“Các em có biết, khi Bác ra đi (mất) đã mang theo làn điệu dân ca Việt Nam hay không?”, cùng với câu hỏi này, TS. Võ Sông Hương (giảng viên Trường ĐH Hồng Bàng) đã kể lại câu chuyện đầy xúc động về Bác trước khi mất với 160 học sinh lớp 10 Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM).
TS. Võ Sông Hương kể lại câu chuyện đầy xúc động về Bác trước khi mất trong tiết học “Nghệ thuật truyền thống Việt Nam – dân ca”
Tiết học ý nghĩa này nằm trong chuyên đề “Tìm hiểu văn hóa Việt Nam” được Trường THPT Nguyễn Du triển khai trong năm học này đối với học sinh lớp 10, 11. Trong đó, TS. Võ Sông Hương dạy bài học đầu tiên với chủ đề “Nghệ thuật truyền thống Việt Nam – dân ca”.
“Nếu các em được nhìn thấy người nước ngoài nỗ lực như thế nào để phát âm từng từ tiếng Việt, cố gắng chạm đến văn hóa Việt Nam thì các em sẽ thấy mình vô cùng có lỗi khi là người Việt Nam mà không rành về văn hóa Việt Nam. Phải tự hào khi mình là người Việt Nam”, TS. Sông Hương mở đầu tiết dạy. Cạnh đó, TS. Sông Hương cho học sinh xem một đoạn phim ngắn về người nước ngoài hát dân ca quan họ Bắc Ninh “Người ơi người ở đừng về”. “Người nước ngoài còn hát được dân ca Việt Nam thì người Việt Nam nhất định phải biết và hát được dân ca Việt Nam”, lời chia sẻ của nữ giảng viên khiến phòng học lặng im. Theo TS. Sông Hương, để hiểu một quốc gia thì không gì hiệu quả hơn là tìm hiểu về con người, văn hóa của nước đó. Muốn hiểu về Việt Nam thì hãy tìm hiểu nghệ thuật của người Việt Nam, cụ thể là dân ca, múa nhạc – bấy nhiêu cũng đã đủ để mọi người hiểu.
Suốt tiết học, học sinh được tiếp cận những kiến thức dân ca Việt Nam với hát xoan, quan họ, hát đúm, ả đào, ca trù… Đồng thời, các em còn nghe những câu chuyện thú vị về phong tục tập quán gắn với từng địa danh cụ thể của từng loại hình dân ca. Đặc biệt là câu chuyện kể về Bác Hồ với làn điệu dân ca quan họ Bắc Ninh “Người ơi người ở đừng về” trước khi Bác ra đi, TS. Sông Hương đã khiến cả phòng học lặng đi trong niềm xúc động. “Theo lời kể của đồng chí Vũ Kỳ là thư ký riêng của Bác thì bài hát này được cô y tá Ngô Thị Oanh hát cho Bác nghe vào một buổi sáng trong tháng 9-1969, khi đó sức khỏe của Bác đã yếu lắm rồi. Khi nghe cô y tá hát xong, Bác đã rất xúc động. Bác đã tặng cô y tá một bông hoa hồng đang cắm trong lọ. Hành động này của Bác khiến tất cả những người có mặt trong phòng lúc đó đều lặng đi. Bác là thế, luôn trân trọng tất cả mọi người, trong mọi hoàn cảnh. Đây cũng là bài hát dân ca cuối cùng Bác nghe trước khi trái tim vĩ đại của Bác ngừng đập…”, TS. Sông Hương kể.
Chăm chú lắng nghe từng câu chuyện suốt tiết học, Nguyễn Minh Danh (lớp 10A2) bày tỏ sự thích thú trước những kiến thức văn hóa mới mẻ mà mình vừa tiếp thu. Theo Minh Danh, việc người trẻ được hiểu về văn hóa của đất nước sẽ giúp cho đời sống của bản thân phong phú hơn, yêu đất nước hơn, tự hào là người Việt Nam. “Đất nước Việt Nam ngoài các địa danh nổi tiếng như Vịnh Hạ Long, Hội An… còn có những làn điệu dân ca say đắm lòng người, được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể. Điều đó chẳng phải là rất đáng để mỗi người tự hào, rất đáng để chúng ta giới thiệu đến bạn bè quốc tế hay sao”, Minh Danh chia sẻ.
Cô Nguyễn Thị Thu Thảo (giáo viên môn ngữ văn của trường) cho biết trong chương trình ngữ văn lớp 10 có bài Văn học dân gian; lớp 11 có Hát ca trù. Do đó, khi học sinh có những hiểu biết ban đầu về văn hóa dân gian sẽ hỗ trợ rất nhiều cho giáo viên trong việc giới thiệu đến các em những bài học này, khiến tiết học trở nên sinh động, bớt nhàm chán. “Việc học sinh được học về văn hóa Việt Nam không chỉ giúp các em yêu văn hóa Việt, yêu tiếng Việt hơn mà còn yêu thích bộ môn văn; nhưng trên hết, tự bản thân các em chắc chắn sẽ thấy mình trưởng thành, hiểu biết hơn”, cô Thu Thảo chia sẻ.
Bài, ảnh: Đ.Yến
Bình luận (0)