Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Y tế học đường: “Tiền nào, của nấy”!?

Tạp Chí Giáo Dục

Cán bộ YTHĐ chăm sóc sức khỏe cho HS

Bảo hiểm Xã hội (BHXH) TP.HCM và Sở GD-ĐT TP.HCM vừa tổ chức hội thảo chuyên đề: “Y tế học đường – sản phẩm tốt nhất của chương trình bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên”. Qua phân tích, mổ xẻ đã cho thấy những bất cập trong công tác y tế học đường (YTHĐ) tồn tại từ nhiều năm nay…
Sức khỏe học sinh bị… bỏ ngỏ?
Ông Bùi Đức Tráng – Phó giám đốc BHXH TP.HCM khẳng định: “Hệ thống YTHĐ là một nội dung thiết yếu trong sự nghiệp giáo dục. Sự phong phú, đa dạng và lợi ích thiết thực của YTHĐ thật sự cần cho học sinh (HS), sinh viên (SV), đặc biệt là trong vấn đề chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, trước năm 1990, mạng lưới YTHĐ ở TP.HCM hầu như không tồn tại. Theo đó, sức khỏe HS, SV cũng bị bỏ ngỏ…”.
Một báo cáo khoa học của ngành y tế cho thấy sức khỏe của HS TP.HCM vào thời điểm này rất đáng báo động. Cụ thể, thống kê tại khối lớp 1 cho thấy: 38% HS bị amidan quá phát, 98% HS bị sâu răng và trên 40% HS có sức khỏe yếu kém. Điều tra về sức khỏe của HS ở một trường THPT chuyên, kết quả: 23,28% HS khối 10; 16,72% HS khối 11 và 16,97% HS khối 12 có sức khỏe yếu kém. Vào thời điểm này, cơ sở vật chất trường lớp chưa được đầu tư thích đáng như kích thước bàn ghế không phù hợp với tầm vóc HS, khoảng cách từ bàn đầu đến bảng đen không đúng quy cách. Do vậy, việc cong vẹo cột sống ở HS là điều khó tránh khỏi. Các yếu tố như ánh sáng, độ thông gió còn bị vi phạm. Do vậy, trong số những HS bị cận thị có đến 70% do môi trường học đường, chỉ có 30% là do bẩm sinh hoặc nguyên nhân khác. Nồng độ bụi ở nhiều trường còn khá cao, có trường độ bụi đo được trong giờ học thể dục lên đến 18mg/m3, gấp nhiều lần tiêu chuẩn cho phép. Không chỉ có vậy, vấn đề vệ sinh môi trường, vệ sinh thực phẩm ở nhiều trường vẫn chưa được quan tâm. HS không được cung cấp nước uống sạch, nhà vệ sinh trong trường mất vệ sinh khiến các em không dám đi…
Từ năm học 1994-1995 đến nay, cùng với sự ra đời của BHYT HSSV, công tác YTHĐ cũng được khôi phục và ngày càng phát triển.
Bác sĩ Nguyễn Tài Dũng – phụ trách công tác YTHĐ Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: “Hiện toàn thành phố có 1.078 trường tổ chức bán trú, trong đó có 459.106 HS ăn trưa tại trường. Vì vậy, ngành giáo dục đặc biệt quan tâm đến công tác YTHĐ, có đến 43,2% trường có cán bộ YTHĐ chuyên trách. Cán bộ YTHĐ vừa làm công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, sơ cấp cứu, tuyên truyền phòng chống dịch bệnh cho HS, vừa tư vấn với ban giám hiệu nhà trường đảm bảo vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Đến nay, 100% bếp ăn trong trường học được cấp giấy chứng nhận đảm bảo VSATTP, nước uống và nước sinh hoạt của HS được xét nghiệm 1 lần/năm, nhà vệ sinh ngày càng sạch và đẹp…”.
Từ năm học 2008-2009, Sở GD-ĐT đã “xin” UBND TP cấp cho mỗi HS 20 ngàn đồng để khám sức khỏe. Vì vậy, HS không phải đóng tiền khám sức khỏe đầu năm học như những năm học trước…
Chất lượng công tác YTHĐ phụ thuộc BHYT HSSV?
Mặc dù vai trò của mạng lưới YTHĐ là rất quan trọng nhưng kinh phí chủ yếu dựa vào quỹ BHYT HS để lại. Trường nào càng có nhiều HS tham gia BHYT thì trường đó càng có nhiều kinh phí cho hoạt động YTHĐ. Ngược lại, trường nào ít HS tham gia BHYT thì công tác YTHĐ ở trường đó gần như… “có cho vui”.
Theo ông Tráng, trên thế giới chỉ có duy nhất ở Việt Nam, BHYT trích lại 20% cho các trường. Số tiền trích lại cho hoạt động YTHĐ từ 255 triệu đồng (năm học 1994-1995) đã tăng lên 12,8 tỷ đồng (năm học 2007-2008). Tổng số tiền quỹ BHYT trích lại cho YTHĐ từ năm 1994 đến năm 2007 là 76,8 tỷ đồng.
Tuy số tiền quỹ BHYT trích lại cho trường học không ít nhưng có đến 50% số tiền đó được dùng để chi lương cho cán bộ YTHĐ chuyên trách và phụ cấp cho cán bộ YTHĐ kiêm nhiệm. Bác sĩ Dũng lý giải: “Thông tư 35 của Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ năm 2006 đã cho phép biên chế cán bộ YTHĐ nhưng phải là trình độ từ Trung cấp trở lên. Trong khi đó, có đến 50% cán bộ YTHĐ chuyên trách của thành phố có trình độ sơ cấp. Vì vậy, các trường không thể đưa vào biên chế được. Và để trả lương cho những người này, bắt buộc các trường phải trích từ quỹ BHYT để lại”.
Ngoài ra, số tiền 20% do quỹ BHYT trích lại còn được chi cho tủ thuốc (25%), chi cho các hoạt động tuyên truyền (10%) và các hoạt động khác (15%). “Thật không công bằng, dù quỹ YTHĐ trích từ tiền của những HS tham gia BHYT nhưng khi sử dụng thì không chỉ phục vụ các em mà dùng chung cho toàn trường. Nghĩa là những em không tham gia BHYT HS vẫn được hưởng lợi ích từ YTHĐ. Như vậy sẽ rất thiệt thòi cho những HS tham gia BHYT…”, ông Trần Hường – Phó giám đốc Văn phòng Bộ GD-ĐT tại TP.HCM bức xúc.
Bà Dương Ngọc Thanh – Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM khẳng định: “BHYT HSSV đã thực hiện được 14 năm và ngày càng có nhiều HSSV tham gia. Điều đó chứng tỏ chất lượng mà BHYT cung cấp cho HSSV ngày càng thỏa đáng. Bằng chứng là có nhiều HS bị bệnh nan y đã được BHYT chi trả tới 200 triệu đồng/trường hợp. Thử hỏi, nếu các em không tham gia BHYT thì gia đình các em sẽ xoay xở như thế nào. Mặt khác, trong khi ngân sách nhà nước chưa thể trang trải cho công tác chăm sóc sức khỏe HSSV thì BHYT đã đóng góp rất nhiều để các trường học làm tốt hơn công tác này. Trước những tiện ích này, ngành giáo dục sẽ tiếp tục vận động để HS tham gia BHYT…”.

Bài & ảnh: Hòa Triều

Bình luận (0)