Ngày qua ngày, có những phận người lầm lũi bất chấp lệnh cấm, lén lút vào Khu dự trữ sinh quyển thế giới rừng ngập mặn Cần Giờ săn thòi lòi. Không chỉ vi phạm pháp lệnh bảo vệ môi trường, đội quân này còn đối mặt với muôn vàn nỗi khổ và hiểm nguy.
Cực trăm bề…
Những ngày sống giữa rừng Vàm Sát (Cần Giờ, TPHCM) với cư dân bản địa, chúng tôi phát hiện ẩn sau dải rừng ngập mặn bao la kia là vô số phận người nghèo khó sống nhờ rừng, lệ thuộc vào rừng bằng những nghề cơ nhọc như mò ốc chày môi đỏ, đào sá sùng, câu cua… và săn cá thòi lòi.
Lúc này 7 giờ sáng, sau cữ cà phê, tôi hối ông Chín Quạnh, nhà ở ấp Lý Hòa Hiệp, xã Lý Nhơn chuẩn bị lưới bọng đặng đi săn “cá mắt lồi”. Thấy ông lững thững tiến vào khoảng rừng tối tăm chỉ với cái xô nhựa cùng vài chục chiếc que và những tấm lưới bé xíu cỡ chiếc khăn lau mặt, tôi thắc mắc hỏi “đi bắt cá mà chú đem mấy tấm lưới cỏn con vầy bộ định vớt cá lòng tong hả?” thì ông cười: “Chú đúng là dân thành phố quê một cục. Thằng thòi lòi câu không được, bủa lưới chỉ phí sức nhọc công. Muốn săn được nó chỉ có cách duy nhất là đặt bẫy”.
Tùy mùa mà thủy triều ở Vàm Sát rút cạn khi chiều, lúc sáng, hoặc đêm. Mực nước hạ thấp là lúc mà cánh “thợ săn” xăm xăm vào rừng kiếm miếng cơm.
Phát hiện hang của loài “cá ma” này, họ chỉ việc cắm cây trước miệng hang rồi căng lưới và cứ thế chờ đợi con nước lên lấp kín. Không thể trụ lâu phía dưới, con thòi lòi ngoi lên thở và tự đúc đầu vào bẫy.
Một chú cá thòi lòi dính bẫy
Theo TS Lê Đức Tuấn (giám đốc Trung tâm Nghiên cứu rừng ngập mặn Cần Giờ), hang cá thòi lòi thường ẩn dưới những bụi đước, sâu từ 1 – 1,5m. Mỗi chú thòi lòi thường đào từ 3 – 4 hang, các hang có ngõ ngách ăn thông nhau phòng khi miệng hang này bị bít thì tháo thân sang hang khác.
Một phường săn tên Hải cho biết, săn thòi lòi cực ở chỗ mỗi khi tác nghiệp phải tìm cắm hơn hai trăm cái bẫy. Khi cắm xong cái cuối cùng thì đáo lại chỗ cắm đầu tiên thăm bẫy, cứ thế mà đi cho đến khi gặp cái cuối cùng. “Đi hàng chục cây số giữa rừng vậy nhưng không phải cái bẫy nào cũng dính thòi lòi. Tìm được một cái hang đâu phải muốn cắm bẫy là được đâu. Tiếp đến mình còn phải dò tìm các hang còn lại vốc tay dùng đất bịt kín tránh thòi lòi thoát ra. Bắt được con thòi lòi trần ai khoai củ lắm!”.
“Vào rừng bẫy thòi lòi cũng có nghĩa là chấp nhận “hiến máu nhân đạo” cho lũ muỗi đói. Chuyện bị muỗi chích sưng người, vết chích làm độc lở loét, vết này chưa kịp lành thì vết khác bưng mủ… là một phần tất yếu của nghề nghiệp” – một phường săn tên Minh lúc ngồi nghỉ chân trên bộ rễ đước u nần ở chốt Cá Đao, xã An Thời Đông bộc bạch.
Dứt lời, Minh xắn tay áo, vén ống quần chỉ cho chúng tôi thấy hàng trăm vết thâm, có vết kéo sẹo lồi trông ớn lạnh, rồi bảo: "Do bị muỗi cắn nát bét vầy nên 10 tay săn thòi lòi thì hết 9 đứa bị sốt rét, tui cũng không ngoại lệ".
Nguy vạn kiểu!
Chuyến đi bẫy thòi lòi hôm đó, do mấy miếng bom còn ghim trong đầu trở chứng làm ông Sáu đau nhức dữ dội nên tôi phải dìu ông về, thành ra dù mất công lặn lội gần 2 giờ đồng hồ giữa rừng nhưng chẳng tóm được con thòi lòi nào cả.
Trong cái rủi chúng tôi gặp may. Khi gần bước ra khỏi cửa rừng, ông Sáu tình cờ gặp mấy người quen vốn là dân moi cua, bẫy thòi lòi chuyên nghiệp nên nán lại trò chuyện.
Anh chàng thợ săn tên Lê Bạt 34 tuổi nhìn như 50 do hậu quả của những năm tháng ăn uống thất thường, làm việc nhọc sức, bị lũ muỗi đói “chăm sóc” tận tình… trò chuyện: “Có mùa con nước giựt lúc đêm khuya, muốn săn được thòi lòi không còn cách nào khác ngoài việc phải bặm mình tiến vào màn đêm thăm thẳm với vô số hiểm nguy chực chờ.
Cá thòi lòi vừa sống dưới nước, vừa có thể sống trên cạn và leo cây cũng cừ
Lúc đó không phải đi bẫy mà là đi soi. Con cá thòi lòi cũng như con ếch, bị ánh đèn rọi thẳng vào mắt thì nó cứ như bị thôi miên đứng yên một chỗ. Lúc đó mình chỉ cần tiến lại gần tóm bỏ vào rọ”.
“Đi trong rừng chỉ có một phép là lội bộ. Bình thường đi lại nhiều đứa bị dầm đâm bưng mủ đã đành, nay phải chạy như điên giữa đêm tối nên chuyện bị đạp trúng miểng bom, miểng dầm cắt sâu vào thịt da… là rất bình thường. Dân soi thòi lòi đứa nào cũng ít nhiều nếm trải cái mùi vị kinh khủng này cả. Tui có lần bị mảnh dầm gây thối thịt khiến bàn chân sưng vù tưởng hoại tử. Trước đó mấy thằng bạn của tui vốn là dân ở vùng ngoài như Tiền Giang, Bến Tre cũng do bị dầm đâm thối thịt phải tháo khớp”…
Theo tài liệu nghiên cứu “Định loại các loài cá nước ngọt Nam Bộ”, thòi lòi thuộc họ cá thòi lòi, bộ cá vược. Đây là loài sống riêng lẻ trong các hang dọc theo sông rạch, chịu ảnh hưởng của thủy triều. Có tập tính đánh nhau, thòi lòi có thể sống trên cạn khá lâu và di chuyển trên mặt đất dễ dàng. Đầu cá thòi lòi hình trụ, mõm thẳng đứng, có hai hàng răng trên hàm trên, hàng ngoài có dạng răng chó. Hàm dưới chỉ có 1 hàng răng. Lưỡi tròn cụt, gần như gắn sát miệng.
|
Đêm tối cũng là thời điểm mà lũ rắn rời hang săn mồi. Mà rắn ở Cần Giờ toàn những loài độc địa có cú táp chết người như hổ chúa, hổ mang, cạp nong, mái gầm, rắn đai lớn, rắn roi mõm nhọn… Vấn đề ở chỗ không chỉ là tầm ngắm của con người, thòi lòi cũng là món khoái khẩu của những loài mãng xà độc địa này.
Bạn đồng nghiệp của Bạt tên thường gọi Sáu Cần Đước (thứ 6, quê ở huyện Cần Đước, tỉnh Long An) trần tình: “Kiếm miếng cơm giữa rừng mình ên (một mình) đã khó huống chi tranh ăn cùng mấy ông mãng xà. Nhưng nếu mình sợ mấy ổng mà thu lu ở nhà thì biết lấy gì nuôi thân và cho vợ con, mẹ già bỏ bụng đây. Dành phải liều tới đâu hay tới đó!”.
Trong mấy anh đi bẫy thòi lòi ai cũng một lần bị rắn cắn. “Nhưng may mà tụi tui vào rừng toàn đi cặp đôi hoặc đi bộ ba nên khi có người bị rắn cắn là lập tức garô vết thương, nặn máu độc, đắp thuốc kịp thời. Nhờ vậy mà tai qua nạn khỏi. Tháng trước có thằng Minh người Bến Tre do không rủ được bạn đi cùng nên bạo gan vào rừng một mình. Nó đi lúc 10 giờ tối nhưng khi trời sáng rực, nắng lên cao vẫn chưa thấy về.
Linh tính chuyện chẳng lành, con vợ nó nhờ mấy anh em tui đi kiếm. Vào rừng, tụi tui phát hiện nó nằm ngất bên vũng máu bầm đen cùng đốt ngón tay đứt rời. Hỏi ra mới biết bị con rắn độc cắn, không có thời gian garô vết thương, sợ nọc độc chạy vào tim nên nó rút dao chặt bỏ lóng tay. Máu ra nhiều quá nên nó ngất xỉu” – Anh Sáu nhớ lại.
Trước khi tiến vào rừng kiếm miếng cơm, Lê Bạt đúc kết: “Nghề bẫy thòi lòi chỉ dành cho người mạt hạng không đất đai, không nhà cửa hoạc nếu có cũng chỉ là cái chòi nhỏ con con rách nát, trống trước hụt sau như tui. Nghề này đã cực lại nguy, do hổng biết làm nghề gì khác nên anh em tụi tui phải cố mà đeo, riết rồi thành nghiệp”.
Không biết khi thưởng thức hương vị mê hồn của những chú cá thòi lòi ma quái, liệu các vị khách sành ăn người thành phố có nghĩ đến những cảnh đời thòi lòi mạt hạng phải bán sức, bán mạng giữa rừng sâu?
Khu dự trữ sinh quyển thế giới rừng ngập mặn Cần Giờ được coi là “thủ phủ” của cá thòi lòi. Gọi là thòi lòi vì giống cá này có cặp mắt nhô hẳn lên đầu, lúc nào cũng thao láo. Cá thòi lòi có tiếng là loài cá lặn giỏi, nhảy nhanh mà… leo cây cũng khéo. Thòi lòi còn “nức tiếng” ranh ma, hiếu chiến và đa nghi, thế nên được đặt cho cái tên “loài cá ma quái”.
Là loài cá nhỏ con, có ngoại hình không bắt mắt, thậm chí quái dị, nhưng cá thòi lòi “nhỏ con mà ngon độ, ngon cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng”. Thịt thòi lòi dai, ngọt như thịt gà lại đẫm vị lạ chỉ có ở vùng nước lúc mặn lúc lợ. Vì vậy mấy năm qua thòi lòi trở thành món đặc sản mà du khách sành ăn ngắm tới. Cứ vào cuối tuần, khách thành phố lại đổ về đây thưởng thức những món ăn được chế biến từ cá thòi lòi.
Khu vực Nhà Bè cũng có nhiều hàng quán treo biển “chuyên đặc sản thòi lòi”. Thòi lòi hút hàng đến độ các tay “thầu thòi lòi” đi gom hàng không chỉ ở Cần Giờ mà cả các tỉnh miền Tây khác nhưng cũng không đủ phục vụ nhu cầu của thực khách.
|
Theo Nguyễn Dũng
Bee.net.vn
Bình luận (0)