Theo Sở Y tế TP.HCM, mô hình trạm y tế lưu động (YTLĐ) đã mang lại hiệu quả cao, thiết thực trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Mô hình này sẽ tiếp tục được duy trì để ứng phó với các tình huống có thể xảy ra, tránh bị động trong phòng chống dịch. Đây cũng là giải pháp góp phần củng cố năng lực nguồn nhân lực y tế cơ sở mà ngành đang ưu tiên thực hiện trong thời gian tới.
Y tế lưu động lấy mẫu test nhanh Covid-19 tại cộng đồng
Chủ động thành lập trạm y tế lưu động
Theo đánh giá từ lãnh đạo các địa phương, kiểm soát dịch hiệu quả đòi hỏi phải có tổng hòa các biện pháp, trong đó có triển khai kịp thời trạm YTLĐ.
Đến cuối năm 2021, Q.7 đã thành lập xong 41 trạm YTLĐ để đảm bảo 10.000 dân có 1 trạm. Trong 41 trạm hình thành các tổ (mỗi tổ có 1 bác sĩ, 2 tình nguyện viên) phụ trách kiểm soát, quản lý chăm sóc, phát thuốc và khám cho F0 ở 53 khu phố trên địa bàn quận, với nguồn nhân lực được vận động từ các y bác sĩ về hưu, các phòng khám và bệnh viện tư nhân.
Việc Q.7 thành lập các trạm YTLĐ là một trong những giải pháp nhằm củng cố năng lực nguồn nhân lực y tế cơ sở, để dự phòng kiểm soát trước tình hình F0 vẫn tăng, qua đó đảm bảo chăm sóc F0 tại nhà được tốt nhất.
Theo ông Hoàng Minh Tuấn Anh – Chủ tịch UBND Q.7: “Để đạt được kết quả phòng chống dịch đòi hỏi phải tổng hòa các giải pháp như khoanh vùng, phong tỏa ổ dịch; thần tốc xét nghiệm diện rộng để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng; nâng cao năng lực y tế cơ sở… chứ không thể nói một mô hình này hay mô hình kia. Qua quá trình chống dịch, quận nhận thấy y tế cơ sở rất quan trọng. Ở thời điểm dịch bùng phát mạnh, nhân sự tại các trung tâm y tế, trạm y tế không đủ, đặc biệt nhân sự về dịch tễ, phòng chống dịch. Cho nên, ngay từ tháng 8 khi có thể kiểm soát cơ bản được dịch, Q.7 đã tập trung kiện toàn, nâng cấp y tế cơ sở, trong đó có quyết tâm thành lập trạm YTLĐ. Q.7 tiếp tục kiện toàn 828 tổ y tế tự quản trước đây trong giai đoạn phòng chống dịch để hình thành các tổ chăm sóc F0 trong cộng đồng; tiếp tục vận hành hiệu quả các tổ phản ứng nhanh và các trạm YTLĐ…”.
Q.8 từng là vùng đỏ của TP nhưng đến nay số ca bệnh liên tục giảm. Hơn 10 tuần qua, quận luôn được TP công nhận cấp độ dịch là cấp 1; 16/16 phường đều là vùng xanh.
Ông Nguyễn Thanh Sang – Phó Chủ tịch UBND Q.8 – cho biết, với sự quyết tâm, quận đã nhiều tuần liền kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Quận đề ra “4 không” làm tư tưởng, hành động xuyên suốt: Không để các trường hợp F0 tử vong tại nhà; Không để các trường hợp người bệnh điều trị tại nhà không có thuốc; Không bỏ sót người dân nào gặp khó khăn không được chăm lo; Không để xảy ra điểm nóng về an ninh trật tự trên địa bàn. Theo đó, thực hiện quản lý, chăm sóc F0 tại nhà, quận phát huy hiệu quả mô hình chăm sóc sức khỏe từ xa qua công tác tư vấn, theo dõi của các nhóm bác sĩ tình nguyện, lực lượng tình nguyện viên F0 đã khỏi bệnh và đặc biệt là trạm YTLĐ.
“Từ cuối tháng 4, Q.8 có hơn 23.800 F0, đến nay có hơn 22.000 F0 khỏi bệnh. Có được kết quả này không thể không nhắc đến sự hỗ trợ của YTLĐ. Q.8 vẫn tiếp tục duy trì mô hình YTLĐ để đề phòng trường hợp phát sinh F0” ông Sang cho biết.
“Ban đầu TP hỗ trợ cho quận được 7 trạm YTLĐ của lực lượng quân y gồm 14 người. Trừ tình huống lực lượng này sẽ rút đi nên quận đã chủ động thành lập thêm 16 trạm YTLĐ, với lực lượng gồm lương y của hội Đông y, các y, bác sĩ của hội chữ thập đỏ và dân quân. Các trạm YTLĐ phối hợp với 16 phường để quản lý, theo dõi F0 giúp họ được tiếp cận, chăm sóc y tế nhanh nhất”, ông Sang cho biết thêm.
Nhiều chính sách cho y tế lưu động
Theo Sở Y tế TP, ngoài 310 trạm y tế cơ hữu ở các địa phương, hiện TP thành lập thêm 391 trạm YTLĐ. Số trạm tùy thuộc số F0 đang thu dung điều trị tại nhà.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai – Chánh Văn phòng Sở Y tế TP – cho biết, sau khi lực lượng quân y rút đi, TP vẫn duy trì mô hình trạm YTLĐ. Không phải do số ca bệnh tăng mà để ứng phó các tình huống có thể xảy ra, tránh bị động trong phòng chống dịch. Nguồn nhân sự huy động từ các bệnh viện, bác sĩ mới ra trường, sinh viên các trường đào tạo khối ngành sức khỏe. Đối với UBND các quận, huyện, TP.Thủ Đức bố trí sắp xếp các lực lượng trên địa bàn, bao gồm các trạm y tế cố định có thể chia sẻ hoặc huy động lực lượng y tế tư nhân, nhà thuốc, hội đông y, chữ thập đỏ, các tình nguyện viên.
Y tế lưu động tại quận 3 tham gia chống dịch
Trước đó, ở thời điểm dịch bùng phát mạnh, TP.HCM có hơn 500 trạm YTLĐ do lực lượng quân y hỗ trợ để theo dõi, chăm sóc F0 tại nhà. Sở Y tế TP nhìn nhận, mô hình trạm YTLĐ và mô hình chăm sóc F0 tại nhà đã mang lại hiệu quả cao, thiết thực trong công tác phòng, chống dịch. Cụ thể, khi đợt cao điểm dịch bùng phát, nhân lực của trạm y tế cơ hữu có từ 5 đến 10 nhân viên y tế không còn đáp ứng được yêu cầu truy vết, thăm khám cho người dân. Thực trạng này xuất phát từ định mức số lượng người làm việc tại các trạm y tế không đảm bảo theo nhu cầu dân số. Nhiều phường trên địa bàn TP có trên 50.000 dân, thậm chí hơn 100.000 dân chỉ được bố trí tối đa 10 biên chế trạm. Tuy nhiên, sự tham gia kịp thời của YTLĐ đã tháo gỡ khó khăn, giảm tải công việc cho y tế cơ hữu, nâng cao công tác theo dõi, chăm sóc, điều trị F0 tại nhà. Việc duy trì mô hình trạm YTLĐ còn là giải pháp góp phần củng cố năng lực nguồn nhân lực y tế cơ sở mà ngành y tế TP đang ưu tiên thực hiện trong thời gian tới.
“Ngành y tế sẽ rà soát lại các cơ chế chính sách phù hợp đảm bảo cho hoạt động của nhân sự trong thời gian tham gia YTLĐ. Hiện nay, bên cạnh Nghị quyết số 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, TP.HCM còn có Nghị quyết số 12 về chính sách đặc thù hỗ trợ động viên cho lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch Covid-19. Cùng với đó, còn có sự tham gia chăm lo từ các mạnh thường quân cho các trạm YTLĐ…”, bà Mai thông tin.
Minh Phương
Bình luận (0)