Những giờ thảo luận nhóm trong phương pháp dạy học theo DA của cô Đinh Thị Thiên Ân
|
Hướng học sinh (HS) về biển, đảo quê hương không còn là những tiết sinh hoạt ngoại khóa mà nhiều trường THCS trên địa bàn TP.HCM đã đưa nội dung này vào các tiết học chính qua hình thức dạy học theo dự án (DA). Đây là một phương pháp dạy học mới, không phải gói gọn trong một vài tiết mà kéo dài cả tháng, thậm chí là cả một học kỳ nên đã giúp HS có những kiến thức sâu sắc về vị trí chiến lược quan trọng của biển đảo trong việc bảo vệ chủ quyền và phát triển đất nước.
Hình ảnh biển, đảo qua những tiết dạy
Năm học vừa qua, hàng chục HS Trường THCS Tân Xuân (huyện Hóc Môn) đã có nhiều khám phá bổ ích về biển đảo quê hương thông qua DA “Phát triển bền vững kinh tế biển, đảo” do thầy Lê Thành Long, giáo viên (GV) môn địa lý thực hiện. Biển, đảo là nguồn tài nguyên phong phú mang lại những giá trị kinh tế to lớn cho con người nhưng nguồn tài nguyên này đang ngày càng bị suy giảm do ý thức bảo vệ chưa cao, đây chính là lý do để thầy Lê Thành Long thực hiện DA.
Không chỉ mang lại những giá trị kinh tế to lớn, biển, đảo còn là một vị trí chiến lược vô cùng quan trọng của quốc gia. Vậy nhưng, thời gian qua các vấn đề tranh chấp biển Đông giữa các nước trong khu vực đã làm hàng triệu người dân Việt Nam bức xúc. Điều này, càng làm GV thấy rõ việc giáo dục cho HS ý thức bảo vệ và giữ gìn biển, đảo là điều hết sức cần thiết. Thế là DA “Phát triển tình hình kinh tế biển và bảo vệ tài nguyên biển đảo” của cô Lê Thị Kim Ngọc (GV môn địa lý, Trường THCS Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn) đã ra đời. Cô Ngọc bộc bạch: “Tình hình tranh chấp chủ quyền trên biển Đông nước ta rất căng thẳng nên tôi thực hiện DA này, ngoài việc cung cấp kiến thức cần thiết cho HS thì rất mong qua việc tìm tư liệu để thực hiện DA, các em sẽ có những nhận thức đúng đắn về biển, đảo nước ta, qua đó các em thể hiện được tình yêu Tổ quốc của mình”.
Biển, đảo Việt Nam không chỉ có Hoàng Sa, Trường Sa mà còn hàng trăm vùng biển, đảo khác. Tất cả mọi nơi dù hoang sơ hay đã thành các khu du lịch hiện đại đều có những vẻ đẹp riêng, đều là vị trí chiến lược quan trọng của đất nước. Chính vì thế, cô Đinh Thị Thiên Ân (GV Trường THCS Lê Văn Tám, Q.Bình Thạnh) đã chọn tùy bút Cô Tô của tác giả Nguyễn Tuân (chương trình ngữ văn lớp 6) để thực hiện DA “Từ Cô Tô đến biển đảo Việt Nam”. Cô Ân thổ lộ: “DA không chỉ giúp HS hiểu và cảm nhận vẻ đẹp sinh động, trong sáng của những bức tranh thiên nhiên và đời sống của con người ở vùng đảo Cô Tô được miêu tả trong bài văn mà các em còn được khám phá thêm nhiều vị trí biển, đảo khác của Việt Nam. Từ đó, các em góp thêm tiếng nói của mình trong việc đưa ra một số giải pháp để giữ gìn và phát triển vùng biển, đảo…”.
Ý tưởng có sẵn nhưng để bắt đầu những tiết dạy học theo DA như thế này, GV sẽ mất một thời gian dài tìm hiểu bởi ngoài truyền đạt kiến thức tổng hợp chung, họ còn phải nâng cao các kỹ năng mềm cho các em. Họ đã mất gần hai tháng để viết kế hoạch bài dạy, phiếu khảo sát nhu cầu của HS trước và sau khi thực hiện DA, các tiêu chí đánh giá sản phẩm, đánh giá quá trình làm việc nhóm, thang điểm…
Cô Đinh Thị Thiên Ân chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất là việc bố trí thời gian cho HS. Làm DA cần phải thu thập và xử lý thông tin nên cần chia các em ra làm nhiều nhóm thực hiện. Ngoài ra, các em cần nhiều công cụ để phân tích và tổng hợp thông tin nên GV phải hướng dẫn để các em biết chắt lọc các thông tin đúng với yêu cầu của đề tài”.
Đối với HS ở nội thành, việc tìm kiếm thông tin, đặc biệt là các thông tin mang tính chiều sâu về biển, đảo quê hương là rất khó thì đối với HS ở các quận ngoại thành lại khó khăn hơn. “HS ở ngoại thành hoàn cảnh gia đình còn khó khăn, rất nhiều nhóm không có máy tính, kỹ năng sử dụng vi tính của các em còn yếu nên xử lý thông tin khá chậm. Còn đối với GV thì đây là một phương pháp mới, không có tài liệu đọc tham khảo nên chưa hình dung được sản phẩm khi hoàn tất như thế nào”, cô Kim Ngọc chia sẻ.
GV và HS sẽ mất rất nhiều thời gian để thực hiện thành công một DA. Tuy nhiên, bằng tình yêu quê hương, cộng với những nỗ lực trong phong trào đổi mới giáo dục, họ đã không quản khó khăn trong việc tìm tòi, sáng tạo để đưa đến những kiến thức bổ ích cho HS về biển, đảo quê hương.
Tổ quốc em đẹp hơn bao giờ hết
Sau một thời gian dài tìm hiểu, tổng hợp và phân tích các thông tin, HS đã đưa lại cho GV những sản phẩm độc đáo về phát triển biển, đảo quê hương mà chính GV cũng rất bất ngờ.
Những học trò mới chỉ lớp 6 của cô Thiên Ân không chỉ đưa ra các hình ảnh đẹp của đảo Cô Tô và phân tích những biện pháp sử dụng từ ngữ điêu luyện của nhà văn Nguyễn Tuân mà còn đưa ra rất nhiều hình ảnh nói về vẻ đẹp của các vùng biển khác trên mảnh đất hình chữ S này. Có nhóm ở đoạn cuối còn cắt một đoạn phim quy tụ hơn 180 ca sĩ và người dân hát về biển đảo quê hương vào DA khiến buổi tổng kết DA hết sức sinh động. Ngoài ra, DA còn là dịp để các em nói về những việc mình đã và sẽ làm trong phong trào ủng hộ Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu. “HS đóng vai những nhà kinh doanh du lịch, nhà sinh thái, hướng dẫn viên du lịch, nhà báo… trình bày thông tin cho HS lớp khác. Vì thế, DA truyền tải được cho rất nhiều HS thông điệp bảo vệ và yêu thương biển, đảo quê hương. Và có thể nói, qua mỗi tiết học, nhiều HS phải thốt lên rằng: Tổ quốc em đẹp hơn bao giờ hết!”, cô Thiên Ân đúc kết.
Còn ở DA của thầy Lê Thanh Long thì lại chia thành nhiều nhóm, các nhóm đã đóng vai các thành viên của Viện Phát triển bền vững vùng Nam bộ, Viện Dầu khí Việt Nam, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch và Viện Nghiên cứu hải sản tìm hiểu về hiện trạng và đề xuất rất nhiều giải pháp phát triển bền vững của các ngành kinh tế biển, đảo theo lãnh thổ.
Cũng giống như DA của thầy Long, DA của cô Kim Ngọc chia HS thành nhóm. Các em tự tìm hiểu và trình bày ý kiến của mình bằng việc sử dụng trình chiếu Powerpoint. Cô Ngọc nói: “Qua những hoạt động này, HS nắm sâu kiến thức về biển, đảo nước ta, qua đó sẽ có thái độ và hành động rất rõ để thể hiện tình yêu biển, đảo quê hương”.
Bài, ảnh: Dương BÌNH
Với mục đích và ý nghĩa thiết thực của những tiết học về biển, đảo quê hương qua phương pháp dạy học theo DA, DA của thầy Lê Thanh Long đã nhận được giải nhất, hai DA còn lại của cô Lê Thị Kim Ngọc và cô Đinh Thị Thiên Ân đã giành được giải A tại Hội thi dạy học theo DA do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức trong năm học vừa qua.
|
Bình luận (0)