Y tế - Văn hóaThư giãn

Y Ban và tiểu thuyết mới nhất không xuống dòng!

Tạp Chí Giáo Dục

Nhà văn Y Ban vừa ra mắt tiểu thuyết “Xuân Từ Chiều” với tuyên ngôn đốt lửa trong văn. Chị tung ra một cách viết mới: cả cuốn tiểu thuyết không xuống một dòng nào…

Sau 20 năm tôi đã thấy mình đã đúng khi đốt được ngọn lửa trong văn

Rất nhiều người đàn bà viết văn bằng những “ẩn ức” của chính mình. Với chị thì cuộc sống (gia đình) êm thấm khác hẳn với tác phẩm của chị. Tất nhiên không suy diễn khi chị đã viết văn chuyên nghiệp, không cứ nhất nhất áp đặt phải soi xem nhân vật nào là chị. Nhưng quả là văn chương của chị khốc liệt, bạo dạn, mạnh mẽ, bốp chát… Điều gì làm cho chị có vẻ cay nghiệt và đặc biệt cái nhìn khắt khe với đàn ông?

Tôi cho rằng đó là cái tạng viết của từng người. Khi tôi bắt đầu đến với văn chương tôi đã trình làng truyện ngắn Bức thư gửi mẹ Âu Cơ, đến nay đã gần 20 năm nhưng nó vẫn như còn tươi rói chất thế sự vì tình trạng nạo phá thai.

Tôi đã đi khai phá phần tối của cuộc sống. Mà cái phần tối đấy thì chỉ có chút ánh sáng le lói thôi, chỉ đủ hé lộ ít phần người tốt đẹp, còn phần nhiều là thú.

Tôi có một cái bản năng nhìn thấy sự yếm khuyết của người khác rất nhanh. Nhiều khi tôi không muốn và bây giờ thì càng không thích nhìn thấy cái điều đấy. Điều này đã đẩy chính cuộc sống của tôi đến sự trần trụi. Mà cuộc đời thì cần biết bao sự lãng mạn và tốt đẹp.

Văn chương phản chiếu cuộc sống. Mà cuộc sống qua văn chị không dễ thở chút nào. Chị hay nhìn cuộc sống dưới góc độ “gai góc” nhất hay còn nhẹ hơn thực tế nhiều?

Thực tế nó còn kinh khủng hơn nhiều những điều các nhà văn viết. Và tất nhiên nó cùng thiên biến vạn hóa hơn rất nhiều trang viết.

Chị vừa ra mắt cuốn tiểu thuyết Xuân Từ Chiều với tuyên ngôn: “Đốt ngọn lửa trong văn”. Chị đốt bằng ý thức như thế nào về văn chương của mình. Với đánh giá của chị thì cuốn tiểu thuyết này có gì đặc biệt trội và vượt hơn những sáng tác trước của chị để chị đủ sức “tuyên” đốt lửa trong người đọc?

Không phải chỉ đến cuốn tiểu thuyết mới nhất là Xuân Từ Chiều tôi mới đốt ngọn lửa trong văn, mà từ truyện ngắn đầu tay tôi đã có ý thức thổi vào văn của mình một tia lửa.

Đến nay, sau 20 năm cầm bút tôi đã thấy mình đã đúng khi đốt được ngọn lửa trong văn của mình. Ngọn lửa này nó có sức lan truyền rất mạnh. Tôi luôn có ý thức về điều này nhưng tôi chưa dám đánh giá xem cái tia lửa mà tôi đưa vào trong văn của mình đã được bạn đọc thổi lên thành ngọn lửa hay không?

Có khi tôi đưa cả một bó đuốc vào trong tác phẩm của mình nhưng không được bạn đọc tiếp sức nên nó tắt ngấm, nhưng cũng có khi tôi chỉ đưa vào một đốm nhỏ trên viên than sắp tàn nhưng lại được bạn đọc thổi bùng lên thành một ngọn lửa.

Trong tiểu thuyết Xuân Từ Chiều dường như tôi không đưa vào một đốm lửa nhỏ đâu mà tôi đưa vào nhiều đốm lửa nhỏ.

Ba nhân vật của tôi một người tên Xuân, xuất phát điểm là một cô nuôi dạy trẻ trung cấp nhưng học hành phấn đấu để trở thành một trưởng khoa của một trường đại học. Con đường sự nghiệp hanh thông nhưng chuyện chồng con thì vất vả. Mà cái sự vất vả này nó cũng khác ở những người đàn bà thông thường khác.

Một tình yêu rất đẹp với chồng nhưng khi gần gũi nhau chồng không bao giờ cho mó vào cái vật linh thiêng ấy. Để khi chồng chết rồi mới dám mó vào vật linh thiêng, thì ra vật linh thiêng đã được bác sĩ tái tạo lại chứ không phải là nguyên vẹn như khi cha mẹ sinh ra thế.

Sự trải nghiệm cuộc đời của Xuân không thể lý giải hết cuộc sống nên Xuân đã phải thốt lên: Cái lề đường bên phải mà chị đang đi đây liệu nó có đúng thật không? Những bài học luân lý và đạo đức mà chị đang dạy cho các em học sinh liệu có còn đúng nữa không?

Nhân vật cô Chiều, người đàn bà trực bình, trực bình là nước ở hồ tiên, là lẫm là kho chứa bạc tiền, gái giỏi tề gia ích phu tử..Người đàn bà trực bình đó đã tự tử trong ngôi biệt thự sang trọng khi chồng con đã thành đạt chỉ vì trong ngôi nhà đó không ai cần bà nữa.

Nhân vật Từ ở một viện nghiên cứu xã hội học, muốn nghiên cứu về đám đông, muốn nghiên cứu về sự vô cảm, muốn nghiên cứu về xã hội xe máy..nhưng không được thông qua đề tài, bèn nghiên cứu khớp N và điểm G của đàn bà…

Tôi đã để ngỏ các nhân vật của mình với những nỗi niềm của họ. Điều tôi hồi hộp nhất bây giờ là tôi đang chờ xem bạn đọc có thổi bùng lên thành ngọn lửa hay không?

Vậy trong cuộc sống chị có phải thường xuyên đốt lửa không? Chị đã bao giờ sống không có lửa? Và chị đốt như thế nào? Nếu người phụ nữ cứ phải tự “đốt lửa” có thực sự là hạnh phúc?

Dường như ngọn lửa nó có sẵn trong tim tôi rồi. Đôi khi tôi phải tự điều chỉnh để ngọn lửa đó không thiêu đốt chính tôi.

Phụ nữ… đến cái tuổi này thì mọi cái đều dễ giải tỏa

Nhà văn Y Ban: Đàn bà đến tuổi các chị thì gần như không ai không có “ẩn ức”. Không nỗi niềm này thì cũng nỗi niềm khác. Chả thấy mấy ai êm đềm. Song chính cái sự êm đềm có khi lại là “ẩn ức” và nó được chuyển sang văn chương, nghệ thuật?

Thực ra không biết có nên gọi nó là ẩn ức hay không? Bởi vì đến cái tuổi này thì mọi cái đều dễ giải tỏa. Mà đã là ẩn ức thì không mấy khi dễ giải tỏa đến thế đâu. Có thể đó là tôi thôi, tôi không biết các chị khác thế nào.

Văn chương bên cạnh cái nghiệp đã bám đuổi chị, còn là cách bộc lộ rõ nhất một người đàn bà với những suy tư và khao khát, với con mắt nhìn cuộc sống qua tác phẩm. Vậy chị có cho rằng mình sẽ nhìn phiến diện cuộc sống dưới con mắt của người phụ nữ, góc độ của người phụ nữ?

Sự phiến diện hay không thì tôi cũng không thể trả lời được, cái này phải dành cho độc giả của tôi. Có khi tôi nhận tôi là phiến diện là cực đoan nhưng bạn đọc lại không thấy trong tác phẩm của tôi sự phiến diện cực đoan ấy.

Đã bao giờ các chị tìm đến nghệ thuật như một sự tự giải tỏa những ẩn ức của mình?

Tôi có rất nhiều cách giải tỏa, vì dụ như là hét toáng lên hoặc lôi chó lôi mèo ra chửi, thậm chí là đánh con. Còn khi tôi viết là khi tôi đã nghĩ rất chín trong đầu rồi, những câu chữ hiện lên rõ đến cả dấu chấm dấu phảy thì khi đó tôi mới cầm bút viết.

Chị nghĩ gì về những người phụ nữ làm nghệ thuật: phải đối diện với chính mình và với công chúng (cả giới phê bình)?

Ở phụ nữ có một thế mạnh hơn đàn ông là họ có nhiều cái quan trong hơn những tác phẩm của mình rất nhiều, ví như con cái, ví như mấy hôm nay cái mặt nổi đầy mụn trứng cá và lại bị chậm kinh rồi…

Những cái thứ quan trọng đó đã làm cho người phụ nữ sáng tác quên đi những tác phẩm của mình, không còn phải đau đáu xem người đọc cảm nhận thế nào, nhà phê bình nói ra làm sao.

Theo Hằng Nga

Nhà Báo và Công Luận

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)