Hội nhậpThế giới 24h

Xung đột lan rộng, giải pháp bế tắc

Tạp Chí Giáo Dục

Vào thời điểm 100 ngày xung đột giữa Hamas và Israel ở khu vực Trung Đông, những diễn biến liên quan đến xung đột này sôi động theo những chiều hướng khác nhau.
Người ủng hộ lực lượng Houthi ở Yemen biểu tình hôm 12.1 để phản đối cuộc không kích của Mỹ-Anh.
Israel và Hamas vẫn giao tranh với nhau rất quyết liệt và không khoan nhượng. Israel còn không kích vào Syria và tấn công cả lực lượng Hezbollah ở Lebanon. Cả Thổ Nhĩ Kỳ cũng tiến hành nhiều cuộc không kích vào một số mục tiêu trong lãnh thổ của Iraq và Syria. Một chiến trường mới đã hình thành. Một xung đột mới đã bùng phát ở Yemen và trên Biển Đỏ giữa lực lượng phiến quân Houthi ở Yemen với liên quân bao gồm Mỹ, Anh, Australia, Canada, Bahrain và Hà Lan.
Với những diễn biến này, một số nước ở bên ngoài khu vực có chiến sự năng nổ hoạt động ngoại giao trung gian giữa Hamas và Israel. Trong số ấy, đặc biệt có Mỹ và Đức.
Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng của hai nước này đã nhiều lần công du tới khu vực. Vừa mới đây, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Anthony Blinken đến khu vực Trung Đông và vùng Vịnh lần thứ tư kể từ khi bùng phát cuộc chiến giữa Hamas và Israel cách đây 100 ngày. Lần này, ông Blinken tới Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất, Israel, Bờ tây sông Jordan và Ai Cập.
Trong những lần công du trước đấy, ông Blinken đã đến tất cả các nơi này và những nơi còn lại trong khu vực. Mục đích chuyến đi của ông Blinken là liên thủ các bên thành một khối để cùng nhau tìm giải pháp cho hai vấn đề hiện đồng thời được đặt ra cho cả khu vực. Vấn đề thứ nhất là nhanh chóng chấm dứt chiến sự và tìm kiếm hoà giải bền vững giữa Israel và Hamas. Vấn đề thứ hai là tái thiết Dải Gaza sau chiến tranh.
Hoạt động ngoại giao của ông Blinken nói riêng và các hoạt động ngoại giao quốc tế nói chung cho đến nay gần như vẫn chưa đạt được kết quả đáng kể gì trong cả hai vấn đề nói trên. Để tái thiết Dải Gaza sau chiến tranh cần khối lượng tài chính không hề nhỏ từ thế giới bên ngoài, mà hiện chưa có ai ở thế giới bên ngoài tỏ ý sẵn sàng đóng góp tài chính. Chiến tranh phải chấm dứt thì công việc tái thiết mới có thể bắt đầu và hoà bình phải lâu bền, chiến tranh không tái bùng phát thì công việc tái thiết Dải Gaza mới có ý nghĩa.
Nói theo cách khác, hiện đã cần phải nghĩ đến chuyện tái thiết Dải Gaza sau chiến tranh, nhưng việc cụ thể cần phải làm cấp thiết hơn là chấm dứt chiến tranh.
Cuộc chiến giữa Hamas và Israel rất khó có thể được sớm kết thúc bằng giải pháp chính trị hoà bình bởi không bên nào chịu chấp nhận điều kiện tiên quyết của bên nào. Israel muốn xoá sổ vĩnh viễn Hamas trong khi Hamas đâu có để cho bị tiêu diệt bởi Israel mà sẽ chuyển sang chiến tranh trường kỳ bất tận với Israel. Israel không muốn để cho người Palestine thành lập nhà nước Palestine độc lập, có chủ quyền và lãnh thổ thì làm sao có thể có được hoà ước lâu bền giữa Israel và Palestine.
Nếu cứ tiếp tục như vậy thì giải pháp chính trị hoà bình cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestine tiếp tục ở nơi xa vời.
Xung đột lần này giữa Hamas và Israel cho thấy không thể có được hoà bình giữa Israel và Hamas khi không đồng thời có được giải pháp chính trị hoà bình bền vững cho cuộc xung đột dai dẳng lâu nay giữa Israel và Palestine. Cho đến nay, ngoại giao quốc tế vẫn bế tắc.
Dù vậy, ngoại giao quốc tế vẫn sẽ được tiếp tục trong thời gian tới vì vẫn rất cần thiết và vẫn phải được tiếp tục.
PV (theo laodong)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)