Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Xung quanh đề thi tốt nghiệp THPT môn văn – Tìm cái “tôi” mạnh mẽ giàu khát vọng

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
 Đề thi mà tôi muốn đề cập ở đây là đề thi tốt nghiệp THPT và đề thi tuyển sinh đại học môn văn. Ra được một đề thi hay quả là rất khó, bởi đề thi không chỉ là để đánh giá trình độ kiến thức trong 12 năm học mà còn đánh giá khả năng tư duy sáng tạo, kiến thức về cuộc sống, phẩm chất đạo đức, tâm hồn nhân cách lẽ sống của người thanh niên.
Tôi còn nhớ lúc còn học THPT, có lần tôi đọc tác phẩm “Tuổi trẻ Các-Mác”, tôi đã rất thích thú với đề thi tốt nghiệp trung học của Mác: “Những ý nghĩ của một thanh niên khi chọn nghề”. Tôi cứ nghĩ nếu được làm một đề như thế mình sẽ có dịp nói được hết những nghĩ suy mơ ước của mình.
Thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011. Ảnh: MAI HẢI
 Theo dõi đề thi tốt nghiệp THPT và đại học trong 3 năm qua, tôi thấy đã có những đổi thay đáng kể. Trong cấu tạo của đề thi đã có một câu nghị luận xã hội. Người ra đề đã chọn được những vấn đề khá hay: “Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 400 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về lòng yêu thương con người của tuổi trẻ trong xã hội hiện nay” (Đề thi tốt nghiệp THPT 2010). “Đạo đức giả là một căn bệnh chết người luôn nấp sau bộ mặt hào nhoáng.
Từ ý kiến trên, anh/chị hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của mình về sự nguy hại của đạo đức giả đối với con người và cuộc sống” (Đề thi tuyển sinh đại học 2010 – khối D). Và nhất là đề thi tốt nghiệp THPT năm 2011: “Trước nhiều ngả đường đi đến tương lai chỉ có chính bạn lựa chọn được con đường đúng cho mình. Viết một bài văn ngắn (khoảng 400 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên”.
Những đề nghị luận xã hội như vậy đã giúp thí sinh phát huy năng lực sáng tạo của mình, mạnh dạn đưa ra những ý kiến của cá nhân về những hiện tượng nào đó trong xã hội hoặc khơi gợi ở các em những nghĩ suy nghiêm túc về bản thân mà đôi khi giữa cái bề bộn của đời thường, các em chạy theo trào lưu sống gấp, sống hối hả, vô tâm, thiếu đi những phút lặng để tự nhìn lại mình.
Chỉ có chính bạn trẻ mới lựa chọn được con đường đúng của mình. Tuy nhiên, tôi vẫn thấy chúng ta chưa đặt kỳ vọng và niềm tin ở tuổi trẻ. Nên chăng chọn những vấn đề gắn với thời sự hơn, gắn với trách nhiệm của tuổi trẻ đối với Tổ quốc, đất nước hơn.
Dẫu sao bộ cũng đã có những thay đổi trong cách ra đề. Đó là một tín hiệu đáng mừng. Rất tiếc với loại đề này, khi chấm chúng tôi vẫn bắt gặp một lối viết chung chung mờ nhạt. Hiếm khi bắt gặp được một cái “tôi” mạnh mẽ giàu khát vọng. Có lẽ đó là hậu quả của một nền giáo dục ít sáng tạo, ít khơi mở trong mấy chục năm qua.
Về đề nghị luận văn học thì vẫn buồn nhiều hơn vui bởi suốt năm này qua năm khác, chúng ta vẫn bắt gặp một lối ra đề nhàm chán muôn thuở mà đề thi tốt nghiệp THPT năm nay là một ví dụ. Với các đề phân tích thơ, giáo viên trên lớp đã làm công việc này, các trung tâm luyện thi và các nhà xuất bản đã cho ra đời hàng trăm cuốn sách với các bài văn mẫu sáo rỗng có, sâu sắc có tràn ngập trên thị trường. Nếu còn ra đề kiểu này, không giáo viên nào dám thay đổi cách dạy.
Bởi dạy thông minh, dạy sáng tạo, học sinh sẽ dễ bị điểm thấp hơn những học sinh được giáo viên thuyết giảng và cho chép bài cẩn thận. Với kiểu ra đề này, sẽ còn cảnh lăn lóc khảo bài đến khuya như báo chí từng đưa tin.
Có người hỏi tôi, nếu chỉ quẩn quanh có mấy tác phẩm như thế thì học sinh có thể làm biện pháp loại trừ và đoán đề được phần nào chăng? Tôi nghĩ không phải như vậy. Học sinh có thể đoán đúng một vài tác phẩm nào đó nhưng không thể đoán được cách ra đề về tác phẩm ấy nếu chúng ta ra đề có những nét thông minh sáng tạo mà vẫn không quá cao đối với trình độ học sinh.
Ví dụ đề thi tốt nghiệp THPT năm 2008: “Anh/chị hiểu như thế nào về tâm sự của Nguyễn Khoa Điềm trong đoạn thơ sau: Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình/ Phải biết gắn bó và san sẻ/ Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở/ Làm nên Đất Nước muôn đời”. Chỉ cần một chút như vậy là đã đòi hỏi học sinh phải xây dựng dàn ý khác và một lập luận khác rồi.
Đề thi tốt nghiệp THPT năm nay quá bất ngờ đối với cả học sinh và giáo viên: “Trong đoạn cuối truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu, nhân vật nghệ sĩ Phùng mỗi khi ngắm kỹ và nhìn lâu hơn tấm ảnh do mình chụp thường thấy hiện lên những hình ảnh nào? Những hình ảnh đó nói lên điều gì?”.
Từ xưa đến nay đây là câu hỏi tái hiện kiến thức về văn học nước ngoài hoặc văn học sử giúp các em còn yếu về văn gỡ điểm. Vậy mà ở đây nó dường như là câu hỏi có tính chất phân loại đánh giá học sinh. Dạng câu hỏi khó này thường đặt ở cuối đề. Đặt một câu hỏi khó và lạ như vậy ngay ở phần đầu của đề tôi nghĩ hơi tội nghiệp cho học sinh bởi nó sẽ tạo nên một chấn động tâm lý làm học sinh hốt hoảng mất bình tĩnh. Nó không chỉ khác với cách hỏi từ xưa đến nay mà nó còn là một chi tiết nghệ thuật đôi khi giáo viên và học sinh không để ý.
Nhân bàn về đề thi văn tôi muốn gửi gắm một điều mong mỏi: Mong những nhà lãnh đạo đất nước cũng như xã hội hãy nhìn nhận các bộ môn xã hội nhân văn đúng đắn hơn, đặt nó đúng tầm hơn bởi nó là nền tảng làm nên chất nhân văn nhân bản trong mỗi con người. Phải đứng vững trên nền tảng văn hóa ấy mới bay vào bầu trời khoa học kỹ thuật, giao dịch thương mại.
Theo sggp 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)