Một số bạn học sinh cứ đến ngày sinh nhật của mình là vòi vĩnh ba mẹ tổ chức sinh nhật thật to, mua quà thật nhiều để so sánh với bạn bè mình. Với tôi, vào ngày sinh nhật chỉ cần được ba mẹ tặng sách là vui rồi!

Ba mẹ tôi là người thích đọc sách và thế là cả hai anh em tôi được lan tỏa thói quen tốt ấy ngay từ nhỏ. Mỗi khi được đến hội sách, nhà sách tôi rất vui. Mỗi lần được ba mẹ tặng sách lại càng vui hơn nữa. Những quyển sách ba mẹ tặng được tôi đọc đi đọc lại nhiều lần vì luôn mang lại thông điệp hay trong cuộc sống.
Vào ngày sinh nhật lần thứ bảy của tôi, ba tặng một quyển sách rất hay và ấn tượng về đề tài tình cảm gia đình – quyển “Cả nhà thương nhau” của tác giả ThăngFly#. Những câu chuyện trong quyển sách giúp tôi hiểu nhiều hơn về giá trị của gia đình. Thật ấn tượng khi nhìn thấy bìa sách với những hình ảnh quen thuộc của gia đình: phía trên cùng là tựa sách với những chữ cái được trang trí bằng rau, củ, quả, trứng chiên, làm tôi liên tưởng đến những bữa cơm quen thuộc ấm áp không khí gia đình. Hình ảnh người anh chở em gái mình đi học về trên chiếc xe đạp cà tàng, gỉ sét nhưng cả hai đều rất vui và phấn khởi trong khung cảnh yên bình, đơn sơ của làng quê. Nội dung trong quyển sách với những hình ảnh minh họa cùng lời văn của ba câu chuyện kể tuy ngắn gọn nhưng mang đến rất nhiều thông điệp xúc động, đầy ắp tình yêu thương của cả gia đình. Mỗi câu chuyện có một mạch cảm xúc khác nhau nhưng hướng về một mục đích chung là giáo dục mọi người hiểu về giá trị của gia đình khi tôi thấy hình ảnh mình trong đó với sự yêu thương chăm sóc của ba mẹ, ông bà.
Quyển “Những nhân vật tên còn trẻ mãi” của Nhà xuất bản Kim Đồng được mẹ tặng trong lần sinh nhật thứ mười đã lan tỏa tình yêu lịch sử nước Việt đến với tôi. Quyển sách là những câu chuyện về các nhân vật tài danh, khí phách trong lịch sử nước nhà như Lê Quý Đôn, Lương Thế Vinh, rồi Kim Đồng, Võ Thị Sáu… Những nhân vật trong lịch sử và truyền thuyết, xuất thân quyền quý hay bình dân, nữ sĩ tài danh hay nhà toán học xuất sắc, đã lưu danh thiên cổ hay các anh hùng thời hiện đại – Tất cả họ cùng có một điểm chung: đều rất trẻ. Họ là người sẽ truyền động lực, sự ngưỡng mộ và tình yêu quê hương, đất nước đến với các bạn đọc trẻ. Tác phẩm tập trung khai thác những khía cạnh bình dị, thân thuộc, gần gũi trong cuộc đời của các nhân vật. Thì ra, các bậc anh hùng, hào kiệt trong sử sách cũng có một gia đình để yêu thương, quê hương để gắn bó, người thầy dạy điều hay lẽ phải và những trò nghịch ngợm của tuổi ấu thơ. Họ cũng từng bị mắng, bị đòn nhưng thông qua những lần trách phạt ấy, họ lại bộc lộ khí phách, tài năng hơn người.

Lan tỏa văn hóa đọc cần có sự kết nối giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng để làm nền tảng cho việc học tập suốt đời chứ không đơn thuần là một thói quen tốt. |
Làm thế nào để lan tỏa văn hóa đọc đến với bạn bè mình? Với tôi, việc thành lập một câu lạc bộ như “BITL – Book is the life” là khởi nguồn để hướng mọi người, đặc biệt là các bạn cùng trang lứa đến với văn hóa đọc. Ở đây, những người yêu sách có thể trao đổi sách, trò chuyện về nội dung và ý nghĩa của những quyển sách hay, lan tỏa tình yêu đọc sách đến với mọi người. Đầu tiên là kêu gọi, động viên những bạn thích đọc sách tham gia vào câu lạc bộ để cùng nhau xây dựng hoạt động. Thư viện trường là nơi sinh hoạt câu lạc bộ BITL với sự hỗ trợ của thầy cô quản lý và những thầy cô yêu sách. Câu lạc bộ sinh hoạt định kỳ 1 lần/tháng để các thành viên có thời gian nghiền ngẫm những quyển sách phù hợp với chủ đề đưa ra và cũng là khoảng thời gian vừa đủ để các thành viên trao đổi sách cùng nhau. Khi tập trung sinh hoạt sẽ mời một số thầy cô ở tổ bộ môn tư vấn, đóng góp ý kiến để hình thành nên những bài thuyết trình cho những buổi tuyên truyền giới thiệu sách cho toàn trường. Với cách làm này, sẽ có thêm nhiều bạn nữa đến với sách khi các thành viên trong nhóm tích cực hoạt động để giới thiệu những quyển sách hay đến với bạn bè. Tủ sách di động – Đó là ý tưởng để có thể mang sách đến tận lớp học hay bất kỳ nơi đâu phục vụ các bạn. Chiếc tủ được thiết kế giống như chiếc loa kéo di động hát karaoke với bốn mặt đều có những ngăn kéo nhỏ chứa đựng sách trong đó. Với số lượng là 100 quyển sách được đánh số từ 1 đến 100 với đủ thể loại được chia đều cho 4 mặt tủ – 25 quyển được đặt trong 25 ngăn kéo ở mỗi mặt giúp cho bạn đọc dễ dàng tìm kiếm. Song song đó, thiết lập danh mục sách với số thứ tự trong danh sách tương ứng với số thứ tự trên tủ sách để các bạn dễ tìm kiếm. Ví dụ như: số 01 là tên sách “Dế Mèn phiêu lưu ký – Tô Hoài” thì ngăn số 01 trên tủ sách là quyển sách ấy. Trước khi tìm trên tủ sách, các bạn có thể tra cứu trên danh sách để tìm nhanh quyển sách cần đọc. Trên ngăn để sách, có thể làm một thẻ nhỏ 2 mặt – Mặt trước đánh số thứ tự quyển sách, mặt sau đánh chữ X. Khi các bạn đến mượn sách đọc thì lật mặt sau có chữ X lại để các bạn khác biết rằng quyển sách ấy đã có người mượn để không tốn thời gian tìm kiếm. Ở mỗi mặt của chiếc tủ được trang trí những khẩu hiệu, hình ảnh… liên quan đến văn đọc để dần dần đưa ý tưởng văn hóa đọc đến với mọi người. Chiếc tủ sách di động này là giải pháp hữu hiệu trong việc khuyến khích mọi người đọc sách, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa khi mọi người chưa có nhiều điều kiện tiếp cận với sách. Khi tủ sách di động đến với nhiều nơi, câu lạc bộ BITL sẽ có thêm những cơ hội để trao đổi sách cùng nhau, qua đó có thêm những quyển sách hay phục vụ bạn đọc. Trong tương lai, nếu tủ sách di động được sự hỗ trợ của công nghệ thông tin thì rất hay. Tưởng tượng rằng: Với một màn hình vi tính được thiết kế, người đọc chỉ cần tra cứu và chọn số thứ tự thì ngăn tủ sẽ tự động bật ra với quyển sách trong đó giống như những chiếc máy bán sách tự động thì thật là thú vị!
Đọc sách là một trong những cách giúp các bạn trẻ có kiến thức và hình thành nhân cách, hạn chế thời gian sử dụng điện thoại di động. Lan tỏa văn hóa đọc cần có sự kết nối giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng để làm nền tảng cho việc học tập suốt đời chứ không đơn thuần là một thói quen tốt.
Lê Huỳnh Minh Tú
(Học sinh lớp 11T5 Trường THPT
Nguyễn Hữu Cảnh, Chợ Mới, An Giang)
Bình luận (0)