Cảnh sát giao thông đang xử phạt một thanh niên vi phạm Luật Giao thông. Ảnh: M.Trọng |
Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân vừa chủ trì cuộc họp khẩn cấp bàn về tai nạn giao thông (TNGT) bởi nó là nỗi ám ảnh, bức xúc của người dân. Chết vì TNGT là cái chết oan uổng, tức tưởi, vô nghĩa.
Nguyên nhân thì có nhiều, song nói cho cùng, cái chính là do ý thức con người quá kém.
Chúng ta quan sát sẽ thấy, người đi bộ cứ leo lên dải phân cách mà qua đường, có cầu vượt người ta không đi, cứ đi bừa qua dưới chân cầu cho nhanh. Người vô ý thức, họ đâu có cần đèn tín hiệu giao thông, cần là họ bất chấp, tự do chạy thục mạng qua đường. Họ vượt trước mũi ô tô một cách ngang nhiên, coi nhẹ sinh mạng mình, nói chi đến luật lệ… Trừ ô tô, còn hầu hết các xe gắn máy, xe đạp… cứ lấn sang làn đường dành cho xe hơi mà đi. Khi có tiếng còi inh ỏi phía sau, họ mới vội vã lách sang làn đường của mình. Có người đi xe theo kiểu “đánh võng”, lượn trái, lượn phải, coi như đang biểu diễn một trò “ngoạn mục”…
Các phương tiện di chuyển lớn kềnh càng như xe buýt, xe ben, xe tải… cứ mở hết tốc độ không cho phép. Đường thì nhỏ, chỗ lồi, chỗ lõm, tài xế làm việc quá mệt mỏi, có chút men rượu là không làm chủ được tay lái, mất thăng bằng, dẫn đến tai nạn.
Rõ ràng mọi biểu hiện này cho ta thấy ý thức con người là nguyên nhân chủ yếu của các vụ TNGT. Vì vậy, dù có nhiều dải phân cách nhiều cầu vượt đi chăng nữa, có đèn tín hiệu, biển báo đầy đủ mà con người không có ý thức cộng đồng, không quan tâm đến sinh mạng của mình, thì tất cả cũng đều trở thành vô nghĩa. Do đó, giải pháp đầu tiên là phải giáo dục ý thức tôn trọng luật lệ giao thông, quan tâm đến sinh mạng con người là căn bản. Mọi người phải đồng tâm hiệp lực mới giải quyết nổi.
Chúng tôi nghĩ thành phố cần tăng cường lực lượng cảnh sát giao thông chuyên nghiệp cũng như quần chúng để đủ lực, đủ sức dàn trải khắp mọi nơi, mọi lúc, phát hiện, ngăn chặn kịp thời, xử lý sai phạm thật công bằng và nghiêm minh. Nếu vi phạm một cách quá đáng cần phải phạt nặng. Nếu là cán bộ vi phạm nặng, cần phải gửi biên bản về cơ quan thông báo. Có như vậy mới hy vọng mọi người sớm giác ngộ, nghiêm túc thực hiện. Các biển báo giao thông trên đường, dưới lòng đường cần “dày” hơn, nhất là những nơi thường xảy ra tai nạn. Các biển báo cần làm cùng một kích cỡ, cùng một màu sơn để dễ nhận từ xa như nước ngoài đã làm. Những làn đường, vạch sơn dưới lòng đường nên thường xuyên sơn phết lại cho đậm để xe đi đêm dễ nhận biết.
Những đoạn đường đào bới xong, nên san lấp ngay, trả lại sự bằng phẳng cho mặt đường. Đường mấp mô, chỗ cao, chỗ thấp, nắp cống thiếu hụt cũng là “thủ phạm” gây ra tai nạn. Trên đây là một vài ý kiến nhỏ của tôi với mong muốn số người tử vong vì TNGT sẽ càng ngày càng giảm dần.
Tôn Tuyết Dung
(Nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie TP.HCM)
Bình luận (0)