Sinh ra và lớn lên trong gia đình có ba mẹ đều là nhà giáo, với những cô cậu học trò ấy, ba từ “con giáo viên” không chỉ là niềm tự hào, vinh dự mà còn luôn là động lực lớn để rèn luyện và học tập.
Nhưng trên hết, được trưởng thành trong môi trường giáo dục đã rèn giũa cho các em sự hòa nhã, tính khiêm tốn, lạc quan và đặc biệt là tinh thần tự học, vươn lên trong mọi hoàn cảnh.
Thành thạo… hai ngoại ngữ
Em Nguyễn Lê Khánh Phương |
Nguyễn Lê Khánh Phương (Bí thư Chi đoàn lớp 10 CTR N, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Q.5) có mẹ là cô Lê Tường Quyên (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương, Q.1) và ba là thầy Nguyễn Anh Dũng (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1). Với Khánh Phương, ngay từ những ngày thơ ấu, ba mẹ đã luôn là người có sức ảnh hưởng lớn nhất với bản thân mình. Chính ba mẹ đã khơi lên trong em niềm yêu thích với việc học ngoại ngữ và sự tự học không ngừng nghỉ.
“Ban đầu em không hề có hứng thú với việc học ngoại ngữ. Nhưng mẹ đã mở ra cho em những cánh cửa của thế giới đầy màu sắc trong các ngôn ngữ mới. Mẹ và em cùng học. Càng học, em lại càng thấy hiểu và yêu hơn văn hóa của các nước. Mẹ nói rằng “chỉ khi con hiểu được họ nói gì, con mới tự mình mở cửa thế giới cho chính mình””, Khánh Phương chia sẻ.
Chính niềm thôi thúc “hiểu được người bản xứ nói gì” đã giúp Khánh Phương chinh phục thành thạo hai ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Nhật. Theo em, bí quyết để làm bạn với ngôn ngữ là phải biết yêu ngôn ngữ đó và sự quyết tâm đến cùng. “Tiếng Nhật ban đầu làm quen rất khó, thậm chí đôi lúc em muốn bỏ cuộc. Phải mất 2 năm trời miệt mài em mới có thể thành thạo được. Mỗi buổi sáng trước khi đi học, em luôn dành khoảng 1 tiếng đồng hồ để học tiếng Nhật, bên cạnh đó là tập viết chữ bất cứ khi nào rảnh”, Khánh Phương bật mí.
Khánh Phương cho biết thêm, với tiếng Anh và tiếng Nhật, bản thân em luôn tự tạo ra cho mình những ngữ cảnh để học… giao tiếp. Hoặc tự học tiếng bằng cách xem phim hoạt hình, học qua phụ đề, các bài hát…
“Là con giáo viên thì phải học giỏi – quan niệm này là áp lực lớn nhất mà em luôn cảm nhận được. Ngay từ những năm tiểu học, em đã luôn sợ làm ba mẹ buồn, em sợ những “xì xào” to nhỏ về kết quả học tập của mình. Lúc nào em cũng tự nhủ mình phải cố gắng, học thật giỏi để “không mang tiếng” là con giáo viên. Trên tất cả, em tự hào là con của ba của mẹ, những nhà giáo chân chính”, Khánh Phương chia sẻ.
Không phụ lòng ba mẹ, 4 năm THCS Khánh Phương đều là học sinh giỏi; từng đoạt giải nhất cấp TP môn địa lý năm lớp 9, giải khuyến khích cấp TP cuộc thi Thuyết trình tiếng Nhật năm lớp 9 do Lãnh sự quán Nhật tại TP.HCM tổ chức.
Anh em cùng tiến
Nhật Huy (bên trái) cùng em trai Nhật Khoa và ba |
Nhắc đến Nguyễn Hoàng Nhật Huy (tân du học sinh) và Nguyễn Hoàng Nhật Khoa (học sinh lớp 10 lý Trường Phổ thông Năng khiếu, ĐH Quốc gia TP.HCM), người dân trong con hẻm nhỏ đường số 147 (phường Phước Long B, Q.9) đều dành sự trìu mến, ngưỡng mộ trước tính cách hòa nhã và tinh thần hiếu học của hai anh em “con giáo viên”. Là “con nhà nòi” với mẹ là cô Võ Thanh Hải Vân (giáo viên môn lý Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, Q.Thủ Đức) và ba là thầy Nguyễn Công Khanh (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ, Q.9), Nhật Huy và Nhật Khoa luôn coi đó là sự may mắn và không ngừng học tập. Nhật Huy từng đoạt giải nhì học sinh giỏi cấp TP môn vật lý lớp 9, giải nhất học sinh giỏi cấp TP môn vật lý lớp 12, giải khuyến khích cấp quốc gia môn vật lý, nhận học bổng Odon Vallet năm lớp 11; còn Nhật Khoa từng đoạt giải khuyến khích toán Violympic quốc gia năm lớp 5, giải nhì học sinh giỏi cấp TP môn vật lý lớp 9. Chính ba mẹ là những người thầy đầu tiên dạy cho hai em những lễ nghi của “con nhà giáo”, hun đúc trong hai anh em niềm say mê với những con số.
Lớn lên cùng những trang giáo án của mẹ, của ba, Nhật Huy và Nhật Khoa nói rằng đó chính là “sự lên men”, ấp ủ cho những tình yêu lớn sau này. Đó là tình yêu với điện trở điện quang từ mẹ, là sự say sưa làm quen với tính logic của các con số từ ba. Nhưng giá trị nhất đó là tính lạc quan “lúc nào cũng luôn mỉm cười” từ hai nhà giáo – là ba, là mẹ.
“Ngày trước nhà em nghèo lắm. Đồng lương giáo viên không nhiều nhưng ba mẹ đã cóp nhặt, cặm cụi mỗi ngày để dành dụm những điều tốt đẹp nhất cho hai anh em. Chưa bao giờ em thấy ba mẹ to tiếng với nhau hay vì chuyện cơm áo gạo tiền mà đặt để những buồn vui vào gia đình. Lúc nào em cũng thấy ba mẹ cười. Đó có lẽ mới là hành trang giá trị nhất để hai anh em học được tinh thần lạc quan, vượt lên mọi khó khăn, là động lực để cố gắng trong học tập”, Nhật Huy cho hay.
Khánh Phương, Nhật Huy và Nhật Khoa là 3 trong số 211 gương học sinh tiêu biểu vừa nhận được học bổng Nguyễn Hữu Cảnh của ngành giáo dục TP.HCM trong năm học 2018-2019 – vinh danh điển hình học sinh là con em của nhà giáo, công nhân viên đang công tác trong ngành. Theo ông Lê Hồng Sơn (Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM), giá học bổng chưa hẳn đã lớn nhưng đó là sự ấm lòng, san sẻ đến con em các thầy cô giáo, những người đang ngày đêm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, hun đúc thêm truyền thống nghĩa tình… |
Với hai anh em, dù đâu đó có nhìn nhận thiên lệch về nghề giáo trước những “cơn bão” của nghề thì nghề giáo mãi luôn là một nghề cao quý nhất. “Đôi khi, em nghe được những tổn thương của nghề mà ba mẹ chia sẻ trong bữa cơm. Điều đó chỉ càng làm em thêm kính trọng và tự hào về ba mẹ, bởi dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, ba mẹ vẫn luôn là những nhà giáo chân chính”, Nhật Huy nói.
Năm nay, Nhật Huy đậu vào Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) và nhận được học bổng bán phần. Tuy nhiên, em quyết định đi du học Úc ngành định phí bảo hiểm như một lời khẳng định với ba mẹ rằng: “Từ cái nôi giáo dục của ba mẹ, con đã trưởng thành. Con có thể tự lập, bay xa bay cao như cách ba mẹ kỳ vọng”. Còn Nhật Khoa, với ước mơ trở thành phi công, mỗi ngày với em đều là sự miệt mài để “cất cánh” tuổi trẻ, xứng danh “con nhà nòi”.
Quang Long
Bình luận (0)