Sáng dừng xe trước cổng trường, tôi nhìn thấy một phụ huynh chở con tới trường, người mẹ nhẹ nhàng gỡ chiếc mũ bảo hiểm ra giúp con, còn đứa con tay vẫn cầm chiếc smartphone cười khúc khích. Người mẹ nhắn với theo con phải ngoan và học bài tốt, trưa nhớ ăn cơm ở căng tin trường đừng ra ngoài ăn vặt. Cô con gái vẫn không trả lời, ung dung bước vào cổng trường! Chẳng biết chị nghĩ gì khi con gái không một tiếng thưa chào mẹ, cũng chẳng buồn quan tâm xem mẹ dặn dò điều gì, cũng không ngẩng đầu nhìn mẹ hay một ánh mắt hàm ơn mẹ.
Một trường hợp khác là người anh “gà trống nuôi con” mà tôi quen, vợ anh bất đồng với chồng rồi bỏ về quê để lại cho anh đứa con nhỏ. Anh tuy là thợ hồ, kiếm ăn vất vả nhưng không thiếu một khoản tiền đóng góp nào cho nhà trường với lý do “không để con xấu hổ vì nhà nghèo”, cũng gắng cho con chiếc smartphone để tiện liên lạc, không phải liên lạc giữa cha – con mà là giữa bạn bè của con. Anh tâm sự, nhà neo đơn nên thiếu thốn tình cảm, có gì tốt đẹp nhất đều cho con, mong mọi người yêu thương nó và thật tình mọi người cũng cảm thông cho cha con anh, hàng xóm đùm bọc sẻ chia. Nhưng đứa trẻ chẳng hiểu điều đó là sự sẻ chia mà mặc nhiên cho rằng đó là điều hiển nhiên mà cha mình phải ban cho, vô tư sử dụng lòng tốt từ mọi người mà không biết cảm ơn và trân trọng, nhiều khi có thái độ không tốt với người trên tuổi.
Đến đây tôi nhớ đến câu chuyện về chàng Augustus mà văn hào người Đức Hermann Hesse từng đạt giải Nobel Văn học 1947 viết. Chuyện rằng Augustus mồ côi cha khi chưa chào đời, mẹ chàng sống trong nỗi đơn chiếc, không gì đẹp đẽ trên đời mà bà không dành nghĩ tới con. Khi được một điều ước từ một ông lão quyền năng ban, bà đã bối rối và băn khoăn không biết nên xin điều gì, sau cùng bà không thấy điều ước nào hợp lý hơn là “Mẹ cầu mong là tất cả mọi người đều phải yêu thương con” và thời gian sau lời nguyện ước được thực hiện, ai ai cũng yêu quý và tha thứ cho Augustus dù chàng có làm sai và phạm lỗi. Nhưng càng lớn các việc làm của Augustus càng tệ mà không bị trừng phạt, mẹ chàng buồn lòng sầu khổ, mệt mỏi khi mọi người khen ngợi con mình. Nhưng lời ước của mẹ đã làm chàng đau khổ vì cuộc sống có quá nhiều điều tốt đẹp và dư thừa, chàng ngán ngẩm ngày tháng thiên vị mọi người dành cho mình. Cuối cùng Augustus muốn hủy điều ước mà mẹ đã xin và trở lại đúng con người mình, từ đó chàng chịu đựng đắng cay tủi nhục như bao người khác và hơn thế nữa, những người trước đây yêu thương chàng nay trở mặt khinh bỉ, trả thù khi Augustus trắng tay, nghèo khó. Cũng từ đó, Augustus biết yêu thương người khác hơn là được người khác yêu thương, trân trọng người khác dù họ khinh chê con người lụy tàn của mình. Kết thúc câu chuyện là lời hối hận vì đã ban một điều ước không phù hợp của ông lão quyền năng, và như mong muốn của người mẹ trước lúc chết là nếu có thể hãy cho Augustus phải biết yêu thương mọi người.
Vâng, cha mẹ nào cũng muốn con mình được người khác yêu thương, cũng muốn nhiều thứ tốt đẹp đến với con mình, nhưng tính cách con cái phải có định hướng khoa học từ cha mẹ, đó là cha mẹ dùng lý trí để chỉ dạy con, đừng quá yêu con một cách cảm tính. Hơn hết, phải cho trẻ tập yêu thương người khác như chính bản thân mình, cho trẻ va chạm trong môi trường sống nhiều hoàn cảnh của trẻ khác để có kỹ năng thấu hiểu từng người bạn hơn.
Nguyễn Minh Thanh
Bình luận (0)