vì pháp luật luôn có chế tài phù hợp.
Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TP.HCM) nói thẳng: “Những hành vi xúc phạm trên mạng xã hội đáng bị xử lý hình sự và hiện các quy định pháp luật đủ để xử lý, không cần thay đổi. Điều cần thay đổi ở đây là tư duy của các cơ quan tiến hành tố tụng, phải đánh giá được từng hoàn cảnh, môi trường để xử lý”.
Phan Thương (TNO)
Bình luận (0)