Hội nhậpThế giới 24h

Xung đột Ukraina: Mỹ đắc lợi kinh tế, EU gánh hậu quả?

Tạp Chí Giáo Dục

Xung đột ở Ukraina không được kết thúc bằng sự thống trị kinh tế của Mỹ và sự suy yếu của EU – Bộ trưởng Tài chính Pháp cảnh báo.
Mỹ tăng cường xuất khẩu LNG cho EU với giá cao.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cảnh báo không nên để Mỹ thống trị thị trường năng lượng toàn cầu trong khi EU phải gánh chịu hậu quả của cuộc xung đột ở Ukraina. Ông Le Maire cho biết Washington đang lợi dụng cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu để bán khí đốt với giá cao gấp bội.
“Xung đột ở Ukraina không được kết thúc bằng sự thống trị kinh tế của Mỹ và sự suy yếu của EU” – RT dẫn lời ông Le Maire phát biểu tại Quốc hội hôm 10.10.
Bộ trưởng Tài chính Pháp cho biết không thể chấp nhận được việc Mỹ bán khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) với giá cao gấp bốn lần, nói thêm rằng “sự suy yếu kinh tế của Châu Âu không có lợi cho bất kỳ ai”.
“Chúng ta phải đạt được một mối quan hệ kinh tế cân bằng hơn về vấn đề năng lượng giữa các đối tác Mỹ và lục địa Châu Âu” – ông Le Maire nói. 
Trước khi xảy ra xung đột ở Ukraina, Nga là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của EU, cung cấp khoảng 45% lượng khí đốt nhập khẩu của liên minh. Tuy nhiên, do các lệnh trừng phạt Nga trong những tháng gần đây, nguồn cung khí đốt của Mátxcơva cho EU đã giảm đáng kể.
Đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng, các nước EU đã gấp rút lấp đầy các cơ sở dự trữ khí đốt. Mức dự trữ trong các kho chứa dưới lòng đất đạt gần 91% vào ngày 10.10, theo Cơ sở Hạ tầng Khí đốt Châu Âu. Các địa điểm lưu trữ phần lớn được lấp đầy bằng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và hiện đang ở mức cao nhất theo mùa kể từ ít nhất là năm 2016, theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp. Tuy nhiên, nhập khẩu LNG từ nước ngoài có giá cao hơn nhiều so với khí được cung cấp qua đường ống từ Nga theo các hợp đồng dài hạn, và giá năng lượng trong khối tiếp tục tăng.
EU đã xem xét áp đặt giá trần khí đốt với tất cả các nhà cung cấp, nhưng một số quốc gia phản đối điều này. Na Uy – quốc gia không thuộc EU nhưng là đối tác trong Khu vực Kinh tế Châu Âu (EEA) và là một trong những nhà cung cấp khí đốt lớn của EU – gần đây đã cảnh báo rằng động thái áp giá trần có thể làm trầm trọng thêm tình hình, buộc các nhà xuất khẩu phải chuyển hướng cung cấp sang các thị trường khác.
Giá khí đốt tăng cao là một trong những nguyên nhân gây lạm phát ở EU.
 Trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng, các nước Châu Âu tiếp tục ghi nhận tỉ lệ lạm phát cao kỷ lục.
Ngày 11.10, Cộng hòa Czech công bố tỉ lệ lạm phát hàng năm là 18% cho tháng 9, mức cao nhất mọi thời đại. Cơ quan thống kê của nước này cho biết lạm phát tăng cao bắt nguồn từ việc giá năng lượng và nhiên liệu cao hơn gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng trước.
Tại Đan Mạch, lần đầu tiên kể từ năm 1982, tỉ lệ lạm phát hàng năm chạm mức hai con số vào tháng 9. Trong tháng 8, lạm phát của Đan Mạch ở mức 8,9%.
Lạm phát hàng năm ở Hy Lạp ở mức 12% vào tháng 9, chạm mức cao nhất kể từ năm 1993.
Dữ liệu từ Latvia cũng cho thấy lạm phát hàng năm ở mức 22,2% trong tháng 9, một mức cao kỷ lục khác.
Hungary công bố số liệu lạm phát trong tháng 9 ở mức kỷ lục là 20,1%. So với cùng kỳ năm ngoái, giá năng lượng đã tăng 62,1% ở Hungary, trong khi lạm phát lương thực ở mức 35,2%.
Cũng trong tháng 9, lạm phát ở khu vực đồng euro đã đạt mức hai con số và đạt kỷ lục mới là 10%.
Giá năng lượng – tăng 40,8% – là động lực lớn nhất gây ra lạm phát trong tháng 9 ở khu vực đồng tiền chung Châu Âu.
PV (theo laodong)

Bình luận (0)