Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Y tế học đường đang bị bỏ quên?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Khám bệnh cho trẻ tại Trường Mầm non tư thục Thiên Thần (Tân Bình)Toàn TP.HCM hiện có tới 56,8% trường học trên địa bàn không có cán bộ chuyên trách về y tế. Nhiều quận huyện như Q.7, Q.12,Thủ Đức … tỉ lệ các trường có cán bộ y tế là rất thấp, đặc biệt riêng huyện Nhà Bè có đến 96,3% trường học không có cán bộ y tế. Vậy nguyên nhân là do đâu?

Hệ thống y tế học đường ở trường:  sơ sài

Được đánh giá là một trong những lĩnh vực hết sức quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe cũng như các biện pháp sơ cấp cứu ban đầu cho các em khi có tai nạn đột xuất xảy ra, nhưng cho đến nay lĩnh vực y tế học đường (YTHĐ) lại đang bị bỏ ngỏ?

Nguyên nhân đầu tiên khiến tình trạng thiếu hụt trầm trọng lực lượng cán bộ chuyên trách YTHĐ chính là các trường chưa tuyển dụng biên chế trong lĩnh vực này đạt yêu cầu về trình độ. Theo báo cáo mới đây của cán bộ chuyên trách mảng y tế của Sở GD-ĐT thì hơn 70% số người làm công tác này là kiêm nhiệm – tức vừa làm một lúc hai ba việc nên hiệu quả công việc không cao. Nguyên nhân thứ hai chính là do kinh phí dành cho công tác duy trì YTHĐ trên còn quá ít, chế độ đãi ngộ chưa cao, cơ sở vật chất quá nghèo nàn, thiếu thốn, người làm công tác chuyên trách YTHĐ cũng không có được chính sách đãi ngộ như một nhân viên biên chế của ngành nên người làm công tác trên cũng chưa thật sự gắn bó với công việc. Hiện nay, theo tìm hiểu của chúng tôi, do chưa có cơ chế tuyển dụng biên chế nên số cán bộ chuyên trách y tế tại các trường chủ yếu là do các trường tự hợp đồng với các trung tâm y tế, một số ít bác sĩ tại các bệnh viện, nhờ họ phụ trách và giúp đỡ cho nhà trường với nguồn kinh phí hàng tháng do nhà trường tự chi trả. Thường nguồn tiền chi trả lương cho cán bộ YTHĐ trên được trích từ nhiều nguồn như: từ quỹ bảo hiểm y tế, quỹ bán trú, quỹ hội phụ huynh… do đó mức lương của cán bộ chuyên trách y tế là không cao.

Chính vì thế, việc thực hiện khám sức khỏe đầu năm cho học sinh cũng rất khó khăn vì thiếu cả nhân sự lẫn kinh phí. Phương thức mà các trường ở các quận huyện hiện nay đang áp dụng chính là liên kết, phối hợp với trung tâm y tế tại địa phương để tiến hành khám sức khỏe cho các em. Nhưng do số lượng học sinh cần khám quá đông trong khi nhân lực tại các trung tâm y tế hiện nay lại quá thiếu (nhiều trung tâm y tế còn chưa có bác sĩ) nên chất lượng thăm khám cho các em vẫn chưa thật sự cao vì không có đủ người để thành lập đoàn khám chuyên khoa theo quy định. Ông Nguyễn Văn Minh – Phó ban Văn xã HĐND TP sau khi đi kiểm tra thực tế tại một số trường ở Q.2, Q.9, Thủ Đức, Bình Thạnh trong tháng 8 vừa qua cho biết: “Hiện nay vấn đề YTHĐ vẫn chưa được quan tâm thật sự. Trong gần một tháng đi thực tế tại một số trường, tôi thấy công tác YTHĐ hầu như bị bỏ ngỏ, thiết bị y tế được trang bị cho các phòng YTHĐ còn rất thiếu thốn”. Từ thực tế trên, ông Minh đề nghị Sở GD-ĐT cần phối hợp với Sở Y tế để nhanh chóng triển khai mô hình YTHĐ, vì đây là một mô hình cần phải có và được nhân rộng.

Tuy được nhiều người đánh giá là rất cần thiết, nhưng hiện nay do hơn 50% cán bộ phụ trách y tế tại các trường không đạt chuẩn nên không được vào biên chế. Một hiệu trưởng trường tiểu học ở Gò Vấp, bức xúc: “Tôi thấy Sở Y tế không có động thái giúp đỡ và hỗ trợ các trường trong việc triển khai mô hình YTHĐ một cách cụ thể nào cả. Tất cả chỉ là chỉ đạo rồi bỏ mặc cho các trường tự thân xoay sở. Thử hỏi, nếu không có được sự giúp đỡ, hỗ trợ làm sao chúng tôi có thể làm tốt mô hình YTHĐ như yêu cầu để chăm sóc sức khỏe cho học sinh?”.

Cán bộ YTHĐ: kiêm nhiệm là chủ yếu

Bác sĩ Nguyễn Tài Dũng, Phó ban chỉ đạo YTHĐ Sở GD-ĐT  cho biết: “Tôi thừa nhận là hiện nay trình độ của cán bộ YTHĐ là chưa cao. Theo khảo sát thực tế của chúng tôi thì hiện nay trong hệ thống 1.500 trường học của TP.HCM thì chỉ có khoảng 37-40% trường học có cán bộ YTHĐ, trong đó chỉ có khoảng 5-10% cán bộ đạt trình độ y sĩ hoặc bác sĩ còn phần lớn chỉ là các cán bộ kiêm nhiệm. Do hiện nay chúng ta chưa có chủ trương hay chính sách cụ thể cho hoạt động YTHĐ nên cũng còn nhiều khó khăn cũng như những đòi hỏi về chất lượng cán bộ YTHĐ. Hoạt động y tế trong trường học ở từng quận, huyện thuận lợi hay khó khăn là tùy thuộc vào ban chỉ đạo ở đó. Tôi nghĩ Sở Y tế phải tính toán làm sao để có những lớp đào tạo cán bộ YTHĐ một cách thường xuyên thì mới mong khỏa lấp được tình trạng thiếu nhân lực và chất lượng chuyên môn yếu như hiện nay của cán bộ y tế trường học”.

Trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ YTHĐ hiện nay được nhận xét là quá thấp, trong khi đó, hoạt động YTHĐ vẫn luôn được đánh giá là hết sức cần thiết và quan trọng, khi mà hiện nay có không ít trường tiểu học thực hiện mô hình dạy và học bán trú. Do đó việc cần một cán bộ YTHĐ giỏi nghiệp vụ, có trình độ chuyên môn tốt là hết sức quan trọng. Bởi ngoài nhiệm vụ sơ cấp cứu ban đầu cho học sinh khi có sự cố hoặc tai nạn xảy ra, họ còn chịu trách nhiệm về việc kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm trong bếp ăn, căng tin nhà trường và nhiều vấn đề khác trong phạm vi một mô hình học tập bán trú đang khá phổ biến như hiện nay. Tuy nhiên, đứng trước nhu cầu có thật hiện nay của một số trường thì ngành y tế hầu như vẫn bỏ lơ mô hình này suốt nhiều năm qua.

Nguyễn Anh

 Theo báo cáo của Ban chỉ đạo YTHĐ Sở GD-ĐT TP.HCM, thời gian qua, nhờ hoạt động YTHĐ, TP.HCM phát hiện hơn 50% học sinh khối trung học một số quận bị mắc tật khúc xạ. Tỷ lệ học sinh tiểu học có các bệnh về răng miệng chiếm hơn 50%, học sinh bị cong vẹo cột sống do bàn ghế sai quy cách hoặc không ngồi đúng tư thế cũng được sớm phát hiện và điều trị…

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)