Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Ý tưởng dựng nhà chọc trời bằng cây biến đổi gene

Tạp Chí Giáo Dục

Thiết kế "tòa nhà sống" từ một lùm cây biến đổi gene của nhóm kiến trúc sư người Ukraine giành giải cao nhất trong Cuộc thi Nhà chọc trời eVolo.
Nhằm giải quyết nhu cầu về cơ sở hạ tầng ngày càng tăng tại các thành phố lớn trong khi chống lại sự suy giảm không gian xanh và tác động của ngành xây dựng đối với môi trường, một nhóm kiến trúc sư từ công ty thiết kế Guess Line Architects của Ukraina đã đề xuất một ý tưởng đầy táo bạo về việc sử dụng 100% thực vật sống để dựng nhà chọc trời, có thể dùng làm văn phòng hoặc nhà ở.
Theo đó, một nhóm cây thân gỗ biến đổi gene sẽ được trồng trên một khu vực đất đặc biệt đã qua xử lý. Khi chúng lớn lên, các thân lớn được định hình để tạo thành khung của tòa nhà, trong khi các cành nhỏ được ghép lại với nhau thành một cấu trúc mạng lưới chắc chắn, tạo nên sàn nhà và các bức tường.
Ý tưởng nhà chọc trời từ cây biến đổi gene.
Ý tưởng nhà chọc trời từ cây biến đổi gene.
"Chúng tôi thực sự lập trình cây cối và nói cho chúng biết cách phát triển", kiến trúc sư Andrii Lesyuk từ Guess Line Architects, một thành viên trong nhóm thiết kế, nhấn mạnh. "Là một cấu trúc hữu cơ hoàn toàn, công trình không yêu cầu vật liệu xây dựng và chỉ cần tưới nước, bón phân để duy trì".
Lesyuk đã nảy ra ý tưởng về "tòa nhà chọc trời sống" khi xem một bộ phim tài liệu về cây Paulownia, loài thực vật lớn rất nhanh và có sinh khối lớn. Nó có thể vươn cao 20m chỉ sau một thập kỷ. Paulownia cũng nổi tiếng với chất lượng gỗ tốt. Trọng lượng của nó chỉ bằng một nửa so với gỗ truyền thống nhưng rất chắc chắn, có thể chống cháy, mối mọt và mục rữa tự nhiên.
"Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta có thể đẩy nhanh tốc độ phát triển của những cây này thông qua biến đổi gene, chúng có đạt đến chiều cao lớn hơn nữa. Chúng ta có thể "nhào nặn" chúng thành bất cứ hình dạng nào, thậm chí là tòa nhà chọc trời, với sự trợ giúp của hệ thống dẫn đường đặc biệt. Những công trình sống như vậy có thể khôi phục sự cân bằng giữa tình trạng đô thị hóa với các nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt của Trái đất", Lesyuk chia sẻ.
Cây cối từng được sử dụng để tạo nên các đồ vật và công trình nhỏ hơn.
Cây cối từng được sử dụng để tạo nên các đồ vật và công trình nhỏ hơn.
Ý tưởng mới chỉ là lý thuyết nhưng nhóm thiết kế tin rằng nó thực sự khả thi trong tương lai gần. "Chỉ cần tưởng tượng rằng các nhà khoa học có thể tạo ra một loại cây biến đổi gene phát triển nhanh hơn Paulownia 30 – 40 lần. Khi đó, chúng ta có thể dựng một tòa nhà chọc trời sống trong 15 năm", Lesyuk nói thêm.
Lesyuk cùng các cộng sự, bao gồm Mykhaylo Kohut, Sofiia Shkoliar, Kateryna Ivashchuk, Nazarii Duda, Mariia Shkolnyk, Oksana-Daryna Kytsiuk và Andrii Honcharenko từ Guess Line Architects, đã gửi ý tưởng của họ tới Cuộc thi Thiết kế Nhà chọc trời eVolo 2021 và xuất sắc vượt qua 500 bài dự thi khác từ khắp nơi trên thế giới để giành giải thưởng cao nhất trị giá 5.000 USD tiền mặt.
HT (theo khoahoc.tv)

Bình luận (0)