Phối hợp với các trạm y tế cố định để quản lý, chăm sóc, điều trị F0, tiêm chủng… trên địa bàn là những công việc các trạm y tế lưu động (YTLĐ) vẫn đang thực hiện mỗi ngày. Nhờ đó, các F0 được tiếp cận chăm sóc y tế nhanh nhất, sớm nhất, công tác phòng chống dịch Covid-19 tại địa phương được đảm bảo, đạt kết quả tốt; đặc biệt y tế cố định đã giảm tải công việc rõ rệt, có thêm thời gian thực hiện chăm sóc sức khỏe người dân ngoài bệnh Covid-19.
Bác sĩ Nguyễn Thị Diệu Linh thực hiện test nhanh cho bệnh nhân Covid-19 tại số nhà 200 đường Trần Quang Khải, Q.1 sau khi hoàn thành 14 ngày cách ly điều trị
Tại TP.HCM, kể từ ngày 1-10-2021, số ca tử vong giảm từ 3 con số mỗi ngày xuống còn 2 con số. Số ca mắc mới, số ca nặng cũng giảm đáng kể so với trước. Đây là một tín hiệu lạc quan, là cơ sở để TP.HCM tin rằng công tác phòng chống dịch năm 2022 sẽ đạt kết quả ngày càng tốt hơn. Kết quả này có được là nhờ sự phối hợp đồng bộ, thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch giữa các cơ quan đơn vị, trong đó có YTLĐ.
Y tế lưu động thay người thân chăm sóc F0
9 giờ sáng 4-1, tại Trạm YTLĐ P.Tân Định (Q.1), vừa hoàn tất kiểm tra tình trạng các F0, BS Nguyễn Thị Diệu Linh (công tác tại Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, chi viện cho trạm này) nhanh chóng đến số nhà 200 Trần Quang Khải để test nhanh, xả cách ly cho 2 F0. Sau vài phút, kết quả test nhanh của 2 F0 đều âm tính.
Thấy người thân đã hết Covid, bà Huỳnh Thúy Phượng (thân nhân của 2 F0 nói trên) phấn khởi, bày tỏ cảm ơn trước sự quan tâm, chăm sóc kịp thời của bác sĩ, điều dưỡng trạm YTLĐ P.Tân Định suốt nửa tháng qua. Bà Phượng cho biết, 2 người F0 đều là anh, chị chồng của bà. Lúc mới phát hiện dương tính, ai cũng lo lắng vì cả hai đều lớn tuổi, trong người lại có bệnh nền. Nhà bà Phượng ở Q.Bình Thạnh, việc đi lại chăm sóc anh chị không được thuận tiện nhưng nhờ có YTLĐ thăm khám, theo dõi, hỏi han thường xuyên nên gia đình bà yên tâm hơn.
“Không chỉ thăm khám, đưa thuốc mà bất cứ lúc nào gia đình cần tư vấn hoặc gặp vấn đề gì đều được bác sĩ Linh và cô điều dưỡng hỗ trợ kịp thời. Họ như người trong nhà vậy, thay gia đình chăm nom tận tình anh chị tôi trong lúc nhiễm bệnh”, bà Phượng nói.
Theo BS Linh, các F0 sau khi đủ 14 ngày ở nhà điều trị sẽ được test nhanh để xả cách ly và hầu hết âm tính. Hiện mỗi ngày YTLĐ P.Tân Định xả cách ly cho khoảng 20 F0, đây là những trường hợp có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng nên sớm khỏe mạnh, có người chỉ vài ngày đã hết triệu chứng. Cũng vì thế, số ca nặng, tử vong không còn nhiều. Trung bình mỗi ngày chỉ còn 1 F0 đi cấp cứu.
Trạm YTLĐ P.Tân Định được thành lập tại cơ sở đình Nam Chơn vào tháng 11-2021. Ngoài BS Linh còn có 1 điều dưỡng, 1 tình nguyện viên và sự trợ giúp của lực lượng dân quân, đô thị trong những lúc thực hiện cấp cứu. Trạm được trang bị đầy đủ máy tính làm việc, 7 bình oxy lớn, 10 máy tạo oxy, thuốc cấp cứu, thuốc điều trị bệnh thông thường, quần áo bảo hộ, găng tay, kit test nhanh, khẩu trang và các loại thuốc dành riêng cho bệnh nhân Covid theo chương trình của Sở Y tế TP.
Hiện trạm đang quản lý, chăm sóc cho hơn 100 F0 cách ly tại nhà, tùy thời điểm có lúc 200 F0. Mỗi ngày có khoảng 10 F0 có nguy cơ cao được theo dõi sát sao.
“Nhiệm vụ chính của trạm là phối hợp với trạm y tế cố định hoàn thành công việc quản lý, chăm sóc, điều trị F0 cũng như hỗ trợ công tác tiêm chủng trên địa bàn. Sau khi nhận được thông tin F0 qua đường dây nóng, số điện thoại của trạm, trong vòng 24 giờ, YTLĐ sẽ tiếp cận, đánh giá tình trạng bệnh, điều kiện cách ly, phát các gói thuốc thông thường. Ngược lại, trạm y tế cố định sẽ hỗ trợ đội xét nghiệm ban đầu, các giấy tờ, thủ tục hành chính liên quan đến F0”, BS Linh cho biết.
“Chúng tôi luôn cố gắng phối hợp thật nhịp nhàng để hỗ trợ chăm sóc các F0 một cách nhanh nhất, tốt nhất. Thông thường, buổi sáng YTLĐ sẽ đến nhà F0 thăm khám, tập trung vào trường hợp thuộc nhóm nguy cơ cao như người lớn tuổi, có bệnh nền, chưa tiêm vắc-xin; sau đó quay về trạm xả cách ly cho F0 đủ 14 ngày ở nhà. Trường hợp cần cấp cứu sẽ được khám đánh giá tình trạng, sau đó gọi xe cấp cứu 115 hoặc trực tiếp đưa đến bệnh viện”, BS Linh cho biết thêm.
Y tế địa phương bớt quá tải
BS Trần Thị Thanh Chung – Trưởng Trạm y tế P.Phước Bình (TP.Thủ Đức) – thừa nhận: “YTLĐ hỗ trợ cho y tế cố định rất nhiều công việc, từ lấy mẫu xét nghiệm, thăm khám, theo dõi, đưa thuốc, xử lý cấp cứu các F0 cho đến hỗ trợ tiêm chủng. Ở thời điểm dịch bệnh bùng phát mạnh, số ca F0 nhiều, công việc của bác sĩ, nhân viên y tế cố định luôn quá tải, làm liên tục từ sáng đến tối, nhưng sau đó đã vơi bớt là nhờ sự “chia lửa” kịp thời từ YTLĐ”.
“YTLĐ được thành lập tạm thời, về mặt pháp lý không có con dấu nhưng hoạt động giống y tế cố định. Được chia sẻ công việc, y tế cố định không những bớt vất vả mà còn có thêm thời gian thực hiện chăm sóc sức khỏe người dân ngoài bệnh Covid-19”, BS Chung cho biết thêm.
Hiện tại, bên cạnh Trạm YTLĐ Phước Bình, trên địa bàn phường còn 1 trạm YTLĐ do lực lượng quân y chi viện đợt 2 tham gia quản lý. Mỗi trạm có 4 nhân sự gồm bác sĩ, điều dưỡng, tình nguyện viên. Các trạm đều được trang bị đầy đủ bình oxy, thuốc điều trị covid, quần áo bảo hộ, găng tay, khẩu trang y tế…
BS Lê Thu Huệ – nhân viên Trạm y tế P. Phước Bình, kiêm Trưởng trạm YTLĐ P.Phước Bình – cho biết, khi nắm bắt được thông tin F0 mới mắc qua đường dây nóng, sẽ có một tổ lấy mẫu xuống tận nhà các trường hợp test lại lần nữa. Sau đó YTLĐ tham gia thăm khám, theo dõi, tư vấn F0 cách tự chăm sóc.
“Nhìn chung, hiện tại số F0 mắc mới mỗi ngày trên địa bàn P.Phước Bình còn dưới 10 ca, so với vài tháng trước có ngày lên đến gần 40 ca. Ca nặng, ca cấp cứu cũng giảm rất nhiều”, BS Huệ thông tin.
Cũng nhờ YTLĐ hoạt động hiệu quả, BS Huệ có thêm thời gian quay lại công việc chính là chăm sóc sức khỏe người dân ngoài bệnh Covid-19 trên địa bàn phường.
“Ở thời điểm dịch bùng phát mạnh, chúng tôi làm việc liên tục từ sáng đến 9, 10 giờ đêm mới được về nhà, chủ yếu tập trung điều trị F0. Nhưng hiện tại, số F0 giảm, nhân lực có thêm YTLĐ nên chúng tôi có thêm thời gian làm công việc chính của mình”, BS Huệ cho hay.
Minh Phương
Bình luận (0)