Một người đàn ông tiểu bậy trên đường Ngô Thời Nhiệm
Tháng trước đi siêu thị C, tôi có hỏi bảo vệ sao nơi đây không thấy nhà vệ sinh. Xởi lởi với khách hàng, người bảo vệ nhanh nhảu đưa chìa khóa và dẫn tôi đến nhà vệ sinh, còn dặn sau khi xong nên đóng, khóa cửa cẩn thận. Thấy lạ nên tôi hỏi thêm lý do. Người bảo vệ nói rằng do rất nhiều người ở bên ngoài vào đây vệ sinh nhưng không chịu dội nước, không dọn dẹp sạch sẽ khiến cho nhà vệ sinh dơ kinh khủng. Mặc dù người lao công già dọn dẹp liên tục nhưng buộc phải “đầu hàng”, đóng cửa vì sợ ảnh hưởng đến danh tiếng siêu thị. Người bảo vệ còn cho biết thêm, khu chung cư này có 2 nhà vệ sinh chung ở tầng trệt nhưng cũng giống như nhà vệ sinh siêu thị nên buộc phải khóa cửa bên ngoài. Lương của người lao công già không bao nhiêu mà buộc họ phải làm quá sức như thế thì thật nhẫn tâm.
Câu chuyện về một nhóm cộng đồng nhỏ kém ý thức này chỉ là nhẹ nhàng trong rất nhiều trường hợp kinh khủng hơn. Hãy thử vào bệnh viện công, xí nghiệp mà xem, rất nhiều nhà vệ sinh “khủng khiếp” đến độ ngất xỉu vì mùi hôi thối. Ngoài đường cũng thế, cứ ăn xong là vô tư vứt rác đại bên đường. Cứ mắc tiểu là úp mặt vào bức tường, gốc cây công cộng mà “giải quyết nỗi buồn”. Các con kênh trong thành phố thì than ôi, nó đen và đầy rác không thể tưởng…
Muốn được bạn bè quốc tế xem chúng ta có văn minh, văn hóa hay không thì trước tiên cần phải có ý thức tự giác vệ sinh sạch sẽ nơi công cộng mọi lúc mọi nơi. Đừng nghĩ không phải của mình thì không giữ gìn, bảo vệ, vệ sinh sạch sẽ. Nên nhớ, một gốc cây, bức tường, ghế đá chính là tài sản công, nơi có sự đóng góp của mỗi cá nhân chúng ta để tôn vinh vẻ đẹp cảnh quan tự nhiên cho bạn bè năm châu biết. Đó là lý do vệ sinh chung tức là vệ sinh cho bản thân mình. Một khi ý thức không hiệu quả thì cơ quan chức năng cần áp dụng luật triệt để để mọi việc đi vào khuôn khổ.
Nguyễn Thanh Vũ
Bình luận (0)