Ông thường bảo: “Đàn ông yêu bằng mắt, đàn bà yêu bằng tai”, quả không sai. Như anh Khương đây, cũng vì say mê nhan sắc chị Nhung mà chỉ quen nhau được 3 tháng, anh đã nhanh nhảu cầu hôn chị. Bởi anh sợ nếu không “cưới vợ liền tay” thì kẻ khác sẽ cướp mất. Cũng chính vì sự quyết định vội vàng ấy mà anh đã trả cái giá quá đắt cho sự nông cạn của mình.
Chị Nhung đẹp. Hầu như ai cũng bảo thế. Anh Khương thuộc dạng gia đình giàu có, lịch lãm. Hai người quen nhau trong một lớp Anh ngữ ban đêm ở trung tâm. Chỉ mới học buổi đầu, ngồi gần chị Nhung là tim anh Khương đã đập thình thịch như đang dùng chất kích thích mạnh. Vốn có miệng ăn nói, ga lăng nên chỉ vài ngày quen thôi mà hai người đã thân hơn tình bạn. Rồi họ yêu nhau chóng vánh. Cưới nhau vội vã. Anh Khương đâu ngờ rằng chị Nhung là một nàng tiểu thư đỏng đảnh, chẳng biết làm gì.
Lấy nhau rồi, anh Khương mới nhận ra vợ mình tệ về mặt nữ công gia chánh, dở về phép xã giao với họ hàng. Anh Khương là con út trong gia đình nên tất nhiên khi về làm dâu, chị Nhung buộc phải quán xuyến chuyện nhà chồng. Nhưng suốt ngày chị chỉ biết xem phim, đọc tạp chí, chơi game trên điện thoại mà không làm gì. Thấy mẹ mình đưa cặp mắt khó chịu nhìn vợ, anh Khương mới nhắc vợ xuống bếp phụ người làm. Nào ngờ, điều đó càng tệ hại hơn. Chị Nhung chạm vào chén thì chén vỡ, nấu canh thì canh mặn, kho cá thì cá khét, ngay cả gọt bầu, bí, mướp bằng dao bào mà chị còn không biết làm. Thấy không ổn, anh Khương buộc vợ phải đi học một khóa nữ công gia chánh nhưng chị Nhung không đồng ý. Chị bảo với chồng là nên thuê người làm
Đối với gia đình nhà chồng, hầu như chị Nhung chẳng bận tâm trong việc lấy lòng họ. Ai đến chơi, dự tiệc trong nhà chị cũng mặc nhiên. Chị vẫn ngồi trên ghế salon phòng khách xem phim, giũa móng tay, hoặc vô tư ngồi ăn trái cây. Thậm chí khách mở miệng chào trước mà chị cũng không đáp lại. Anh Khương giận lắm, bảo vợ: “Em hư đến mức không biết lễ giáo, phép tắc sao? Người lớn mà lại là bà nội anh mà em cũng không thưa hỏi?”. Chị Nhung thản nhiên nói: “Người quen thì khách sáo làm gì!”. Đang cơn tức giận đến độ run người, anh Khương tát vào má vợ một cái đau như trời giáng. Cũng như câu chuyện trong các bộ phim tình cảm, chị Nhung ôm đồ về nhà mình. Khi đã về đến nhà, chị nhắn tin cho chồng: “Khi nào anh qua rước, tôi sẽ suy nghĩ lại là có nên về hay không”. Mấy ngày qua, vì quá nhớ vợ nên anh Khương định qua rước. Nhưng mẹ anh đã ngăn lại: “Nó đi được thì về được, đừng có nhu nhược như vậy. Nó sai chứ không phải con sai. Cái tát đó coi như là cảnh tỉnh nó”.
Nhiều đêm nằm gác tay lên trán suy nghĩ, anh Khương tự nhủ: “Phải chi ngày xưa mình tìm hiểu kỹ hơn hẵng quyết định kết hôn thì đâu có như thế này”. Giờ chỉ có cách dạy vợ lại từ đầu nhưng đó là cả vấn đề to lớn. Bởi “Dạy vợ từ thuở ban sơ mới về”. Anh chỉ hy vọng, với tình yêu, sự nhiệt tình của mình thì theo thời gian sẽ cảm hóa được cô ấy.
NGUYỄN HOÀNG DUY (Quận 5, TP.HCM)
Bình luận (0)