Việc 9 tỉnh duyên hải miền Trung (từ Thừa Thiên – Huế đến Bình Thuận) chung tay tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư trong hai ngày (21 và 22-3) tại Đà Nẵng được xem là dịp để tăng cường thu hút đầu tư nhưng quan trọng là để tìm kiếm một tầm nhìn và cơ chế liên kết vùng bền chặt, hiệu quả.
Tiềm năng gắn liền thách thức
Mở đầu hội nghị, ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Trưởng ban Điều phối vùng, nhấn mạnh: Tiềm năng, lợi thế của vùng duyên hải miền Trung (DHMT) đã được nói nhiều qua các hội thảo, hội nghị. Tiềm năng, lợi thế đó vẫn chưa được khai thác một cách hiệu quả, chưa biến thành những kết quả mong đợi. Chính vì vậy, hội nghị lần này các địa phương trong vùng cũng như các bộ, ngành Trung ương, các nhà kinh tế, nhà nghiên cứu cùng các nhà đầu tư hãy “hiến kế” cho miền Trung tìm ra hướng phát triển hiệu quả nhất dựa trên những tiềm năng lợi thế sẵn có.
Đầu tư du lịch biển vẫn là lựa chọn của vùng duyên hải miền Trung.
Ảnh: Ng.Hùng
Đại diện Bộ Kế hoạch – Đầu tư nhận định, trong những năm qua, được sự hỗ trợ của Chính phủ và sự nỗ lực của các địa phương trong vùng, hệ thống kết cấu hạ tầng đã từng bước hoàn thiện, một chuỗi các đô thị ven biển được hình thành như: Chân Mây – Lăng Cô, Đà Nẵng, Hội An, Vạn Tường, Quy Nhơn, Tuy Hòa, Nha Trang… tạo điều kiện cho sự phát triển của từng địa phương cũng như thúc đẩy liên kết kinh tế vùng. Cho đến nay, vùng DHMT đã hình thành được 6 khu kinh tế, 34 khu công nghiệp gắn liền với các cảng biển nước sâu như: Chân Mây, Tiên Sa, Kỳ Hà, Dung Quất, Quy Nhơn, Vũng Rô…
Tuy nhiên, Vùng DHMT cũng gặp không ít bất lợi về tự nhiên cũng như điều kiện kinh tế – xã hội. Theo TS Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, bên cạnh sự ưu đãi của tự nhiên, vùng DHMT cũng là địa bàn chịu sự khắc nghiệt của mưa bão, lũ lụt. Bên cạnh đó, đất đai không phì nhiêu, nên vùng DHMT được xem là vùng đất nghèo cả nước. Tình trạng phá rừng và xây dựng thủy điện tràn lan, thái quá cũng dẫn đến những nguy cơ lũ lụt và thiếu nước trong mùa khô càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Một bất lợi lớn là các ngành kinh tế chủ lực của các địa phương có sự trùng lắp nên địa phương nào cũng bị phân tán nguồn lực đầu tư. Từ đó dẫn đến những xung đột lợi ích địa phương và lợi ích toàn vùng do sự thiếu liên kết phát triển.
Tạo sức bật mới
Thực tế chứng minh rằng, liên kết vùng chính là mệnh lệnh của sự phát triển, bởi đây là cách để tận dụng tối đa mọi nguồn lực để nâng cao sức cạnh tranh của toàn vùng theo nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi. Sẽ không thể có một sức bật mạnh mẽ, nếu như các địa phương trong vùng mãi “dàn hàng ngang” thu hút đầu tư và quyết định đầu tư theo kiểu “anh có, tôi cũng phải có” như lâu nay. Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương tỏ rõ quyết tâm bắt tay nhau, tạo sự liên kết chặt chẽ, không chỉ trong thu hút đầu tư mà còn mang đến cho khu vực diện mạo mới, sức bật mới.
TS Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch – Đầu tư), đưa ra giải pháp: Phát triển hệ thống cảng biển nước sâu, các sân bay quốc tế và quốc nội trong vùng cần kết hợp với các khu kinh tế, KCN phức hợp nhằm đẩy nhanh kết nối với 2 đầu đất nước, khu vực Tây Nguyên và các nước Tiểu vùng sông Mekong. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện cơ sở hạ tầng cảng biển, đường giao thông; đặc biệt là hệ thống giao thông liên vùng, liên tỉnh, tuyến Hành lang Đông – Tây.
Tại hội nghị, các địa phương đã công bố Danh mục dự án trọng điểm vùng để kêu gọi đầu tư, trong đó ưu tiên các dự án có lợi ích kinh tế – xã hội cao, công nghệ thân thiện môi trường, phát triển nguồn nhân lực, có tác động liên vùng, liên kết với doanh nghiệp trong vùng, thị trường, đối tác… Các hoạt động xúc tiến đầu tư ở nước ngoài, thậm chí cả xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư… cũng sẽ được xây dựng một cách minh bạch, thống nhất, dựa trên tiềm năng, lợi thế và lợi ích của toàn vùng.
Cú hích từ du lịch, dầu khí
TS Bùi Tất Thắng cho rằng: Tiềm năng nổi trội nhất của khu vực này chính là phát triển du lịch biển và các tỉnh đã làm khá tốt điều này, dù chưa thực sự phát triển được du lịch hiện đại mà mới chỉ dựa vào thắng cảnh, lợi thế truyền thống là chính.
Trong khi đó, lọc dầu Dung Quất sau khi được triển khai thành công đã tạo sức hấp dẫn rất lớn cho miền Trung. Từ đây, DHMT đã có thêm Dự án Lọc dầu Vũng Rô ở Phú Yên. Và nếu Phú Yên đặt kỳ vọng vào dự án này thì Bình Định cũng đặt nhiều tham vọng vào dự án lọc hóa dầu 28 tỷ USD của Tập đoàn PTT (Thái Lan).
Cũng giống như sóng lọc hóa dầu, Khu liên hợp Ô tô Chu Lai – Trường Hải ở Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam) có thể coi là dự án động lực để khu vực này phát triển hơn nữa ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Với Dự án động cơ ô tô Chu Lai – Trường Hải, vốn đầu tư 185,5 triệu USD, cơ hội phát triển công nghiệp phụ trợ cho ngành công nghiệp ô tô còn lớn hơn nữa. Và đó cũng là điều vô cùng quan trọng trong thu hút đầu tư của khu vực DHMT. Bởi từ các dự án động lực sẽ có khả năng thu hút hàng loạt dự án vệ tinh, dự án trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ cho các ngành công nghiệp chủ lực của vùng vào đây.
Tổng sản phẩm nội địa toàn vùng năm 2012 là 87.270,2 tỷ đồng (chiếm 14,21% so với cả nước). Tốc độ tăng GDP năm 2012 so với năm 2011 là 8,82%. GDP bình quân đầu người đến năm 2012 đạt trên 30 triệu đồng. Tổng kim ngạch xuất khẩu của vùng năm 2012 đạt 5,137 tỷ USD (chiếm 4,48% so với cả nước). Lượng khách du lịch năm 2012 đạt 16,81 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 4 triệu lượt. Lũy kế đến hết năm 2012, các tỉnh DHMT có 705 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký trên 24,57 tỷ USD. |
Nguyễn Hùng (SGGP)
Bình luận (0)