Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Y tế xã “chê” trạm mới, học sinh có nhà ở

Tạp Chí Giáo Dục

Trạm y tế mới được xây dựng ở xã Húc giờ trở thành nơi sinh hoạt của học sinh

Người dân xã Húc (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) chưa kịp mừng vì Trạm y tế xã được quan tâm đầu tư xây dựng với tổng kinh phí hơn 1,8 tỷ đồng làm nơi chữa bệnh khang trang cho bà con thì một câu chuyện buồn đã xảy ra. Ngành y tế xã không đồng ý cơ sở mới và một thời gian sau, ngôi nhà này được chuyển giao cho những học sinh xa nhà ở bán trú.
Mặc dù mục đích sử dụng của công trình cuối cùng cũng phần nào có ý nghĩa tuy nhiên qua việc này, bài học cay đắng để lại là sự thiếu sâu sát giữa nhà đầu tư với điều kiện cụ thể của địa phương…
Trạm cũ xuống cấp, trạm mới vẫn bỏ hoang
Công trình Trạm y tế xã Húc do UBND huyện Hướng Hóa làm chủ đầu tư, Ban quản lý Dự án 135 huyện trực tiếp quản lý. Trạm y tế xã Húc được xây dựng tại thôn Tà Núc với tổng kinh phí hơn 1,8 tỷ đồng, gồm các hạng mục: Phòng khám tổng quát, phòng điều trị nội trú, nhà vệ sinh, giếng khoan… Gần 2 tỷ đồng đầu tư cho ngành y tế – con số ấy đối với đồng bào vùng cao là một gia sản lớn. Đó là chưa kể, để xây dựng được trạm y tế phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh một cách kịp thời, cấp bách giữa chốn thâm sơn cùng cốc này quả là niềm vui lớn nhất đối với bà con vùng cao. Tuy nhiên, sau gần 1 năm hoàn thành, công trình được xây dựng khá đầy đủ, hoành tráng này vẫn bị bỏ hoang, trơ gan cùng mưa nắng.
Trái ngược với sự khang trang của cơ sở mới, cơ sở Trạm y tế xã Húc cũ đã đi vào tình trạng cũ kỹ, xuống cấp nghiêm trọng, không gian lại quá chật hẹp, chỉ có 3 giường bệnh cho gần 3.500 nhân khẩu toàn xã. Để hạn chế phần nào sự quá tải, trạm mượn tạm một phần cơ sở cũ của UBND xã cũ nằm cạnh đó để làm phòng khám, chữa bệnh cho bà con. Tuy nhiên việc “nóng tay bắt lỗ tai” của lãnh đạo trạm y tế không kéo dài được lâu vì cách đây gần 4 tháng, UBND xã mời lãnh đạo trạm y tế đến đòi lại cơ sở cũ để chuyển sử dụng làm lớp học mẫu giáo. Ông Hồ Văn Đục, Chủ tịch UBND xã Húc cho biết, toàn xã có 9 thôn, bản, hầu hết là đồng bào Vân Kiều, Pa Cô sinh sống với địa hình núi non hiểm trở. Những năm trở lại đây, cùng với sự quan tâm của chính quyền, các ban ngành trong công tác tuyên truyền, vận động, nhận thức của đồng bào đã có phần thay đổi lớn, họ không còn dựa vào hủ tục mê tín rằng, ốm đau là do con ma rừng bắt phạt. Thay vào đó, hầu hết các ca bệnh dù đường sá khó khăn vẫn được bà con giúp sức chuyển đến trạm y tế để khám chữa bệnh, đặc biệt là trong việc sinh đẻ của phụ nữ vùng cao. Thống kê của trạm y tế xã cho thấy, năm 2012 có hơn 65% ca bệnh được đưa đến trạm.
Nhu cầu người bệnh ngày càng cao, trong khi cơ sở cũ đã xuống cấp lại vô cùng chật hẹp nhưng khi bàn giao công trình cơ sở mới, lãnh đạo trạm vẫn từ chối không kí biên bản bàn giao.
Nguyên nhân từ đâu?
Tìm hiểu sự việc trên, bà Hoàng Thị Hòa, Trưởng trạm y tế xã Húc cho biết: “Là những người lương y của dân, việc chăm lo sức khỏe cho dân luôn được chúng tôi đặt lên hàng đầu trong y đức. Thế nhưng trạm y tế mới nằm xa khu dân cư, nằm trên khu đất dễ sạt lở, tình hình an ninh trật tự không đảm bảo. Mặt khác, trong ngày bàn giao, biên bản chưa có chữ ký của lãnh đạo y tế cấp huyện nên xã không kí nhận”.
Về vấn đề này, ông Lâm Chí Đức, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa cũng thừa nhận rằng, cơ sở y tế mới của xã Húc chưa đảm bảo gần trung tâm khu dân cư (so với khoảng cách các thôn, bản), đường giao thông chưa thuận tiện, công tác đảm bảo an ninh trật tự vẫn chưa được yên tâm. Trước sự việc trên, Sở Y tế tỉnh Quảng Trị cũng đã có chuyến khảo sát và làm việc với cán bộ, viên chức Trạm y tế xã Húc. Theo đó, lãnh đạo sở đồng ý với chủ trương đề xuất chính quyền UBND huyện Hướng Hóa và xã Húc bàn giao trụ sở cũ của UBND xã Húc cho trạm y tế xã để sở bố trí vốn sửa chữa, nâng cấp, mở rộng nơi khám chữa bệnh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công tác chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Còn riêng với trạm y tế mới hiện nay đã được UBND huyện bàn giao cho Trường THCS Húc quản lý, trở thành nơi sinh hoạt của hơn 30 học sinh bán trú.
Việc chuyển giao một cơ sở mới hàng tỷ đồng giúp hàng chục học sinh nghèo vùng cao có chỗ ở ấm trong mùa đông băng giá quả là điều đáng mừng. Hay ít nhất cuối cùng công trình tiền tỷ ấy dù không đúng mục đích sử dụng ban đầu nhưng nó vẫn mang lại ít nhiều lợi ích đối với người dân nghèo khó, thiếu thốn đủ bề.
Tuy nhiên, qua sự việc trên, hẳn những người lãnh đạo, quản lý đều phải rút ra một bài học ngậm ngùi rằng, bao giờ cũng vậy, quyền lợi của người hưởng lợi hay ít nhất là người trực tiếp quản lý cần phải được tôn trọng và đề cao. Dư luận cho rằng, nếu như trước khi khởi công công trình trên, nhà đầu tư, quản lý thông qua ý kiến của lãnh đạo Trạm y tế xã Húc thì hẳn công trình trên sẽ được xây dựng tại một điểm thuận lợi hơn, niềm vui của bà con cũng sẽ được kéo dài hơn chứ không phải lâm vào tình cảnh “chữa cháy” như bây giờ.
Vĩnh Yên – Tân Tuấn

Bình luận (0)