Cô Hà Thị Nguyệt (Trung tâm GDTX Q.Tân Phú): Xưng hô do thói quen
Thầy và trò cần có sự nghiêm túc khi xưng hô với nhau (ảnh minh họa). Ảnh: N.Anh
|
Hiện nay tôi thấy đa số GV xưng hô với HS bằng thầy/ cô – em, tuy nhiên vẫn có một số thầy gọi HS bằng con. Theo tôi, hai cách xưng hô này cũng như nhau, ít khi HS chú ý hay có sự phân biệt. Trong lớp cũng có bạn tự xưng với thầy cô là “em” nhưng cũng có bạn lại xưng “con”. Cách gọi đó theo tôi nghĩ chỉ do thói quen chứ nhà trường cũng không ra quy định cụ thể. Khi vắng mặt GV, có bạn vẫn còn xưng thầy A. cô B. nhưng có bạn lại đổi cách xưng hô như ông A. bà B hoặc gọi tắt là “ổng, bả”. Chuyện đó cũng do thói quen của từng người nhưng phần nào thể hiện ý thức tôn trọng của học trò đối với thầy cô. Tôi nghĩ khi các bạn xưng “con” thì họ xem thầy cô như cha/ mẹ mình, còn khi xưng “em” thì coi thầy cô như người anh/ chị trong gia đình. Học trò có em ngoan, em chưa ngoan nhưng trong cách xưng hô thì hầu như chưa có ai vô lễ hoặc xưng hô thiếu tôn trọng đối với thầy cô của mình, dù có GV còn ít tuổi hơn học viên trong trung tâm GDTX.
Thầy Nguyễn Hoài Bảo Chương (Phó hiệu trưởng Trường THCS Lam Sơn, Q.Bình Thạnh): Xưng hô giữa thầy và trò cần có sự nghiêm túc
Ở lứa tuổi THCS, cách xưng hô giữa thầy và trò thường là thầy – con hoặc thầy – em. Thầy – con là một kiểu xưng hô theo truyền thống, thường gặp ở độ tuổi tiểu học, thể hiện sự quan tâm gần gũi để sự tiếp xúc giữa thầy và trò thuận lợi hơn. Còn thầy – em thể hiện một bước chuyển mình của các em HS, đặc biệt là độ tuổi ở lớp 8, lớp 9. Cách xưng hô này cho thấy các em đang trưởng thành, có tính tự lập hơn. Còn lên bậc THPT hoặc các bậc học cao hơn, GV thường chuyển sang cách xưng hô khác là tôi – anh/ chị để thể hiện cái tôi, bản lĩnh của HS khi các em đã trưởng thành. Cách xưng hô này ở bậc THCS rất hiếm có, nếu có thì HS cần phải thận trọng, lễ phép hơn vì lúc đó là GV đang trong tâm trạng bực dọc vì các em không làm bài tập hay nói chuyện riêng trong lớp…
Hiện nay vẫn có GV xưng mày – tao với HS, và điều này đã gây nhiều tranh luận. Đặt vào một số ngữ cảnh nào đó như ngoài giờ học, một số người cho rằng có thể chấp nhận được vì cách xưng hô này thể hiện sự gần gũi của thầy và trò khi tâm sự về cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, tôi cho rằng dù ở ngữ cảnh nào, dù khoảng cách độ tuổi giữa thầy và trò là bao nhiêu, thậm chí có trò còn lớn tuổi hơn cả thầy thì chúng ta không nên sử dụng cách xưng hô mày – tao, bởi dù ở xã hội nào thì cách xưng hô giữa thầy và trò cần có sự nghiêm túc, thể hiện tính tôn sư trọng đạo của dân tộc.
LTS: Sau khi Giáo Dục TP.HCM đăng loạt bài “Văn hóa giao tiếp trong nhà trường”, tòa soạn đã nhận được nhiều ý kiến chia sẻ của bạn đọc về vấn đề này. Giáo Dục TP.HCM sẽ lần lượt trích đăng các ý kiến này như là một diễn đàn.
|
Bình luận (0)