Thời gian qua, có không ít ý kiến trao đổi, tranh luận của cộng đồng để có một bộ sách giáo khoa (SGK) mới tốt nhất trước việc lựa chọn SGK mới sử dụng cho học sinh lớp 1 năm học 2020-2021.
Giờ học của học sinh Trường TH Minh Đạo (Q.5, TP.HCM). Ảnh: P.N.Quang
Ngày 30-1, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã ký ban hành Thông tư số 01/2020/TT-BGDĐT về hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông. Hai tiêu chí mà thông tư đưa ra để lựa chọn SGK đó là: Phù hợp với đặc điểm kinh tế – xã hội của địa phương và phù hợp với điều kiện tổ chức dạy – học tại cơ sở giáo dục phổ thông. Như vậy, thông tư quy định rõ trách nhiệm của UBND cấp tỉnh là căn cứ hai tiêu chí lựa chọn SGK này, quy định cụ thể tiêu chí lựa chọn SGK phù hợp với cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn. Đồng thời, chỉ đạo sở GD-ĐT; UBND huyện/quận/thị xã/thành phố thuộc tỉnh tổ chức hướng dẫn, giám sát, kiểm tra các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn SGK theo quy định. Trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi xin đưa ra mấy suy nghĩ về tiêu chí lựa chọn SGK theo quy định của thông tư trên.
Điều quan trọng nhất khi chọn SGK là ta phải xác định được “Chọn sách cho ai?”. Câu trả lời đó là chọn cho học sinh và cho giáo viên – hai chủ thể sử dụng SGK. Với học sinh, SGK phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các em học tập tích cực và hiệu quả. Thứ nhất, nội dung SGK phải đảm bảo tính khoa học, hiện đại, thiết thực với đủ các thành phần cơ bản, dễ sử dụng, thuận lợi cho việc triển khai hoạt động dạy – học. SGK đảm bảo các yêu cầu cần đạt của chương trình; chú trọng đến việc rèn luyện cho học sinh khả năng tự học, tự tìm tòi kiến thức, bồi dưỡng phẩm chất, năng lực, vận dụng kiến thức thông qua giải quyết nhiệm vụ học tập đặt ra trong mỗi bài học. Thứ hai, cấu trúc SGK tạo cơ hội học tập tích cực, chủ động, sáng tạo, rèn kỹ năng hợp tác, phát huy tiềm năng và khả năng tư duy độc lập của học sinh. SGK được trình bày hấp dẫn, cân đối, hài hòa giữa kênh chữ và kênh hình, đảm bảo tính thẩm mỹ, tính phù hợp với lứa tuổi học sinh. Với giáo viên, SGK phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thầy cô đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá. Thứ nhất, các chủ đề/bài học trong SGK phải được thiết kế, trình bày bằng các hoạt động đa dạng, tạo điều kiện cho giáo viên có nhiều phương án lựa chọn hình thức tổ chức và phương pháp dạy học tích cực. Thứ hai, nội dung SGK tích hợp kiến thức nội môn và liên môn theo các chủ đề, giúp giáo viên có thể thực hiện dạy học gắn kết với thực tiễn cuộc sống; nội dung SGK với các yêu cầu cụ thể, giúp giáo viên có thể đánh giá được mức độ cần đạt về phẩm chất, năng lực của học sinh, cũng như đánh giá được kết quả giáo dục. Thứ ba, nội dung SGK tạo điều kiện để nhà trường, tổ/nhóm chuyên môn xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh phù hợp với kế hoạch giáo dục, hoạt động giáo dục của nhà trường theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
Điều quan trọng tiếp theo khi chọn là SGK phải phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Nghĩa là phải phù hợp với các yếu tố đặc thù của vùng miền, phù hợp với điều kiện đảm bảo chất lượng và kế hoạch giáo dục của địa phương. Thứ nhất, nội dung đảm bảo tính kế thừa, phù hợp với văn hóa, lịch sử, địa lý của địa phương và cộng đồng dân cư. Cấu trúc nội dung tạo cơ hội cho các trường, tổ/nhóm chuyên môn và giáo viên bổ sung những nội dung thích hợp gắn với thực tiễn của địa phương. Thứ hai, SGK phải có hệ thống bài tập gắn với thực tiễn của địa phương để giúp học sinh ôn tập, củng cố và phát triển năng lực, phẩm chất; gợi mở các hoạt động, tăng cường trò chơi, thi đố vui, đóng vai, nhóm đôi, thảo luận nhóm… Thứ ba, nội dung SGK đảm bảo tính mềm dẻo, tính phân hóa, có thể điều chỉnh phù hợp với nhiều nhóm đối tượng học sinh tại địa phương. Đảm bảo tính khả thi, phù hợp với trình độ của học sinh, năng lực của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục tại địa phương. Thứ tư, nội dung SGK có thể triển khai tốt với điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và các điều kiện dạy học khác tại địa phương; giúp nhà trường và giáo viên tự chủ, linh hoạt và sáng tạo trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục dưới sự hướng dẫn của các cơ quan quản lý giáo dục địa phương.
Phan Duy Nghĩa (Sở GD-ĐT Hà Tĩnh)
Bình luận (0)