Ý thức giao thông người dân còn hạn chế, hạ tầng giao thông chưa theo kịp mật độ phương tiện giao thông là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn tắc, va chạm gây tai nạn giao thông ngày càng tăng. Đồng thời đặt ra thách thức đối với các quận, huyện trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, kéo giảm tai nạn giao thông trên địa bàn.
CSGT TP.HCM xử phạt nghiêm người tham gia giao thông vi phạm
Thiếu bãi đỗ xe
Thượng tá Nguyễn Minh Cảnh (Phó Trưởng ban An toàn giao thông Q.1) cho biết, trong thời gian qua công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn được đảm bảo. Tình hình trật tự lòng lề đường có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều tuyến đường tiếp tục được thông suốt. Tuy nhiên, địa bàn trung tâm đa số các tuyến đường đều nhỏ hẹp, có những đoạn đường ngắn và nhiều đoạn cong, mật độ phương tiện giao thông đông. Bên cạnh đó đa số tuyến đường Q.1 đều có biển cấm xe tải và cấm dừng, nhiều công trình xây dựng lớn còn tiếp tục thi công.
Về tình hình trật tự đô thị vẫn còn tồn tại tình trạng các bãi giữ xe trái phép và buôn bán lấn chiếm lòng lề đường, buôn bán hàng rong quanh các khu vực công cộng, trường học, bệnh viện… nên tình hình trật tự giao thông và trật tự đô thị có nhiều chuyển biến phức tạp. Trên địa bàn quận có nhiều nơi không có bãi đỗ xe, người dân phải dừng, để xe hè phố trái quy định, nơi tập trung đông nhất là phố Bùi Viện, phố Nguyễn Huệ và Công viên bến Bạch Đằng. “Sau khi hoàn thành công trình cầu Thủ Thiêm 2 việc kết nối giao thông giữa các quận, huyện thuận lợi nhưng tình trạng người dân tụ tập dừng xe trên cầu kéo theo đó là tình trạng bán hàng rong gây mất trật tự đô thị. Tình trạng xe đỗ dừng trên địa bàn ngày càng nhiều trong khi cơ sở hạ tầng, giao thông chậm phát triển, đường hẹp, nhiều biển báo cấm đỗ. Các tuyến giữ xe thu phí chỉ có 13 tuyến không đáp ứng nhu cầu đỗ xe hiện nay của người dân, dẫn đến nhiều trường hợp đỗ xe không đúng quy định”, Thượng tá Cảnh nhìn nhận.
Người dân lưu thông trên đường Lê Văn Duyệt (Q.Bình Thạnh)
Không chỉ ở trung tâm, các quận, huyện nội đô cũng trong tình trạng tương tự. Bà Thái Thị Lan Chi (Phó Trưởng ban An toàn giao thông Q.Tân Bình) cho hay, quận có vị trí địa lý hết sức quan trọng, là cửa ngõ hướng Tây Bắc của TP với nhiều tuyến đường xuyên tâm kết nối với trung tâm TP. Đặc biệt là đầu mối giao thông quan trọng của cả nước và quốc tế thông qua cụm Cảng hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất. Hạ tầng giao thông không chỉ phục vụ đi lại cho gần 450 ngàn cư dân trên địa bàn mà còn phục vụ cho khoảng 350 ngàn lượt phương tiện các loại từ các quận, huyện ngoại và các tỉnh thành lân cận, nhất là lượng phương tiện taxi, xe ô tô công nghệ vận chuyển khách ra vào Sân bay Tân Sơn Nhất (trên 30 triệu lượt khách/năm). Trên địa bàn quận có 11 tuyến đường lớn do Phòng CSGT Đường bộ – Đường sắt, Công an TP.HCM quản lý, tuy nhiên cơ sở hạ tầng giao thông trên địa bàn quận hiện nay chưa đáp ứng và theo kịp mật độ phương tiện tham gia giao thông trên địa bàn. “Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn, va chạm và ùn tắc giao thông. Đồng thời đặt ra thách thức đối với cả hệ thống chính trị của quận trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông nhằm kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông trên địa bàn”, bà Chi chia sẻ.
Ý thức người dân còn hạn chế
Thượng tá Hồ Vương (Phó Trưởng công an Q.Bình Thạnh) thông tin, trong năm 2022 tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn quận diễn biến phức tạp. So với năm 2021, tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn tăng cao: Tai nạn giao thông đường bộ tăng 15 vụ, tăng 16 người chết, số người bị thương không tăng, không giảm. Đa số vụ tai nạn giao thông xuất phát từ các nguyên nhân: Người tham gia giao thông không làm chủ tay lái, sử dụng rượu bia, người đi bộ qua đường không đúng nơi quy định, lái xe không chú ý quan sát, không đội mũ bảo hiểm.
“Chúng tôi sẽ quán triệt mỗi người dân là tuyên truyền viên để tuyên truyền cho gia đình, người thân và cộng đồng dân cư. Đặc biệt, chúng tôi sẽ đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội và hạ tầng số, tăng cường tuyên truyền đối với khu vực cửa ngõ TP góp phần kéo giảm tỷ lệ tai nạn giao thông…”, ông Nguyễn Thành Lợi (Phó Trưởng ban chuyên trách, Ban An toàn giao thông TP.HCM) cho biết. |
Thượng tá Hồ Vương nhìn nhận, điều này cho thấy ý thức tự giác chấp hành các quy định về đảm bảo an toàn giao thông của người tham gia giao thông còn hạn chế, dẫn đến thiệt hại đến tính mạng, tài sản cho chính bản thân và người khác. Mặt khác, hiện trạng cơ sở hạ tầng giao thông tại nhiều tuyến đường trên địa bàn quận bị quá tải, không đáp ứng nhu cầu giao thông ngày càng tăng hiện nay. Nhiều công trình xây dựng, sửa chữa trên đường bộ đang khai thác, dẫn đến nhiều tuyến đường bị rào chắn, thay đổi tổ chức phân luồng giao thông. Đồng thời, tình trạng biến đổi khí hậu, mưa, triều cường, ngập úng cũng là nguyên nhân dẫn đến ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm.
Ông Nguyễn Thành Lợi (Phó Trưởng ban chuyên trách, Ban An toàn giao thông TP.HCM) cho biết, để đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong năm 2023, Ban An toàn giao thông TP tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ với chủ đề “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”. Trong đó, đơn vị sẽ kiên trì xây dựng văn hóa giao thông an toàn đối với các tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng, thực thi pháp luật. Đổi mới nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông theo hướng có trọng tâm và chiều sâu để mỗi người dân nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông.
Thúy Kiều
Bình luận (0)