Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Xung quanh quy định mới về miễn giảm học phí

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Bắt đầu từ năm học này, những thay đổi về việc thực hiện chế độ miễn giảm học phí cho sinh viên (SV) cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và địa phương để không gây khó khăn cho SV.

Theo quy định mới, Nhà nước sẽ cấp trực tiếp tiền hỗ trợ miễn giảm học phí cho các đối tượng được miễn giảm để họ đóng học phí đầy đủ cho trường. Như vậy, thay vì được miễn hoặc giảm học phí ngay từ đầu, SV thuộc đối tượng này vẫn phải đóng học phí như các SV khác, sau đó về địa phương nhận lại tiền hỗ trợ.
SV đóng học phí tại trường ĐH Nông Lâm – Ảnh: Đ.N.T
Ông Trần Đình Lý – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ SV và quan hệ doanh nghiệp (trường ĐH Nông Lâm TP.HCM), cho biết: “Hiện nhà trường có khoảng 2.000 SV thuộc diện miễn giảm học phí. Việc thay đổi phương thức thu này sẽ có lợi cho cả trường, địa phương và SV do địa phương là nơi hiểu rõ hoàn cảnh khó khăn của người dân hơn ai hết”. Ngoài ra, ông Lý cho rằng chủ trương này cũng hợp lý hơn khi tất cả các chính sách như vay vốn, miễn giảm học phí, trợ cấp ưu đãi đều được quy về một mối quản lý là địa phương. Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Quyến – Trưởng phòng Công tác SV (trường ĐH Kiến trúc TP.HCM) khẳng định: “Việc giao cho địa phương chi trả học phí sẽ chính xác hơn”.
"Bộ đã có thông báo đề nghị các trường giãn thời gian thu học phí cho khớp với thời gian chi trả của phòng LĐ-TB&XH địa phương để không gây khó khăn cho các em"

Ông Nguyễn Văn Ngữ (Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính Bộ GD-ĐT)

Giải thích về thay đổi này, ông Nguyễn Văn Ngữ – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính Bộ GD-ĐT – cho rằng, việc xét duyệt và chi trả tiền miễn giảm học phí cho SV được chuyển qua các phòng LĐ-TB&XH địa phương thực hiện bởi đây là đơn vị quản lý đối tượng chính sách và chịu trách nhiệm thu nhận đơn miễn giảm, xét duyệt và cấp tiền cho đối tượng chính sách. Cách làm này giúp Phòng LĐ-TB&XH quản lý đối tượng được Nhà nước bảo trợ trên địa bàn và quy nguồn hỗ trợ của Nhà nước về một mối.

Đối diện khó khăn
Thuộc đối tượng miễn 100% học phí do sống ở khu vực vùng sâu, vùng xa, hải đảo, nhưng cả tháng nay Nguyễn Như Bình – SV năm 4 khoa Văn học ngôn ngữ (trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) phải lo chạy khắp nơi để gom đủ tiền đóng học phí. Bình cho biết: “Những năm trước, em không phải lo học phí mà chỉ chú tâm vô việc học hành, còn năm nay, em và gia đình phải chạy khắp nơi để kiếm đủ 2.350.000 đồng để đóng học phí học kỳ 1 trước ngày 4.1.2011”. Gia đình Bình làm nghề nông lại sống ở khu vực vùng sâu vùng xa nên việc vay mượn tiền không dễ. Ông Lê Văn Hương – thương binh 3/4 có con học năm thứ 3 trường ĐH Nông Lâm TP.HCM – lo âu: “Nếu những năm trước tôi không phải lo vụ học phí thì năm nay phải đi vay khắp nơi để đóng tiền”. Đầy tâm trạng, N.Dũng – SV trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM cho hay: “Em gọi điện về nhà để báo phải đóng học phí mà bố mẹ em không tin, cứ cho rằng em nói dối vì trước giờ em được miễn 100% học phí”.
Không chỉ khó khăn về tiền bạc, các SV còn lo lắng về thủ tục ở địa phương. “Vấn đề là khi mang giấy tờ của trường về huyện để rút tiền có nhanh chóng hay không? Ở UBND huyện, để chứng giấy tờ thôi cũng rắc rối, khó khăn. Giờ muốn rút được 2.350.000 đồng chắc phải mất hàng tháng” – Nguyễn Như Bình ngao ngán nói.
Quy trình nhận tiền miễn giảm học phí
Từ năm học 2010 – 2011 đến năm học 2014 – 2015, SV các trường công lập thuộc diện chính sách sẽ phải đóng 100% học phí tại trường, sau đó nhận lại khoản học phí đó tại phòng LĐ-TB&XH nơi đăng ký hộ khẩu sau 15 ngày, kể từ ngày nộp đơn xin hưởng trợ cấp. Mỗi năm SV sẽ được nhận 2 lần theo từng học kỳ.
Thủ tục gồm đơn đề nghị miễn giảm tiền học phí có xác nhận của trường, sổ hưởng trợ cấp và phiếu thu học phí của học kỳ tại thời điểm nhận tiền.

Không chỉ SV than khó, các địa phương cũng lo ngại bởi theo Thông tư liên tịch 29 giữa Bộ GD-ĐT, Bộ Tài chính, Bộ LĐ-TB&XH ký ngày 15.11.2010, ngân sách chi trả do các địa phương tự cân đối trong dự toán chi sự nghiệp giáo dục hằng năm của địa phương; Nhà nước chỉ hỗ trợ cho các địa phương có khó khăn. Ông Nguyễn Tường Vân – Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định cho biết: “Thuận lợi nhất vẫn là miễn giảm trực tiếp tại các trường. Trường thuộc tỉnh nào thì chuyển danh sách về Sở LĐ-TB&XH tỉnh đó để nhận lại tiền. Còn chuyển về địa phương, khó khăn nhất vẫn là nguồn kinh phí và nhân lực để đảm bảo chi trả cho các em đúng thời hạn. Ở huyện Hoài Nhơn, dự kiến cần 1,5 – 2 tỉ đồng để chi trả tiền miễn giảm học phí cho đối tượng này mỗi năm, nhưng đến nay UBND tỉnh vẫn chưa có chỉ đạo nào về việc chi trả, trong khi sau ngày 1.1.2011 khi Thông tư 29 có hiệu lực, chúng tôi sẽ bắt đầu nhận hồ sơ chi trả tiền học phí cho học kỳ 1 năm 2010”.

Cần sự mềm dẻo
Hiểu được những khó khăn khi áp dụng chủ trương, ông Nguyễn Văn Ngữ cho biết: “Thời gian đầu bao giờ cũng có trục trặc nên Bộ đã có thông báo đề nghị các trường giãn thời gian thu học phí cho khớp với thời gian chi trả của phòng LĐ-TB&XH địa phương để không gây khó khăn cho các SV”.
Để lộ trình thực hiện được thuận lợi, ông Trần Đình Lý kiến nghị: “Bộ Tài chính phải cấp kinh phí kịp thời cho địa phương để SV sớm được hưởng chính sách này. Về phía mình, các trường cũng cần có những nghiên cứu cụ thể cho các trường hợp riêng cũng như tăng cường liên hệ với địa phương”.
Ông Nguyễn Văn Quyến – trường ĐH Kiến trúc TP.HCM – khẳng định: “Trường không ràng buộc về thời gian đóng học phí. Vì vậy, các em có thể xin giấy chứng nhận là SV của trường rồi về địa phương nhận tiền trước”.
Phi Loan / TPO

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)