Những kẻ phản đối với hình vẽ trên mặt |
Túi ngủ được nhiều sinh viên sử dụng, số sinh viên này chiếm một số giảng đường trong khuôn viên đại học.
Những bài học tại một số nơi phải diễn ra trong công viên, do lớp học đã bị chiếm; còn vẽ hình lên mặt là dấu hiệu tượng trưng cho việc cắt giảm sinh viên và nhân viên khiến họ phản đối.
Nhưng đây không phải những cuộc phản đối đơn lẻ của một vài người bất mãn chủ trương cứng rắn.
Một số cuộc tuần hành mới đây ở Rome thu hút đến nửa triệu người tham gia.
Nhiều nhà bình luận Ý cay đắng nhận xét đây là những cuộc tuần hành lớn nhất trong 15 năm qua. Và những người phản đối không chỉ có sinh viên đại học. Giáo viên cấp hai và học sinh cũng đổ xuống đường, bởi cắt giảm ngân sách giáo dục cũng khiến cuộc sống của họ bị đe dọa.
Khuôn mặt bị ghét bỏ
Chính phủ đang đẩy mạnh cải cách bởi họ cho rằng đại học và các trường khác là không có hiệu năng và đem lại những kết quả mờ nhạt. Sinh viên, học sinh, giáo sư và giáo viên lại nói cắt giảm ngân sách sẽ chỉ khiến mọi việc tồi tệ hơn. Để thực hiện, đề nghị cải cách gồm cả bỏ phụ giảng lớp học – khiến thầy giảng bài trơ trọi một mình – và không cho các đại học tuyển thêm người. Điều này có thể ảnh hưởng đến hàng chục ngàn giảng viên và thầy cô giáo.
Biện pháp do Bộ trưởng Giáo dục Ý, Mariastella Gelmini, đưa ra. Với những người phản đối, bà trở thành một gương mặt bị ghét bỏ. Nhiều biểu ngữ do những người biểu tình giương lên nêu tên bà kèm theo những lời lẽ chẳng hay ho gì.
Bộ trưởng Giáo dục và những người ủng hộ bà vẫn không nao núng, cho rằng – với vài điều đã được xác nhận – Ý là một trong những nước có thành tích giáo dục nghèo nàn nhất thuộc Tây Âu. Thí dụ, không có một trường đại học nào của Ý nằm trong top 150 đại học hàng đầu thế giới…
Một nhân vật ủng hộ cải cách của Chính phủ phát biểu: “Một số khóa học tại đại học là vô bổ. Tôi biết có vài nơi chỉ có mỗi một sinh viên đến nghe giảng”. Ông ta tiếp tục đưa ra những thí dụ khác về cái mà ông ta gọi là “hoàn toàn lãng phí” khi chi tiền cho đại học. Ông cho biết: “Có một trường đại học mà hiệu trưởng có tới 8 thư ký riêng. Còn thư viện gồm 135 nhân viên. Thiệt tức cười” và thêm một số đại học nên đóng cửa còn hay hơn.
Những kẻ bỏ học
Không có gì đáng ngạc nhiên, những người phản đối có những cái nhìn khác nhau về lâu về dài. Giáo sư Giancarlo Ruocco, giảng viên môn vật lý ở Đại học Rome nói, khoa của ông có thể mất đến 30% nhân viên trong ba năm nếu việc cắt giảm ngân sách được tiến hành. Ông còn nói: “Có thể đó là một thảm họa, không chỉ cho tương lai trước mắt mà sẽ ảnh hưởng về lâu về dài khi chúng ta không còn các nhà nghiên cứu thực hiện những tìm hiểu cơ bản về khoa học thuần túy”. Giáo sư Ruocco cũng cẩn thận lưu ý rằng nếu Chính phủ giảm ngân sách của các trường đại học công hoặc cấp ngân sách tùy theo thành tích của trường, Ý có thể rốt lại chỉ còn hệ thống đại học tư.
Laura, một nữ sinh viên năm thứ hai, nói: “Tôi có thể phải đóng học phí gấp đôi trong năm tới. Các trường đại học sẽ có thể trở thành dành riêng cho tầng lớp ưu tú và chỉ con nhà giàu mới theo học nổi”.
Nhưng nhiều người Ý lại cũng đã chán ngấy với hệ thống giáo dục chẳng ra gì của họ. Đất nước này là một trong những nước phát triển có tỷ lệ sinh viên bỏ học cao nhất, với chỉ phân nửa tốt nghiệp. Sinh viên Ý cũng thường ở trong trường lâu hơn so với sinh viên các nước khác.
Một số người nói họ biểu tình do quá bức xúc, những người khác nói họ nghĩ sai và muốn những người bạn làm ngân sách của Thủ tướng Silvio Berlusconi mất chức, vì đây là một phần của bất ổn tài chính toàn cầu.
Khủng hoảng giáo dục đã góp phần làm sứt mẻ thêm hình ảnh được lòng dân của Berlusconi, vốn đã sứt mẻ khi ông nói đùa Tổng thống Mỹ mới đắc cử Barack Obama “rám nắng”.
Nhưng với liên minh mạnh của ông tại hạ viện, những kẻ chống đối khó ngăn nổi đa số những cải cách sẽ được thông qua, dù cho vài cải cách có thể phải sửa lại chút đỉnh.
Tuy nhiên những túi ngủ và hình vẽ trên mặt vẫn không bị bỏ sang một bên, và những con đường ở thành Rome dường như lại rầm rập bước chân của những sinh viên xuống đường phản đối.
Quang Hùng (theo AP)
Bình luận (0)