Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Yếu chi, đừng chủ quan

Tạp Chí Giáo Dục

Rất nhiều người nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, thậm chí có nguy cơ tử vong. Điều đáng nói ở đây là tất cả các bệnh nhân này đều có triệu chứng ban đầu là yếu chi… Theo đó, các bác sĩ khuyến cáo người dân khi có dấu hiệu yếu chi thì không nên chủ quan mà cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt.


Một ca phẫu thuật tại Bệnh viện TP.Thủ Đức (TP.HCM)

Mới đây, Bệnh viện (BV) TP.Thủ Đức (TP.HCM) đã tiếp nhận trường hợp bệnh nhân nữ (SN 1977) nhập viện trong tình trạng yếu nhẹ nửa tay chân bên trái, kèm nói đớ. Tình trạng yếu của bệnh nhân ổn định đến chiều cùng ngày thì đột ngột yếu hoàn toàn tay chân nửa người bên trái, không nói chuyện được. Các bác sĩ Khoa Nội thần kinh đã cấp cứu kịp thời bằng phương pháp lấy huyết khối tắc mạch máu não, đồng thời nong và đặt stent cấp cứu thành mạch máu não bị bóc tách. Sau 2 tiếng được phẫu thuật cấp cứu bệnh nhân đã hồi phục ngay trên bàn phẫu thuật; ngày hôm sau, người bệnh đã đứng và ngồi được.

BS.CKI Trần Nguyễn Khánh – Phó Trưởng khoa Nội thần kinh BV TP.Thủ Đức – cho biết: “Khi người dân có các biểu hiện của đột quỵ, ngay cả khi là biểu hiện nhẹ cũng nên đi khám để các bác sĩ thăm khám, theo dõi, tiến hành can thiệp kịp thời để tránh trường hợp nguy kịch hoặc không kịp cấp cứu trong thời gian vàng khi bệnh tiến triển xấu”.

Cũng theo BS Khánh, đột quỵ là căn bệnh gây tử vong đứng hàng thứ ba và để lại nhiều di chứng gây nên tàn tật, ảnh hưởng đến người bệnh nói riêng, cũng như chất lượng cuộc sống của người thân nói chung. Đột quỵ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và ngày càng trẻ hóa. Có nhiều yếu tố nguy cơ gây đột quỵ nhưng nguyên nhân gây đột quỵ não thường xuất phát từ các yếu tố như: huyết áp cao, bệnh tim, bệnh tiểu đường, thừa cân béo phì, hút thuốc lá và di truyền.

“Bệnh nhân đột quỵ thường xuất hiện đột ngột các triệu chứng như méo miệng; yếu liệt tay chân, đặc biệt yếu, liệt một bên; giọng nói bất thường, nói không thành câu hoàn chỉnh; đau đầu; chóng mặt… Khi có các triệu chứng này cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất có khả năng xử trí và cấp cứu đột quỵ”, BS Khánh khuyến cáo.

Trước đó, Khoa Nội thần kinh cũng tiếp nhận người bệnh Đ.T.K (SN 1965) nhập viện trong tình trạng yếu tứ chi. Trước khi nhập viện, người bệnh có biểu hiện đau lưng nhưng sau khi xoa bóp tại nhà đã hết đau. Sáng hôm sau, khi đi thể dục, người bệnh yếu nhẹ 2 chân, biểu hiện không rõ ràng; đến chiều 2 lòng bàn chân và các ngón tay tê, yếu nhẹ nên đã đi khám. Sau 2 ngày nhập viện, người bệnh bắt đầu thấy yếu dần tay chân, triệu chứng tăng dần và được chẩn đoán mắc hội chứng Guillain Barré (GBS). Sau đó người bệnh thở mệt, nuốt sặc, nói khó, sức cơ 3/5 tứ chi, không đi lại được nên được đặt sonde dạ dày nuôi ăn và chuyển Khoa Hồi sức tích cực chống độc để tiến hành lọc máu thay huyết tương, tiếp tục theo dõi tình trạng diễn biến.

Hai tuần sau, người bệnh được mở khí quản vì còn yếu cơ hô hấp, yếu cơ tứ chi nhưng hiểu biết xung quanh. Sau 2 tháng tập vật lí trị liệu kết hợp điều trị các biến chứng do nằm viện khác như viêm phổi, nhiễm trùng tiểu, người bệnh được xuất viện, tỉnh táo, đã đi lại được dù còn yếu.

Theo BS Khánh: “Mặc dù nguyên nhân của hội chứng GBS chưa được biết rõ nhưng nó liên quan nhiều đến tự miễn. Trong khoảng 2/3 số người bệnh, hội chứng GBS khởi phát từ ngày thứ 5 đến tuần thứ 3 sau khi mắc một bệnh truyền nhiễm, phẫu thuật hoặc tiêm vắc-xin. Có một số trường hợp bệnh được cho là liên quan đến tiêm vắc-xin trong chương trình tiêm vắc-xin cúm lợn năm 1976. Ở một số người bệnh, hội chứng GBS đã phát triển sau khi nhiễm virus Zika hoặc sau Covid-19”.

Hội chứng GBS là bệnh cấp tính, tiến triển nhanh, đặc trưng bởi quá trình viêm tự miễn với viêm đa rễ dây thần kinh, gây ra yếu cơ và giảm cảm giác nơi thần kinh chi phối. Nguyên nhân gây ra bệnh liên quan đến tự miễn, chẩn đoán dựa vào lâm sàng.

Các bác sĩ khuyến cáo, đối với hội chứng GBS, việc chẩn đoán và điều trị sớm là rất quan trọng. Khi phát hiện đột nhiên bị yếu tứ chi sau khi mắc một bệnh truyền nhiễm, phẫu thuật hoặc tiêm vắc-xin thì người bệnh nên đến BV để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ giúp người bệnh nhanh chóng phục hồi, tránh di chứng tàn tật về sau.

Hòa Triều

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)