Hội nhậpThế giới 24h

Xung đột Israel – Hamas tạo thêm rủi ro cho thị trường toàn cầu

Tạp Chí Giáo Dục

Sự bùng nổ xung đột quân sự ở Trung Đông có thể khiến các ngân hàng trung ương phải đối mặt với xu hướng lạm phát mới cũng như giáng một đòn mạnh vào niềm tin kinh tế, tạo thêm rủi ro cho thị trường toàn cầu.
Lực lượng Israel phá hủy đồn cảnh sát – nơi một số chiến binh Hamas ẩn náu ở Sderot, miền Nam Israel, ngày 8.10.2023.
Tính đến ngày 9.10, bạo lực dữ dội ở Dải Gaza đã làm ít nhất 700 người Israel và hơn 400 người Palestine thiệt mạng. Cuộc tấn công của Hamas vào lãnh thổ Israel và cuộc đáp trả bằng vũ lực của Israel làm tăng thêm khả năng xảy ra một cuộc chiến toàn diện ở Trung Đông, bồi thêm cảm giác bất ổn toàn cầu, vốn đang bất ổn do xung đột Nga – Ukraina.
Theo Reuters, bạo lực đã gây ra biến động trên thị trường toàn cầu vào ngày 9.10, cùng với lo ngại về khả năng gián đoạn nguồn cung từ Iran, đã đẩy giá dầu thô Brent tăng 4,18 USD, tương đương 4,94%, lên 88,76 USD/thùng trong phiên giao dịch châu Á lúc 1h20 GMT.
Trên thị trường chứng khoán, hợp đồng tương lai S&P 500 giảm 0,7%; hợp đồng tương lai Nasdaq mất 0,6%; hợp đồng tương lai EUROSTOXX 50 giảm 0,4% và hợp đồng tương lai FTSE giảm 0,1%.
Tác động của chiến sự phụ thuộc vào thời gian kéo dài bao lâu, mức độ căng thẳng như thế nào và liệu có lan sang những nơi khác trong khu vực hay không.
Agustin Carstens – Tổng Giám đốc Ngân hàng Thanh toán Quốc tế – cho biết, trong bài thuyết trình trước Hiệp hội Kinh tế Kinh doanh Quốc gia Mỹ rằng, còn quá sớm để nói những tác động có thể là gì, mặc dù thị trường dầu mỏ và chứng khoán có thể bị ảnh hưởng ngay lập tức. Nhưng chiến sự ít nhất có khả năng tạo thêm một loạt áp lực khó lường cho nền kinh tế toàn cầu vốn đang chậm lại và thị trường Mỹ vẫn đang thích ứng với khả năng Cục Dự trữ Liên bang (FED) sẽ duy trì lãi suất cao lâu hơn nhiều nhà đầu tư dự kiến.
Carl Tannenbaum – nhà kinh tế trưởng của Northern Trust – cho biết, bất kỳ nguồn gốc bất ổn kinh tế nào cũng đều làm trì hoãn việc ra quyết định. Thị trường cũng sẽ theo dõi các kịch bản diễn ra như thế nào, và liệu sau nhiều thập kỷ bất ổn ở Trung Đông, đợt bùng phát bạo lực này có diễn biến khác hay không, có làm xáo trộn trạng thái cân bằng dài hạn không?
Một yếu tố quan trọng khác là bạo lực giáng đòn mạnh vào vấn đề niềm tin, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn đang trong tình trạng biến động sâu sắc do đại dịch và căng thẳng thương mại gia tăng.
Đối với các ngân hàng trung ương, vấn đề nan giải là liệu xung đột có khả năng dẫn đến áp lực lạm phát mới hay không. Khu vực Trung Đông không chỉ là nơi có các nhà sản xuất dầu lớn như Iran và Saudi Arabia mà còn có các tuyến đường vận chuyển lớn qua Vịnh Suez, nên bất kỳ bất ổn nào ở khu vực này đều ảnh hưởng đến thị trường dầu thế giới.
Các quan chức FED cho rằng, giá năng lượng cao gần đây là một rủi ro có thể xảy ra đối với mục tiêu giảm dần lạm phát của FED. Với xung đột đang hoành hành ở một khu vực sản xuất dầu lớn, phản ứng giữa các thương nhân và các nước sản xuất dầu lớn như Iran và Saudi Arabia sẽ được theo dõi chặt chẽ để xem liệu một đợt tăng giá khác có xảy ra hay không, trong khi giao dịch trên thị trường trái phiếu và chứng khoán trong những ngày tới sẽ cho thấy thị trường dự đoán hậu quả thế nào.
Trong khi đó, các nhà phân tích cho biết, rủi ro địa chính trị gia tăng có thể dẫn đến việc mua vào các tài sản như vàng và USD, đồng thời có khả năng thúc đẩy nhu cầu đối với trái phiếu kho bạc Mỹ, vốn đã bị bán tháo mạnh mẽ. Ngày 9.10, giá vàng thế giới tăng 1,1% lên 1.852 USD/ounce.
PV (theo laodong)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)