Từ trước đến nay ai cũng biết chim yến chỉ sinh sống và làm tổ ở ngoài đảo khơi. Tuy nhiên, do giá trị kinh tế rất lớn từ việc khai thác tổ yến mang lại mà không ít người dân ven biển ở các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Tiền Giang đang đầu tư công nghệ để dẫn dụ chim yến về và nuôi ngay tại nhà. Sau gần hai năm triển khai các công nghệ do Trung tâm Eka Vietnam (thương hiệu Eka, độc quyền dạy nuôi yến trong nhà thuộc tập đoàn Eka Indonesia) cung ứng, người dân ở các tỉnh ven biển trên đã và đang thực sự đổi đời từ nghề nuôi chim yến.
Yến về, hạnh phúc mọi nhà
Chúng tôi về Gò Công Tây – Tiền Giang vào một buổi chiều nắng nhẹ, khi những cơn sóng ven biển Gò Công chưa ầm ào vỗ bờ theo những đợt gió thốc buổi chiều thì đã nghe tiếng ríu rít của từng đàn chim yến ngoài cửa ngõ vào thị xã. Chim yến ở Gò Công không lớn, chỉ nhỏ như chim sẻ nhưng rất khỏe và sức bay bền. Chúng thường sống có đôi, mỗi năm đẻ 3 lần, mỗi lần đẻ 2 trứng. Loài chim này có một đặc điểm là không thể đậu trên cành mà mỗi khi đáp xuống chúng chỉ treo mình trên vách đá hoặc tường nhà bằng đôi chân chắc khỏe của mình. Chính vì lẽ đó mà không ít đàn yến tự nhiên đã bay về và làm tổ ngay trong nhà người dân tại đây.
Ban đầu từ sự ngạc nhiên khi thấy yến làm tổ trong nhà và để cho chim tự do sinh sống, dần dà người dân Gò Công ý thức được giá trị kinh tế mà loài chim này mang lại nên đã học tập kinh nghiệm nuôi, dụ yến về nhiều hơn chứ không đơn thuần là đợi yến tự nhiên bay về. Và thế là nghề nuôi yến trong nhà trở thành một nghề giúp không ít người dân tại thị xã đổi đời. Nghề nuôi chim yến tại Gò Công đang thực sự mở ra một hướng đi mới đầy phấn khích cho người dân nơi đây. “Chỉ tính riêng ở thị xã này cũng đã có 5 cơ sở nuôi yến kiểu công nghiệp, hiệu quả kinh tế từ công việc trên mang lại hằng năm là hết sức đáng khích lệ, đó là chưa tính hàng trăm hộ dân nuôi yến cá thể, nhỏ lẻ khác” – ông Phan Trung Nghĩa, Trưởng ban Tuyên giáo thị xã Gò Công cho biết.
Chúng tôi tìm đến nhà của ông Mười Triết, người nổi tiếng nhất thị xã Gò Công về kinh nghiệm nuôi chim yến, cũng như là người may mắn có được đàn yến tự nhiên lớn nhất đến trú ngụ trong nhà. Theo ông Mười Triết thì cách đây hơn 20 năm, bỗng nhiên có một đàn yến hơn 200 con bay về làm tổ và đẻ trứng trên các tầng lầu nhà ông. Tuy nhiên, lúc ấy do chưa hiểu biết gì nhiều về giá trị kinh tế mà đàn yến mang lại, ông cứ để cho chúng làm tổ, đẻ rồi bay đi. Mãi đến đợt thứ ba yến về làm tổ, lúc ấy ông mới biết được giá trị của yến sào nên bắt đầu quan tâm, chăm sóc và tu sửa, thiết kế lại nhà cửa theo đúng quy cách để phù hợp với tập tính sinh thái của loài chim yến. Đến nay đàn yến của ông đã phát triển nhiều vô kể, chúng đậu đen đặc các tầng nhà. Ông nói: “Nhờ đàn yến tự nhiên năm ấy mà đến nay tôi đã có được hai trang trại chăn nuôi và một mô hình nuôi chim yến chuyên nghiệp hơn rất nhiều, cuộc sống gia đình cũng khấm khá hơn”.
Tương tự như trường hợp của ông Mười Triết, anh Trần Văn Hậu, ở thị xã Gò Công cho biết: “Sau cơn bão số 2 vừa rồi có một đàn yến không biết từ đâu kéo nhau về làm tổ đầy kho trữ lúa nhà tôi, thấy chúng sinh sôi nảy nở ngày càng nhiều nên tôi cũng tự mày mò tìm hiểu đặc tính sinh trưởng của chúng, được chuyên gia tư vấn tôi đã thiết kế một ngôi nhà dành riêng cho chúng. Tôi bắt đầu nuôi thử nghiệm và kết quả thật bất ngờ, yến về ngày càng đông và sản lượng thu hoạch hàng năm cũng tăng dần theo sự đầu tư của mình”.
Nghề đang “hot”
Theo chúng tôi được biết hiện tại ở Gò Công người dân đang nuôi chim yến theo hai mô hình. Một là nuôi tự nhiên như đàn yến của ông Mười Triết và anh Hậu. Tuy nhiên, mô hình này rất hiếm có vì yến về tự nhiên không nhiều. Thứ hai là nuôi bằng phương pháp dẫn dụ bởi hiệu ứng âm thanh và các kỹ thuật mà Trung tâm Eka Vietnam hướng dẫn. Muốn thực hiện được phương án nuôi yến kiểu dẫn dụ thì người nuôi phải thiết kế, làm ngôi nhà mình sao cho đúng quy cách, rồi dùng máy phát ra âm thanh tiếng chim yến gọi bầy để dụ yến về. Anh Thái Trung Thành một người làm nghề sang đĩa tiếng dẫn dụ chim yến ở thị xã Gò Công cho biết: “Đĩa dẫn dụ này có tác dụng như một tiếng kêu gọi tình, gọi bầy đàn, khi yến ngoài tự nhiên nghe được tín hiệu từ nơi phát ra tiếng kêu chúng sẽ tự động tách bầy bay đến. Tuy nhiên, không phải lúc yến tách bầy là chúng định cư tại nơi đó ngay đâu mà chúng chỉ lướt qua để thám thính, sau đó chúng mới quay lại tìm chỗ “định cư” và sống với nhau thành bầy đàn. Chúng tôi đến nhà anh Trần Thành Long người nổi tiếng ở thị xã trong việc nhận thiết kế nhà nuôi yến cho người dân ở Gò Công. Anh dẫn chúng tôi vào hai căn phòng tối như bưng, bật đèn pin rọi lên trần nhà. Một căn phòng rộng khoảng vài chục mét vuông vậy mà nhẩm tính cũng phải tới hàng trăm con. Anh Long bật mí bí quyết: “Muốn nuôi yến thành công trước hết là phải có kỹ thuật dẫn dụ yến vào nhà, tiếp theo là phải tạo được môi trường thoáng mát, sạch sẽ và tuyệt đối yên tĩnh để yến làm tổ rồi phải có kỹ thuật bóc tách tổ yến khi thu hoạch (phải biết bóc tách sao cho tổ yến còn nguyên vẹn). Rồi những khung cây, ván ghép dành cho chim làm tổ phải mềm và không có mùi vị khác lạ vì yến làm tổ bằng chính nước bọt của mình, sau đó tự kéo ra thành sợi, chính vì thế chúng rất kỹ tính trong việc chọn vị trí để làm tổ. Với lượng chim yến hiện nay tôi có trong nhà, trung bình mỗi năm tôi lấy được trên 3 kg yến sào, cuộc sống tạm gọi là ổn”. Được biết, Tập đoàn Eka Indonesia đã lập một dự án xây dựng quy hoạch nuôi yến kiểu trang trại với nhiều ngôi nhà liền kề tại xã Long Bình (thị xã Gò Công) trình UBND tỉnh Tiền Giang để xin khai thác nguồn yến sào tại đây.
Chim yến nuôi tại nhà thuận lợi hơn, nguồn thức ăn tìm gần hơn, được người nuôi chăm sóc kỹ do đó chất lượng tổ rất cao và dày, mỗi năm lại đẻ đến 3-4 đợt… Chính vì lẽ đó nghề nuôi chim yến hiện nay đang là một nghề rất “hot” bởi lợi nhuận thu được rất cao.
Nghề nuôi chim yến và khai thác yến sào ở Gò Công hiện nay thật sự đang mở ra một hướng đi khá lạc quan cho những người nông dân nơi đây, cũng như tạo lực đẩy cho các ngành nghề dịch vụ khác phát triển bằng chính tiềm năng được khai thác từ thiên nhiên này.
Nguyễn Anh Tú
Bình luận (0)