Trao đổi với chúng tôi xung quanh kiến nghị của Bộ GD-ĐT về việc sẽ có nhiều bộ sách giáo khoa (SGK) thay vì thống nhất một bộ SGK trên cả nước
Học sinh sẽ được quyền lựa chọn bộ SGK – Ảnh: Đ.N.T |
như hiện nay, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng:
Khi có nhiều bộ SGK sẽ có sự thi đua giữa các tập thể tác giả viết SGK, không ngừng hoàn thiện SGK để chất lượng được nâng lên; tạo điều kiện cho giáo viên và học sinh (HS) được quyền lựa chọn bộ SGK phù hợp với điều kiện và khả năng tiếp thu của mình.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết
|
* Trong dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục, Bộ GD-ĐT đưa ra hai phương án về đối tượng được quyền lựa chọn SGK là giám đốc sở GD-ĐT và hiệu trưởng nhà trường. Ông có ý kiến gì về vấn đề này không?
– Nếu như hiệu trưởng chọn thì có thể sẽ sát với thực tế nhà trường, nhưng sẽ không đảm bảo sự chỉ đạo thống nhất ở trong một Sở GD-ĐT. Trong khi thông thường mỗi bộ môn chỉ có một chuyên gia thì làm sao cán bộ sở có thể chỉ đạo một lúc 3-4 bộ sách khác nhau được. Thứ hai, nếu ông hiệu trưởng chọn SGK thì sẽ nảy sinh tình huống: gia đình HS thay đổi chỗ ở và chuyển trường học thì cũng đồng nghĩa với việc HS đó phải mua một bộ SGK mới, không thể thực hiện được chủ trương tận dụng SGK cũ mà Bộ GD-ĐT đang phát động; không những em không thể dùng lại sách của anh chị, mà có khi chính anh chị ấy đang học cũng phải thay bộ SGK khác…
Còn nếu giao cho giám đốc sở GD-ĐT được quyền lựa chọn SGK thì có thuận lợi là sẽ có chỉ đạo thống nhất trong dạy học, ra đề thi ở địa phương ấy, thế nhưng sẽ nảy sinh tình trạng mỗi địa phương chỉ có 1 bộ sách chứ không phải có nhiều bộ sách, vậy thì giáo viên, học sinh, phụ huynh HS vẫn hoàn toàn không có quyền lựa chọn nào cả.
Tôi đã nghiên cứu ở một số nước như Anh, Pháp thì thấy rằng nhiều bộ SGK của họ khác hẳn với nhiều bộ SGK của mình. HS ở những nước này có thể cùng một lúc học nhiều bộ sách và quyền chọn bài nào để dạy HS là quyền của cô giáo. Ví dụ, cô giáo có thể thấy trong một lớp HS này cần phải cố gắng lên ở mặt nào đó thì chọn một bài phù hợp trong một cuốn sách cụ thể; nhưng cũng cùng môn học đó, đến bài học khác thì bài trong cuốn SGK ấy lại không phù hợp với HS đó nữa và cô giáo lại chọn ở một cuốn SGK khác…
Tuy nhiên, áp dụng theo mô hình đó thì GV của mình có thể đủ trình độ để làm được công việc đó hay không? Bên cạnh đó, kinh phí ở đâu để trang bị cho một HS nhiều bộ SGK như vậy? Ở nước ngoài thì họ có thư viện, HS đến trường lấy SGK mà học, hoặc cô giáo định dạy bài nào thì có trách nhiệm sao chụp bài học đó cho HS… Nhưng ở nước ta thì tất cả những điều kiện để thực hiện cách làm đó đều thiếu.
Trong khi đó, mặt trái của nền kinh tế thị trường có tác động rất mạnh, chỉ cần một NXB hứa hẹn sẽ cho ông giám đốc sở GD-ĐT hay hiệu trưởng nhà trường một khoản hoa hồng lớn thì chắc chắn sẽ chọn bộ SGK ấy. Rồi đến khi ông giám đốc khác, hiệu trưởng khác lên cầm quyền thì lại không đồng ý sử dụng bộ SGK ấy và lại nhận hoa hồng để chọn bộ SGK khác…
* Nhiều bộ SGK cũng đồng nghĩa với việc tổ chức thi cử cũng phải thay đổi về cách ra đề và chấm thi. Theo ông điều này có thể thực hiện được không?
– Thực tế cho thấy, bộ SGK chuẩn và SGK nâng cao ở bậc THPT hiện nay đã vênh nhau về quan điểm. Đây cũng là chuyện thường thấy bởi vì khó có một ngành khoa học cơ bản nào mà lại tìm được sự nhất trí hoàn toàn với nhau, nhất là chương trình giáo dục phổ thông hiện nay của ta tuy công phu nhưng chưa thật chi tiết. Như vậy người viết sách dễ bị đi theo các hướng rất khác nhau và đây quả là bài toán cực kỳ khó giải quyết. Bộ GD-ĐT vẫn nói kiểm tra, đánh giá, thi cử sẽ căn cứ vào chương trình chứ không phải vào SGK. Tuy nhiên, đến lúc ra những bài toán cụ thể thì phải vận dụng các quan điểm khác nhau trong SGK để giải bài toán ấy, đặc biệt các môn khoa học xã hội và nhân văn vô cùng phức tạp. Nếu cùng một nội dung kiến thức cụ thể nhưng hai bộ SGK khác nhau lại có hai thông tin khác nhau thì HS sẽ phải theo đâu để làm bài?
* Nhiều bộ SGK cũng đồng nghĩa với việc trách nhiệm của những nhà thẩm định SGK trở nên đặc biệt quan trọng. Nhưng theo ông quyền hạn “tâm” và “tầm” để lựa chọn ra một bộ SGK tốt nhất trong số những bộ SGK được viết ra hay không?
– Phải lựa chọn một đội ngũ những nhà thẩm định không những giỏi về khoa học cơ bản mà còn phải hết sức khách quan trong quá trình lựa chọn SGK. Bộ GD-ĐT phải trao quyền cho hội đồng thẩm định nhiều hơn. Thực tế như hiện nay thì hội đồng thẩm định chỉ tư vấn cho Bộ trưởng chứ không có quyền can thiệp sâu vào nội dung mà tác giả viết SGK đã biên soạn.
* Theo đánh giá của ông thì đội ngũ tác giả có thể viết SGK của nước ta hiện nay liệu có đảm bảo về số lượng và chất lượng để đáp ứng yêu cầu một chương trình, nhiều bộ SGK hay không?
– Hiện nay, nước ta chưa có những người được đào tạo về kỹ thuật xây dựng chương trình và viết SGK thật bài bản. Phần lớn là các nhà khoa học cơ bản, các nhà nghiên cứu về phương pháp và giáo viên phổ thông, dựa vào kiến thức và kinh nghiệm của mình mà viết SGK. Đến năm 2015 mà Bộ GD-ĐT định xây dựng một chương trình – SGK mới thì ngay bây giờ phải chuẩn bị bằng cách chọn lựa một đội ngũ cán bộ trẻ, có năng lực đi học thì mới có thể kịp để thực hiện cho mục tiêu này. Viết SGK thì người viết sách phải là nhà khoa học cơ bản rất giỏi nhưng lại vừa phải là người am hiểu về giáo dục phổ thông cũng như tâm lý, trình độ của HS phổ thông. Thiếu một trong hai điều kiện đó đều không thể được, nhưng trên thực tế thì đội ngũ viết SGK của ta hiện nay sự am hiểu về giáo dục phổ thông là rất yếu.
* Cũng có ý kiến cho rằng, với đội ngũ viết SGK còn nhiều bất cập như vậy thì tại sao thay bằng việc chúng ta tự viết SGK thì hãy lựa chọn và mua bản quyền những bộ SGK tốt nhất của nước ngoài để đưa vào giảng dạy?
– Tôi cho rằng, đối với những môn khoa học tự nhiên thì có thể, nhưng những môn khoa học xã hội thì không thể làm được điều đó vì văn học, lịch sử, địa lý… phải là do chính đội ngũ tác giả của nước ta biên soạn.
Tuệ Nguyễn (TNO)
Bình luận (0)