Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Ý kiến bạn đọc: Làm sao để người dân nói không với bến cóc, xe dù?

Tạp Chí Giáo Dục

Mới đây, Cục CSGT đường bộ – đường sắt, Bộ Công an đã phối hợp với các ban ngành chức năng các địa phương mở đợt cao điểm

(từ ngày 1-6-2008) kiểm tra, xử lý, xử phạt xe khách vi phạm trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, để vấn nạn bến cóc, xe dù thật sự bị xóa sổ, các ban ngành chức năng cần phải làm tốt nhiều giải pháp khác song song với việc tuần tra, kiểm tra, xử phạt như hiện nay…Nguyên nhân khiến xe dù tồn tại?

Có thể nói TP.HCM là nơi tập trung bến cóc, xe dù nhiều nhất so với các tỉnh miền Đông Nam bộ. Trong đó có thể kể đến hàng loạt các bến cóc mà xe dù hoạt động rầm rộ trên các tuyến đường chính đưa khách từ TP.HCM về các tỉnh phía Bắc, miền Tây và miền Đông như: tuyến đường quốc lộ 13, xa lộ Hà Nội, quốc lộ 22 đi Tây Ninh, quốc lộ 1A… Tại các tuyến đường trên, hàng chục bến cóc ngang nhiên hoạt động và đón khách tấp nập suốt nhiều năm qua khiến cơ quan chức năng đau đầu. Tuy nhiên, một bộ phận người dân thì họ lại cảm thấy rất tiện  lợi trong việc đón xe đi lại ở những bến cóc, xe dù. Đây có thể nói là một thói quen xấu và cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến cho tình trạng xe dù, bến cóc cứ dai dẳng tồn tại, bất chấp những nỗ lực, cố gắng ngăn cấm của các ban ngành chức năng. Theo quy định đăng tài hiện nay ở một số bến xe thì thời gian xe xuất bến chỉ cách nhau từ 20 và 30 phút (thời gian dài ngắn tùy theo quy định của từng doanh nghiệp) để đón khách. Mà theo nhiều tài xế thì khoảng thời gian trên quá ngắn, không đủ để cho xe của họ đậu và đón khách trong bến. Chính vì thế nhiều khi xe xuất bến chỉ có năm, bảy người trên xe nên… buộc tài xế phải cho xe chạy lòng vòng hoặc đua nhau trên đường để tranh giành rước khách nhằm bù lại cho lượng khách bị thiếu hụt.

Ngoài ra, có một nguyên nhân nữa là phần lớn xe  “dù” hiện nay đều núp bóng dưới dạng HTX rất ít xe hoạt động đơn lẻ (vì rất dễ bị phạt, giam xe), họ chỉ cần đóng một khoản lệ phí nhất định hằng tháng cho HTX là có thể hoạt động công khai. Một tài xế chính hãng mỗi ngày phải nộp về cho công ty 300.000 đồng (một tháng nộp 9 triệu đồng). Trong khi đó, xe dù núp bóng HTX chỉ cần nộp vài trăm ngàn một tháng. Do vậy, tình trạng nhiều HTX đã cấp giấy phép kinh doanh cho hàng trăm xe khách nhưng mỗi năm chỉ kê khai nộp thuế cho khoảng vài chục đầu xe!

Nguyên nhân này ai cũng có thể nhìn thấy nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm tình trạng lập lờ đánh lận con đen này. Mấy năm qua, nhiều HTX được hình thành như là một biện pháp đối phó với Nghị định 92/CP về điều kiện kinh doanh vận tải, còn các xã viên lợi dụng mô hình này để trốn thuế, chạy “dù”, tranh giành khách… tạo môi trường kinh doanh không bình đẳng, đồng thời tạo môi trường thuận lợi để xe dù có thể “núp bóng” hoạt động dai dẳng.

Trông chờ vào ý thức người dân

Một thanh tra GTCC TP.HCM trong đợt đi kiểm tra, xử lý xe khách vi phạm trên tuyến quốc lộ 1A đã than thở: “Hoạt động xe dù, bến cóc hiện nay rất phức tạp, nhất là dịp lễ tết hay ngày nghỉ. Vì theo kinh nghiệm của chúng tôi, bất cứ điểm nào có đông người đứng đón xe đều có thể thành bến cóc. Lực lượng thanh tra giao thông chúng tôi lại quá mỏng, chính vì thế để giải quyết triệt để vấn đề này chỉ có thể nhờ vào ý thức của người dân mà thôi”. Tuy nhiên, nếu ý thức của người dân có tốt hơn đi chăng nữa mà các điều kiện phục vụ khách hàng của các hãng vận tải cứ ì ạch như hiện nay thì cũng không thay đổi, rất khó để đạt được điều mong muốn là “người dân nói không với xe dù”.

 Để ngăn chặn và dẹp bỏ được vấn nạn xe dù, theo chúng tôi ngoài công tác thường xuyên vận động, tuyên truyền và kêu gọi ý thức nơi người dân, giúp người dân hiểu được nguy cơ tai nạn khi đi xe dù  thì các bộ ngành cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ hơn nữa trong công tác tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử phạt mạnh những vi phạm về trật tự an toàn giao thông. Chúng ta cũng cần xem biện pháp xử phạt mạnh tay, nghiêm khắc là một biện pháp quan trọng để phòng ngừa và hạn chế tai nạn giao thông hiện nay.

Song song các giải pháp mang tính chiến lược trên, ngành giao thông vận tải các địa phương nói chung, Sở GTCC TP.HCM nói riêng cần có những giải pháp mang tính bền vững trong việc xây dựng và quy hoạch các tuyến vận tải hành khách để theo đó, có sự điều chỉnh về số lượng xe ôtô phục vụ cho từng tuyến trước mắt và lâu dài. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền pháp luật cho nhà xe, tài xế cũng là điều rất quan trọng nhằm nâng cao ý thức chấp hành nghiêm chỉnh trật tự an toàn giao thông trên địa bàn của người dân. Có như thế, tình trạng hoạt động của xe dù mới được ngăn chặn, trật tự an toàn xã hội và trật tự an toàn giao thông mới được lập lại và chấn chỉnh kịp thời.

Nguyễn Anh Tú 

Bình luận (0)