Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Ý tưởng độc đáo của học sinh

Tạp Chí Giáo Dục

Nguyễn Phương Bảo Ngọc
Lấy ý tưởng từ thực tiễn, một số học sinh (HS) đã sáng tạo ra nhiều mô hình có giá trị trong cuộc sống.
Biển, đảo quê hương lên website trò chơi
Hưởng ứng phong trào giáo dục HS tìm hiểu về biển, đảo quê hương, nhóm HS: Nguyễn Phúc Huy Anh (lớp 6 Trường THCS Nguyễn Du, Q.Gò Vấp, TP.HCM), Nguyễn Dương Kim Hảo (lớp 7 Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, Q.Tân Bình) và Lê Vũ Ngân Trúc (lớp 5, Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, Q.Tân Phú) đã lập ra một website trò chơi có tên Biendaoque- huong.info. Website thiết kế như một web game mini, mô phỏng theo bản đồ Việt Nam, giúp người chơi, đặc biệt là HS tiểu học và THCS vừa giải trí vừa có thêm kiến thức về biển, đảo quê hương.
Web game có 5 trò chơi: Lật hình, câu cá, xếp hình, thử tài trí nhớ và xếp các đảo theo yêu cầu. Trước khi tham gia, người chơi phải trả lời những câu hỏi về kiến thức liên quan đến hệ thống biển, đảo như: Việt Nam có bao nhiêu đảo tất cả? Đảo Bạch Long Vỹ, Côn Đảo, Phú Quốc… thuộc tỉnh/thành nào? Hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cách nhau bao nhiêu km?… Nếu số câu trả lời đúng nhiều thì người chơi hạn chế được chướng ngại vật, hay đúng hơn trò chơi dễ dàng hơn. Ngược lại, cuộc chinh phục biển, đảo sẽ khó khăn hơn.
Kim Hảo cho biết: “Người chơi dùng thuyền đi lại giữa các đảo trên bản đồ, làm nhiệm vụ trên các đảo hoặc đánh cá giúp người chơi có vàng. Theo đó người chơi dùng vàng đóng 5% thuế ở trang cá nhân để nhận cờ cắm lên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và được cập nhật thứ hạng trên bảng xếp hạng, vinh danh ở trang chủ… Bằng việc học mà chơi, chơi mà học, người chơi luôn có cảm giác mới lạ trong cuộc hải trình đầy thú vị trên vùng biển Việt Nam, trải nghiệm kiến thức từ 250 câu hỏi trắc nghiệm về biển, đảo…”.
Để hoàn thành web game mini này, cả nhóm mất thời gian một tháng để vẽ hình ảnh, sưu tầm, đặt câu hỏi cũng như thiết kế lập trình. Huy Anh và Ngân Trúc có đôi tay khéo léo, vẽ đẹp nên hai em đảm nhiệm việc vẽ hình ảnh trò chơi, cũng như sưu tầm, đặt ra các câu hỏi liên quan đến biển, đảo. Còn Kim Hảo giỏi về công nghệ thông tin nên có trách nhiệm tổng hợp những tài liệu của hai bạn để thiết kế lập trình. Bất cứ lúc nào rảnh là các em bắt tay vào làm. Vì nhà mỗi thành viên đều cách xa nhau nên cả nhóm làm việc qua email là chủ yếu. Tuy nhiên trở ngại này không làm ảnh hưởng đến quá trình thực hiện web game.
Tại hội thi Tin học trẻ toàn quốc lần thứ 19 tổ chức tại Nghệ An vừa qua, đề tài của các em đã đạt giải ba, được Ban tổ chức đánh giá cao về tính sáng tạo, giá trị của mục tiêu giáo dục người chơi.
Tua-bin phát điện bằng nước… cống

Kim Hảo, Ngân Trúc, Huy Anh (từ trái sang)

Hàng ngày được học bài học về giá trị tiết kiệm năng lượng cũng như nghe các thầy cô cho biết tình trạng năng lượng ngày càng khan hiếm vì nhu cầu sử dụng của xã hội cao, Nguyễn Phương Bảo Ngọc (HS lớp 6/3, Trường THCS Nguyễn Du, Q.Gò Vấp) luôn suy nghĩ phải làm thế nào có thêm được nhiều nguồn năng lượng để phục vụ cuộc sống của con người. Mỗi ngày từ nhà đến trường đi qua đoạn kênh Nhiêu Lộc (Q.Tân Bình), Bảo Ngọc đã quan sát và phát hiện có nhiều ống cống thải nước sinh hoạt ra kênh. Từ đó em nảy sinh ý tưởng: Đặt tua-bin phát điện dưới ống cống, lấy nguồn điện phát sáng và tưới cây xanh.
Trước khi bắt tay vào thực hiện ý tưởng, Bảo Ngọc dành một tuần tìm hiểu hệ thống cống, nguồn nước thải cũng như lên internet tìm hiểu thêm về hệ thống thoát nước của thành phố. Qua đó cô bé mới biết: Cứ cách vài mét đường là có một đầu ống cống. Đặc biệt, nguồn nước từ cống đổ ra đều đã được lọc sạch, không còn rác. Như thế khi đặt tua-bin sẽ không có trở ngại gì. Vậy là Bảo Ngọc bắt tay ngay vào việc phác thảo mô hình: Lấy cánh quạt từ CPU hỏng của ba làm tua-bin, đặt vừa vào một “ống cống” làm bằng một ống nhựa, dẫn nước chảy qua. Điện phát ra được lưu trữ tại một tụ điện kế, từ đó sử dụng vào những mục đích khác nhau. Do lần đầu thực hiện các thao tác kỹ thuật nên em gặp không ít khó khăn về cách cắt, lắp ghép sơ đồ. Tuy nhiên, được sự giúp đỡ của thầy Trần Văn Duyến – giáo viên dạy em ở lớp 5 Trường Tiểu học Kim Đồng (Q.Gò Vấp) – nên em đã hoàn thành mô hình trong vòng một tháng…
Đề tài của em đã đạt giải nhì hội thi Ý tưởng trẻ thơ do Bộ GD-ĐT tổ chức trong tháng 8 vừa qua tại Hà Nội. Ban tổ chức đánh giá cao về tính ứng dụng thực tiễn của mô hình. Nó có thể tận dụng một khối lượng lớn các nguồn nước thải tại các kênh trên địa bàn thành phố. Điện phát ra sẽ sử dụng chiếu sáng cho đường hoặc sử dụng để bơm nước tưới cây xanh.
Chia sẻ về giải thưởng, Bảo Ngọc vui mừng nói: “Em mong rằng khi thử nghiệm trong thực tế mô hình sẽ thành công. Như vậy một nguồn điện lớn sẽ được tạo ra, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của con người. Đặc biệt nguồn nước được sử dụng hiệu quả thay vì chỉ đổ ra kênh vô ích”. Không chỉ giỏi-làm-khoa-học mà suốt 5 năm học tiểu học, Bảo Ngọc luôn là HS giỏi, đạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi cấp thành phố ở môn toán, tiếng Anh…
Bài, ảnh: Nguyễn Trinh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)