Không chỉ viết chữ bằng chân, chị còn dùng chân để vẽ và đánh máy vi tính giống như một con người bình thường. Đó là điều kỳ diệu của cô thủ thư Huỳnh Thị Xậm, sinh năm 1977, hiện đang công tác tại Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ mồ côi TP.HCM (xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn).
Huỳnh Thị Xậm (bìa trái) trong một buổi giao lưu |
Có công mài sắt
Xậm sinh ra khi quê nhà đã hết chiến tranh nhưng cuộc sống vùng nông thôn miền Tây Nam bộ vẫn còn bao khó khăn nhất là khi mới 1 tuổi cơn lũ lịch sử năm 1978 tràn về khắp nơi. Các anh chị trong gia đình, một buổi đi học một buổi đi ra ruộng phụ tiếp cho ba mẹ thì Xậm chỉ là cô bé ngồi thu lu một chỗ trong nỗi buồn trẻ thơ. Cũng may cho cô bé, tuy bị liệt đôi tay và một chân trái, bàn chân bên phải vẫn có thể cử động được.
Sau đó người ta thấy trong lớp mẫu giáo xã Xà Phiên có một cô bé 15 tuổi bên cạnh những cháu mới 4, 5 tuổi. Họ đâu biết rằng đó là cô bé Xậm lần đầu tiên đến trường đi học. Bắt đầu từ đó Xậm đã quên hết mọi mặc cảm và dạn dĩ hòa nhập vào những chỗ đông người. Ngồi trên chiếc xe lăn, Xậm tươi cười nhớ lại: “Lúc đầu em chỉ đến chơi với các bé cho vui, sau này được cô giáo động viên em vào học chính thức luôn”. Tuy nhiên theo Xậm, khó khăn nhất là khi vào lớp 1 ở Trường Cấp 1 Xà Phiên vì ngoài tập đọc còn có môn tập viết: “Lúc đầu em tập viết bằng tay nhưng hầu như không cử động được vì quá cứng. Rồi từ câu chuyện thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký mà cô giáo kể cho nghe, em bắt đầu tập viết bằng chân”. Tuy nhiên việc Xậm viết chữ bằng chân khó khăn gấp bội vì đôi chân của em không được lành lặn như người khác mà chân bên trái cũng liệt cứng như đôi tay. Căn bệnh liệt tứ chi bẩm sinh đã cướp đi hình hài nguyên vẹn của một cô bé trong một gia đình thuần nông ở xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. Lúc đầu phải nhờ anh chị giữ tập Xậm mới viết được nhưng cũng không hề đơn giản. Có hôm tập viết đến 12 giờ đêm mẹ giục mới đi ngủ. Lại có khuya ba dậy sớm đã thấy đứa con gái chong đèn tập viết dưới nền nhà. Có công mài sắt, tất cả mọi khó khăn đều gục ngã trước ý chí của cô bé tuổi trăng rằm. Nét chữ không còn lên xuống to nhỏ như trước mà đều đặn và ngay ngắn hơn. Thời kỳ vào học cấp 3 trường huyện, Xậm không còn vất vả bơi xuồng đến trường mà đã có chiếc xe lăn giúp sức nhẹ nhàng hơn. Cũng trong thời gian này, cô nữ sinh cấp 3 huyện Long Mỹ đã chinh phục được cả chiếc máy trong phòng vi tính của trường. Những ngón chân phải như có thêm phép mầu khi đặt lên bàn phím để cho từng văn bản đơn giản nhất. Càng học em càng thấy vui vì không ngờ mình đã vượt qua tất cả.
Đi qua giông bão
Có ai biết rằng đằng sau đó là những giọt mồ hôi, những đêm thức trắng và cả những nỗi đau đớn trong cơ thể mà Xậm đã phải đánh đổi lấy. Mọi nơi mọi lúc em nhớ mãi câu nói của Bác Hồ: “Tàn mà không phế”. Cũng từ lời động viên đó là toát ra sức mạnh của ý chí để đi qua thử thách của số phận.
10 năm gần đây, tại Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ mồ côi, nhiều người càng quý mến cô thủ thư khuyết tật Huỳnh Thị Xậm ở lại công tác. Hơn 2.000 đầu sách được sắp xếp gọn gàng trên kệ với hệ thống thư mục khoa học đã giúp bạn đọc thông minh hơn khi chọn lựa. Đây cũng là thời gian Xậm trở thành sinh viên ngành xã hội học Trường ĐH Mở TP.HCM trong sự kính phục của nhiều người. Chị nhớ lại thời 4 năm theo học cử nhân cũng vất vả không kém: “Vừa đi làm vừa đi học nên cũng bận, hơn nữa từ trung tâm chạy xe máy xuống trường hết hơn 1 tiếng, ngồi đằng sau cũng tê cả chân nhiều bữa không bước nổi vô lớp”. Thế nhưng may mắn có bạn Huỳnh Trọng Nghĩa tình nguyện làm bác xe ôm 4 năm đã giúp Xậm hoàn thành tốt chương trình.
Yêu nghệ thuật, Xậm làm quen với hội họa khi nào không biết. Một lần khi đến trung tâm tôi đã gặp Xậm ngồi bên giá vẽ để họa một bức tranh tĩnh vật. Tình yêu hội họa đã giúp chị làm nên những bức tranh tuy còn đôi chỗ vụng về nhưng ẩn chứa một tâm hồn tinh khiết. Vẻ đẹp đó như lớp phù sa trầm tích đọng lại của một dòng sông từng đi qua mưa bão cuộc đời.
Bài, ảnh: Hương Thủy
Bình luận (0)