Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Yêu cầu Google, Facebook đặt máy chủ ở Việt Nam: Nên hay không?

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 23/11, Quốc hội thảo luận về Luật An ninh mạng với sự đối đáp tranh luận nảy lửa về quy định các nhà cung cấp dịch vụ mạng, đặc biệt với Google, Facebook phải đặt cơ quan đại diện, máy chủ tại Việt Nam.

Là người cho ý kiến đầu tiên, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu – Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An đặt câu hỏi: Quy định trong dự thảo luật có ảnh hưởng đến quyền tiếp cận thông tin của nhân dân không? Liệu có tạo ra rào cản thương mại, cản trở hoạt động kinh doanh, cũng như cản trở người dùng hay không?

Theo ông Nguyễn Hữu Cầu, các doanh nghiệp nước ngoài thu lợi nhuận ở Việt Nam thì phải bình đẳng như các doanh nghiệp khác. Hiện nay 14 nước trên thế giới như Mỹ, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc… đã yêu cầu các nhà mạng thực hiện nhiệm vụ này.

“Chúng ta chỉ yêu cầu đặt máy chủ, quản lý người dùng Việt Nam chứ không phải đặt toàn bộ máy chủ chứa dữ liệu, vì máy chủ dữ liệu cung cấp cho nhiều quốc gia, chứ không chỉ cho một nước cụ thể. Vì sao các nước làm được mà chúng ta thì không?”, ông Cầu đặt câu hỏi.

Google, Facebook đặt máy chủ ở Việt Nam - ảnh 1
Đại biểu Nguyễn tHỊ Kim Thúy. Ảnh Như Ý

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) lại cho rằng, việc ban hành quy định nhà cung cấp dịch vụ mạng phải đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ nước Việt Nam là “trái cam kết” của Việt Nam với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Hiệp định Thương mại tự do EU – Việt Nam.

Nữ đại biểu đoàn Đà Nẵng cho rằng, mạng internet là không gian có khả năng diễn ra hành vi xâm phạm an ninh quốc gia. Tuy nhiên, nếu có riêng một luật về an ninh mạng thì an ninh trong nhiều lĩnh vực khác an ninh hàng không, an ninh lương thực, an ninh môi trường… cũng phải được điều chỉnh bằng luật riêng.

Tranh luận lại các quan điểm này, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) ủng hộ quan điểm của đại biểu Thủy, phản đối cách nhìn nhận của ông Cầu. Bởi nếu bắt người ta đặt máy đấy nhưng người ta không sử dụng, hay sử dụng những công nghệ đám mây thì chúng ta làm gì được? Nếu chúng ta quản lý cứng nhắc, hiệu quả không được bao nhiêu, nhưng hình ảnh hội nhập sáng tạo của Việt Nam trên thế giới chắc chắn bị ảnh hưởng.

“Đừng thấy những con số hàng trăm triệu USD quảng cáo không thu được thuế là chúng ta đã bị mất hoàn toàn. Vì những quảng cáo ấy, những thông tin bổ ích mà hàng ngày mạng xã hội mang lại là một bộ phận rất quan trọng trong sự phát triển của kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống xã hội, dân trí của người dân Việt Nam, góp phần xây dựng một Chính phủ sáng tạo, hành động và liêm chính”, ông Hiếu cho hay

Tranh luận lại phần tranh luận này cũng như quan điểm của đại biểu Thúy, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu phản biện rằng, chúng ta có thể phạt nặng đến 5 nghìn, hoặc thậm chí 50 nghìn USD cho những thông tin sai sự thật. Trong thực tế, chúng tôi là những người làm án, khi các đối tượng phạm tội dùng địa chỉ IP ở nước ngoài tấn công, lừa đảo thì chúng ta không biết họ là ai, yêu cầu nhà mạng cung cấp, họ không cung cấp, như vậy chúng ta tịt toàn bộ vụ án.

LUÂN DŨNG/ TPO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)