Sự kiện giáo dụcTin tức

Yêu cầu đính chính số liệu và khoảng trống dự báo việc làm cho sinh viên

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Sau khi "chỉ mặt điểm tên" cá nhân, tổ chức có sai sót trong việc cung cấp thông tin về tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học thất nghiệp, Bộ GD&ĐT khẳng định đang triển khai hợp tác với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam để kết nối cơ sở dữ liệu giáo dục đại học với thông tin vị trí việc làm.

Trung tâm Truyền thông, Bộ GD&ĐT vừa có văn bản gửi đến các cơ quan báo chí về việc làm rõ một số số liệu từ Hội thảo "Hướng nghiệp suốt đời".

Yêu cầu đính chính số liệu và khoảng trống dự báo việc làm cho sinh viên ảnh 1

Theo Bộ GD&ĐT, ngày 8/10, Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực trực thuộc Bộ GD&ĐT phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức Hội thảo “Hướng nghiệp suốt đời – Gắn kết gia đình, nhà trường, người học, người lao động và doanh nghiệp trong kỷ nguyên 4.0”.

Thông tin về Hội thảo được đăng tải trên một số báo, trong đó có một số số liệu không được diễn giải đầy đủ, chính xác, gây hiểu lầm cho xã hội, ảnh hưởng tới giáo dục đại học và cao đẳng (ĐH, CĐ).

Bộ GD&ĐT cho biết trong phần trình bày và diễn giải một diễn giả tại sự kiện có nêu “Lao động có trình độ CĐ, ĐH trở lên thất nghiệp chiếm tỉ lệ 30,8%”.

Bộ GD&ĐT khẳng định đây là thông tin không cập nhật (năm 2020) và không chính xác.

Bộ GD&ĐT cho hay, số liệu của Tổng cục Thống kê tại Báo cáo điều tra lao động việc làm năm 2020, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn ra phức tạp, lực lượng lao động cả nước có khoảng 54,84 triệu người, trong đó có hơn 1,2 triệu người thất nghiệp (tương ứng 2,18%). Trong số 1,2 triệu người thất nghiệp, số người có trình độ CĐ, ĐH trở lên chiếm 30,8%, tức là khoảng 369.600 người.

Trong tổng số lao động của Việt Nam năm 2020, số người có trình độ ĐH trở lên chiếm 11,1% và số người có trình độ CĐ chiếm 3,8%, tổng cộng tương đương 8,17 triệu người. Như vậy, nếu theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2020, thì tỉ lệ người lao động có trình độ CĐ, ĐH trở lên thất nghiệp là 4,85%, chứ không phải là 30,8% như phần trình bày và diễn giải trong Hội thảo.

Mặt khác, cũng theo Bộ GD&ĐT, Trung tâm Hỗ trợ Đào tạo và Cung ứng nhân lực (đơn vị trực thuộc Bộ) đã cung cấp thông tin báo chí và báo cáo tại Hội thảo một số thông tin, số liệu không phản ánh đúng bản chất, không đảm bảo độ tin cậy và không có tính đại diện cho hệ thống giáo dục ĐH, CĐ về tình hình sinh viên làm việc đúng ngành nghề đào tạo (nguồn thông tin khảo sát, phương pháp xử lý dữ liệu, mẫu nghiên cứu khảo sát từ một khảo sát trên diện hẹp của một nhóm khảo sát độc lập).

Bên cạnh đó, khi khảo sát tình trạng việc làm của sinh viên tốt nghiệp cần làm rõ các ngành đào tạo của giáo dục ĐH khác với ngành nghề kinh tế – xã hội. Ví dụ, sinh viên tốt nghiệp ngành Toán hay Khoa học máy tính có thể làm ở bất cứ ngành nghề nào trong xã hội có ứng dụng toán hay khoa học máy tính.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, từ mùa tuyển sinh năm 2018, các trường ĐH phải công bố công khai tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau ra trường của các năm trước- nhằm làm căn cứ quan trọng cho chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm.

Vì vậy, việc đặt câu hỏi khảo sát sinh viên tốt nghiệp về việc làm đúng ngành nghề hay không rất dễ gây ra nhiều cách hiểu khác nhau và không cho kết quả tin cậy. Cách tiếp cận thông dụng trên thế giới là khảo sát sự phù hợp về trình độ chuyên môn của người tốt nghiệp với vị trí việc làm.

Bộ GD&ĐT đang triển khai hợp tác với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam để kết nối cơ sở dữ liệu giáo dục đại học với thông tin vị trí việc làm, khi hoàn thành sẽ cung cấp cho xã hội các thông tin tin cậy về tình trạng việc làm của sinh viên tốt nghiệp các trường đại học.

Bộ GD&ĐT đã có văn bản đề nghị diễn giả đính chính thông tin, đồng thời, chấn chỉnh, nhắc nhở Trung tâm Hỗ trợ Đào tạo và Cung ứng nhân lực nghiêm túc rút kinh nghiệm đối với những vấn đề nêu trên.

Trung tâm Hỗ trợ Đào tạo và Cung ứng nhân lực hoạt động thế nào?

Năm 1991, Bộ GD&ĐT đã thành lập Trung tâm Lao động – Hướng nghiệp để giúp Bộ trưởng chỉ đạo hoạt động lao động hướng nghiệp toàn ngành.

Năm 2009 Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ký Quyết định thành lập Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Lao động – Hướng nghiệp.

Nhiệm vụ chính của Trung tâm là hỗ trợ đào tạo và hỗ trợ cung ứng, xuất khẩu nhân lực.

Đến ngày 2/4/2018, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ký Quyết định số 1244/QĐ-BGDĐT ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực.

Theo đó, chức năng của Trung tâm là nghiên cứu, dự báo phát triển nguồn nhân lực trình độ ĐH trở lên và nhân lực ngành sư phạm; định hướng nghề nghiệp, việc làm cho học sinh, sinh viên; cung ứng nhân lực có trình độ ĐH trở lên; thông tin và truyền thông về tuyển sinh, hướng nghiệp, việc làm, đào tạo và sử dụng nhân lực.

Tuy nhiên, sau 4 năm được giao nhiệm vụ nghiên cứu và dự báo nhu cầu nhân lực, Trung tâm vẫn chưa có một nghiên cứu báo cáo nào xứng tầm. Tất cả những gì làm được mới chỉ dừng lại ở tập hợp báo cáo khảo sát việc làm cho sinh viên lấy nguồn từ chính các trường ĐH. Chính vì vậy, những số liệu mà Trung tâm đưa ra đều mang tính chung chung, không có chiều sâu, không đi vào cụ thể.

Ví dụ như thống kê của Trung tâm về việc làm của sinh viên tốt nghiệp năm 2020 cho thấy, có 9 lĩnh vực tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm đạt tỷ lệ từ 75% trở lên như Dịch vụ vận tải (89,2%); Nghệ thuật (85,4%); Thú y (85,2%). Kiến trúc và Xây dựng (79,6%); Sản xuất và Chế biến (79,5%); Toán và Thống kê (77,7%); Sức khỏe (76,7%); Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản (75,8); Khoa học sự sống (75,6%).

Nhưng do nguồn thống kê của Trung tâm đều dựa vào báo cáo việc làm sinh viên tốt nghiệp từ các trường ĐH nên chỉ bộc lộ được 1 góc nhìn ở phổ rộng là sinh viên có việc làm sau 6 tháng, 1 năm; chưa có đánh giá chi tiết, cụ thể làm đúng ngành hay trái ngành.

Trong khi đó, rất nhiều trong số này lại nằm trong nhóm những ngành sinh viên tốt nghiệp làm trái ngành cao hơn trung bình và thậm chí là cao vọt từ 60% trở lên mà nhóm nghiên cứu của Trường Quốc tế, ĐH Quốc gia Hà Nội đã chỉ ra như ngành Toán, ngành Nông, Lâm và Thủy sản, Thú y, hay như Kiến trúc và Xây dựng, Nghệ thuật.

Như vậy, có việc làm sau tốt nghiệp không có nghĩa là sinh viên được làm đúng ngành.

Hơn nữa, theo khảo sát của phóng viên, số liệu sinh viên tốt nghiệp phản hồi về cho một số trường chiếm tỷ lệ không đủ lớn.

Đơn cử như số liệu công bố công khai của Trường ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TPHCM cho thấy, năm 2020, tỷ lệ sinh viên phản hồi so với số sinh viên tốt nghiệp nhiều ngành chưa được 10% như ngành Kỹ thuật Xây dựng, Kỹ thuật Hệ thống Công nghiệp, Hóa học từ 6 – 6,25%; Công nghệ Thông tin 8,33%. Tỷ lệ sinh viên phản hồi chung của toàn Trường đạt trên 20%.

Trong Đề án tuyển sinh của các Trường ĐH đều có công khai tỷ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp hằng năm. Tỷ lệ này đều rất cao nhưng nó được tính toán dựa trên số liệu như thế nào thì chỉ có trường ĐH mới biết. Ví dụ như Trường ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TPHCM, số sinh viên tốt nghiệp phản hồi về việc làm chỉ đạt trên 20% sinh viên tốt nghiệp năm 2020 nhưng tỷ lệ sinh viên có việc làm trong số 20% này lại lên đến trên 91%.

Theo Nghiêm Huê/TPO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)