Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Yến sào cuối năm: Chớ thấy rẻ mà ham

Tạp Chí Giáo Dục

Yến sào là một trong những loại thực phẩm đang bị làm giả hoặc pha trộn từ nhiều nguyên liệu không rõ nguồn gốc mà ngay cả người trong nghề cũng khó phát hiện.

Yến sào không “tắm” hóa chất có màu trắng đục. Ảnh: T.Anh

Thời điểm cận Tết, nhiều cá nhân, doanh nghiệp chọn mua tổ yến làm quà tặng cho khách hàng, đối tác khiến thị trường yến sào sôi động hẳn lên. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của người trong nghề, đây cũng là thời điểm yến sào kém chất lượng, yến sào giả được tung ra thị trường.

Yến sào “tắm” hóa chất

Sở dĩ yến sào bị làm giả nhiều là vì giá thành của nó khá cao. Theo tìm hiểu của phóng viên, 1kg yến thô (chưa nhặt lông, sơ chế), các công ty thu mua với giá từ 3.000.000 đồng đến 3.400.000 đồng, tùy loại và tùy vào thời điểm. Và yến thành phẩm bán ra trên thị trường hiện nay có giá từ 42.200.000 đồng/kg trở lên. Khách hàng mua tại các cơ sở, hộ gia đình nuôi yến, tự thu hoạch và sấy khô bán trung bình từ 34.000.000 đồng/kg đến 36.000.000 đồng/kg.

Giá là vậy nhưng thực tế chẳng ai biết có bao nhiêu phần trăm yến sào trong tổ yến và bao nhiêu phần trăm là các chất phụ gia, nguyên liệu độn cho kết dính, tăng trọng lượng. Bà Nguyễn Thanh Thư (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên), người có nhiều năm kinh nghiệm nuôi và bán tổ yến cho biết: “Để cho yến có màu sắc bắt mắt, độ kết dính tốt và tạo hình đẹp, nhiều cơ sở cho phun xịt một lượng khá lớn bột không bao bì, nhãn mác kèm hóa chất. Sau đó gắn mác yến sạch bán với giá trên trời”.

Ghi nhận tại các cửa hàng bán yến sào, sản phẩm có bao bì bắt mắt, ấn tượng; giá yến được niêm yết, sản phẩm thuộc công ty có tên tuổi nên khách hàng cũng yên tâm phần nào. Thế nhưng, với yến sào bán tại các chợ, kể cả người bán cũng chẳng biết nguồn gốc từ đâu và có đúng là yến thật hay không.

Chị Lưu Thanh Thủy (P.Tân Thuận Tây, Q.7, TP.HCM) kể: “Sau cuộc đại phẫu, bác sĩ tư vấn mẹ cần tẩm bổ để chóng hồi phục, tôi mua 2 lạng yến với giá gần chục triệu đồng. Sau hơn một tháng sử dụng chẳng có tác dụng gì, đứa em lấy mẫu nhờ phân tích thành phần tại một trung tâm của Sở KH-CN, kết quả thành phần chính của tai yến là đường, mủ trôm và hóa chất làm tăng độ trắng, sáng. Kiểm tra số yến còn lại phát hiện tai yến đã bị nổi mốc mặc dù bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh theo hướng dẫn”.

Và điều đáng nói là chị Thủy không phải là nạn nhân duy nhất mua phải yến sào giả. Để tránh bỏ vài triệu nhưng mua phải hàng chỉ đáng vài chục ngàn, bà Thu khuyến cáo: “Yến thô đã nhặt lông có màu trắng đục, để có được màu trắng sáng, yến phải “tắm” rất nhiều loại hóa chất, vì thế chớ thấy trắng mà ham. Yến được phun xịt phụ gia sau khi chưng lên tan thành nước, chỉ còn lưa thưa vài sợi yến nhỏ”.

Cảnh giác với hàng giá rẻ

Trước thực trạng thực phẩm bẩn tràn lan như hiện nay, hầu hết khách hàng có tâm lý chọn mua yến sào có thương hiệu, có bao bì nhãn mác, tuy nhiên không hẳn nó có chất lượng như mong muốn. Đây cũng là nguyên nhân khiến yến sào có chất lượng từ các hộ gia đình không cạnh tranh lại yến sào trên thị trường.

Bà Thu nói: “Với người biết sử dụng, chẳng mấy ai tìm mua các loại yến thương hiệu bởi giá khá đắt nhưng chất lượng thì hên xui. Thay vào đó, họ tìm mua tại các cơ sở, hộ gia đình nuôi và bán tổ yến thô, chưa qua bất kỳ công đoạn xử lý nào”.

“Thu hoạch, sơ chế rồi để dành bán lẻ cũng là một giải pháp để tăng lợi nhuận của các hộ gia đình nuôi yến nhưng không thể cạnh tranh với yến giá rẻ trên thị trường hiện nay”, ông Ngô Tùng (chủ một đại lý yến sào tại TP.HCM) nói.

Đúng như những gì chúng tôi tìm hiểu, hiện có loại yến sào mà giá rẻ hơn phân nửa so với thị trường. Dân trong nghề khẳng định đây là yến pha trộn từ các loại phụ gia để tăng trọng lượng. Một nguồn yến nữa được đóng mác của các thương hiệu yến sào trong nước nhưng ruột thì được nhập từ Malaysia, Thái Lan, Indonesia… bán với giá “rẻ như cho”.

Bác sĩ Ngô Ngọc Phượng (Bệnh viện Hoàn Mỹ) lo ngại: “Yến sào là một thực phẩm giàu dinh dưỡng, hỗ trợ trong thời gian điều trị bệnh rất tốt, đặc biệt là trẻ em và người lớn tuổi. Tuy nhiên với thị trường bát nháo như hiện nay, người tiêu dùng phải cẩn trọng bởi nếu ăn phải hóa chất, chất phụ gia trôi nổi sẽ dẫn đến nhiều bệnh, trong đó có ung thư”.

Trần Anh

Bình luận (0)