Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM vừa ra mắt phần mềm “Lắng nghe mạng xã hội”. Đây là một ứng dụng công nghệ – phần mềm đột phá, được sử dụng để giúp các cơ quan quản lý Nhà nước chủ động trong việc tiếp nhận và hiểu rõ hơn về ý kiến và nhu cầu của người dân, doanh nghiệp về các hoạt động, các ý kiến đánh giá, đóng góp cho các chủ trương, chính sách và văn bản pháp luật khi triển khai trên thực tế. Đồng thời, đây cũng là kênh để nắm bắt các phản ánh của người dân về những vấn đề trên địa bàn… từ đó xây dựng chính sách quản lý, phát triển xã hội hiệu quả hơn.
Ông Lâm Đình Thắng – Thành ủy viên, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM
Liên quan đến phần mềm này, trao đổi với Giáo dục TP.HCM, ông Lâm Đình Thắng – Thành ủy viên, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM nhấn mạnh: “Triển khai phần mềm này cũng là thực hiện chủ trương của TP.HCM trong việc cố gắng đưa nền hành chính của TP vận hành trên các nền tảng số cơ bản vào 2025”.
+ PV: Thưa ông, phần mềm “Lắng nghe mạng xã hội” đáp ứng yêu cầu gì cho TP, cho người dân?
Ông Lâm Đình Thắng – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM: Chính quyền TP luôn muốn lắng nghe ý kiến của người dân và doanh nghiệp trong quá trình hoạch định, thực thi chính sách và đánh giá chính sách. Thực tế hiện nay, cuộc sống của người dân đã dịch chuyển lên không gian mạng internet rất nhiều. Với 10 triệu dân của TP thì hiện có 22 triệu tài khoản mạng xã hội hoạt động thường xuyên, cho thấy mạng internet có lượng thông tin trao đổi, tương tác ý kiến của người dân rất lớn. Do đó, rất cần thiết phải có một công cụ tổng hợp, lắng nghe ý kiến của người dân trên mạng xã hội, để từ đó đánh giá về các chính sách của TP ban hành hiệu quả như thế nào.
+ Qua phần mềm này, việc lắng nghe ý kiến của người dân trên mạng xã hội thể hiện như thế nào thưa ông?
Ứng dụng này chỉ là một phương tiện về mặt công nghệ thông tin để giúp TP có thể tổng hợp thông tin nhanh hơn, theo thời gian thực nhiều hơn, đầy đủ hơn các ý kiến của người dân về các vấn đề văn hóa, xã hội, kinh tế cũng như các chủ trương, chính sách chỉ đạo của TP.
Qua phần mềm “Lắng nghe mạng xã hội” giúp TP.HCM xây dựng chính sách quản lý, phát triển xã hội hiệu quả hơn
Ứng dụng sẽ tổng hợp thông tin, có phân tích, đánh giá, đưa ra những xu hướng và phân nhóm các sắc thái tích cực, tiêu cực, trung lập và cung cấp những thông tin thô. Từ đó, các bộ phận tham mưu ở các sở ngành, địa phương có liên quan đến chức năng công việc của mình phải có phân tích, đánh giá và tham mưu ngược lại cho lãnh đạo TP để điều chỉnh chính sách kịp thời xuất phát từ ý kiến, nguyện vọng của người dân và doanh nghiệp TP.
+ Triển khai phần mềm này, Sở Thông tin và Truyền thông tính đến vấn đề bảo mật thông tin, an toàn thông tin như thế nào thưa ông?
An toàn thông tin và bảo mật thông tin là một trong những vấn đề chúng tôi rất quan tâm khi triển khai ứng dụng này. Do đó, trong thời gian sắp tới chúng tôi sẽ triển khai những giải pháp về mặt kỹ thuật. Trong đó có sự phân quyền; giám sát quá trình sử dụng các tài khoản, và quan trọng nhất là ban hành một quy chế sử dụng hệ thống này. Mục đích sử dụng hệ thống này phải gắn với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị. Trên hết, phục vụ cho chính quyền TP, phục vụ cho người dân, doanh nghiệp không được sử dụng vào mục đích cá nhân sai pháp luật.
+ Thưa ông, phần mềm này đóng góp như thế nào cho quá trình chuyển đổi số theo chủ đề năm 2024 là: “Quyết tâm thực hiện hiệu quả Chuyển đổi số và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội”?
TP.HCM có chủ trương sẽ cố gắng đưa nền hành chính của TP vận hành trên các nền tảng số cơ bản vào 2025. Việc ra mắt nền tảng “Lắng nghe mạng xã hội” cũng là để thực hiện chủ trương đó. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng ngày một công bố nhiều hơn các nền tảng ở các lĩnh vực khác nhau để có thể thúc đẩy quá trình chuyển đổi số TP và quan trọng nhất là hoạt động hành chính TP nhanh, hiệu quả hơn, phục vụ tốt hơn cho người dân và giúp cho doanh nghiệp hài lòng hơn.
Phần mềm có khả năng thu thập dữ liệu từ một loạt các nền tảng mạng xã hội phổ biến như Facebook, Twitter, Instagram, YouTube và nhiều nền tảng online khác. Phần mềm được tăng cường mở rộng với công nghệ trí tuệ nhân tạo AI và học máy để phân tích dữ liệu mạng xã hội một cách thông minh và hiệu quả theo từng nhóm chủ đề, từng ngành, lĩnh vực và vùng quản lý. Từ việc phát hiện xu hướng, diễn tiến thông tin đến nhận diện tâm trạng và cảm xúc của cộng đồng với các sắc thái tích cực – trung lập và tiêu cực; cung cấp những phân tích sâu sắc cho từng vấn đề muốn thu thập và phân tích giúp người dùng hiểu rõ hơn về đối tượng, nội dung thông tin mà họ quan tâm.
Ngoài ra, phần mềm cho phép người dùng tạo ra các báo cáo linh hoạt và đa dạng dựa trên dữ liệu thu thập được theo nhiều cơ chế khác nhau, từ các báo cáo nhanh, báo cáo định kỳ hoặc tổng hợp, phân tích báo cáo chuyên sâu. Từ báo cáo tổng quan đến phân tích chi tiết, người dùng có thể tùy chỉnh đáp ứng nhu cầu cụ thể của từng đơn vị khai thác, phù hợp với nhiệm vụ được giao. |
+ Việc triển khai phần mềm “Lắng nghe mạng xã hội” đến các sở ngành, địa phương được thực hiện ra sao, thưa ông?
Đây là một nền tảng dùng chung cho TP sẽ có bộ phận thường trực sử dụng, giám sát, quản lý hệ thống này. Ngoài ra, bộ phận tham mưu các sở ngành, địa phương sẽ có những tài khoản riêng để sử dụng. Các bộ phận sẽ được tập huấn để có thể sử dụng thành thục phần mềm và dùng nó khai thác các thông tin trên mạng internet thành những sản phẩm phục vụ cho công tác điều hành, chỉ đạo của các sở ngành, địa phương.
+ Thưa ông, ông kỳ vọng gì với phần mềm này?
Điều mà chúng tôi mong muốn nhất thông qua ứng dụng này là thông tin, ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của người dân và doanh nghiệp trên mạng internet sẽ được tổng hợp một cách kịp thời, nhất là liên quan đến các chủ trương, chính sách mà TP ban hành. Từ đó, hệ thống chính trị của TP có thể lắng nghe kịp thời và chủ động điều chỉnh chính sách để phục vụ tốt nhất cho cuộc sống của người dân cũng như kịp phù hợp với sự phát triển của TP.
+ Xin cảm ơn ông!
Linh Anh (thực hiện)
Bình luận (0)