Với khoảng hơn 100 bức ảnh chụp trong vòng 50 năm, đan xen khung cảnh của ký ức và hiện tại về tiến trình phát triển của thành phố bên bờ sông Hàn, nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Ông Văn Sinh không chỉ kể câu chuyện lịch sử về Đà Nẵng bằng hình ảnh. Mà mỗi bức ảnh được lưu lại là một câu chuyện về mảnh đất, con người Đà Nẵng dưới góc nhìn của một người yêu quê hương mình tha thiết.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Ông Văn Sinh vừa ra mắt cuốn sách ảnh “Đà Nẵng – Ký ức và Hiện tại” với hơn 100 bức ảnh về Đà Nẵng 50 năm trở lại đây
Ký ức và hiện tại
Trung tuần tháng 6, NSNA Ông Văn Sinh đã ra mắt tập sách ảnh: “Đà Nẵng – Ký ức và hiện tại”. Hơn 100 bức ảnh được chia thành hai chủ đề: Ký ức và Hiện tại cùng với chú thích cụ thể mốc thời gian, địa điểm. Phần ảnh về ký ức, đa phần ông Sinh ghi lại bằng chất liệu ảnh đen trắng. Mỗi bức ảnh là một câu chuyện kể về một thời, gợi lại ký ức thân thương của những ai từng gắn bó với mảnh đất bên bờ sông Hàn. Ký ức là những làng biển, những mái nhà chồ bên chân sóng, nhịp sóng miền biển bãi ngang của ngư dân làng chài… Ông Sinh nói: “Có nhiều bức ảnh tôi chụp những năm của thập niên 70, 80, thuộc thế kỷ trước. Sau ngày giải phóng, Đà Nẵng vẫn còn mang đậm dáng dấp của những làng biển. Ngày ấy, Sơn Trà còn cách trở với quận Nhất. Đôi bên bờ sông Hàn, nhiều ngôi nhà chồ mọc lên với nhiều thế hệ sinh sống. Lối đi được kê bằng những tấm ván. Đời sống tạm bợ và thiếu thốn”. Ông Sinh dành khá nhiều không gian cho những bức ảnh về đời sống trong những ngôi nhà chồ trên mặt nước. Người xem như được hoài niệm về những tháng ngày xưa cũ. Nơi nhịp sống đằm trôi với khung cảnh những đứa trẻ ngồi bên hiên nhà lật từng trang vở tập viết, bên cạnh là người phụ nữ vá lưới hoặc lo bữa cơm chiều, người đàn ông tựa lưng vào vách ván ngóng về phía mặt sông và phía dưới chân cột nhà cắm sâu trong bùn nước là con đò gỗ, nan đang neo đậu cứ dập dềnh theo sóng.
Ngư dân đẩy thuyền ra biển chuẩn bị vươn khơi được Ông Văn Sinh chụp từ thập niên 80
Ông Sinh nhớ lại, hồi ấy, Đà Nẵng còn nghèo, nhà cửa còn tuềnh toàng. Ở trung tâm quận Nhất (bây giờ là quận Hải Châu) lác đác có các ngôi nhà 2 tầng. Hai tòa nhà cao nhất Đà Nẵng thời bấy giờ là Nhà thờ Con Gà (nằm trên đường Trần Phú, gần chợ Hàn) và chùa Tam Bảo (ở đường Phan Châu Trinh). Cả hai đều thuộc quận Nhất. Không cần đến những lời chú thích dài dòng, chỉ cần nhìn qua bức ảnh, Ông Văn Sinh kể cho tôi nghe về lai lịch, địa điểm, thời gian một cách thật chi tiết. Chỉ tay vào một chiếc thuyền chở 2 cây mai sang sông, ông bảo: “Bức ảnh này tôi đặt tên là “Mùa xuân sang phố”. Đó là những ngày cận Tết của hơn 30 năm về trước, khi việc qua lại đôi bờ sông Hàn chưa có cầu, phải di chuyển bằng thuyền, phà. Bà con chở mai sang bán Tết để lấy tiền mua sắm các thứ cần thiết đón một năm mới sắp tới. Bây giờ mỗi năm khi mùa xuân về, các chợ hoa Tết mở ra rất nhiều, người bán mai cũng nhiều nhưng tôi vẫn có cảm xúc khó tả khi nhìn ngắm bức ảnh này. Một điều gì đó thân thương và gần gũi đến kỳ lạ”.
Ảnh của ông Sinh được Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội Đà Nẵng sử dụng làm tư liệu. Bảo tàng Đà Nẵng cũng sử dụng để tái hiện là mô hình nhà chồ hai bên bờ sông Hàn một thuở. Gần 70 tuổi, hơn 50 năm gắn bó với chiếc máy ảnh, kho ảnh của NSNA Ông Văn Sinh dường như vô giá trước biến thiên của thời gian, năm tháng. Lặng thầm nhưng có một tình yêu Đà Nẵng như thế của NSNA Ông Văn Sinh. |
Phần ảnh mang tên hiện tại, ông Sinh chọn cách trình bày đối sánh về các địa điểm xưa và nay. Các bức ảnh chụp bằng panorama để miêu tả cái tổng thể. Nhìn vào đó, dễ dàng nhận thấy sự đổi thay của một vùng đất thông qua những cây cầu bắc ngang dòng sông Hàn. Hoặc bức ảnh về cuộc sống, nhà cửa sầm uất trên toàn thành phố. Ông Sinh bảo: “Mình vui với sự phát triển của quê hương nhưng ký ức luôn là một phần đẹp trong đời. Vì vậy, tôi đã đặt tên này cho cuốn sách của mình mang ý nghĩa này”.
Yêu Đà Nẵng qua từng khoảnh khắc
Nhiều khung cảnh trong các tấm ảnh của ông Sinh bây giờ đã đổi thay. Khoảnh khắc được lưu lại với người yêu Đà Nẵng vì thế càng quý giá. “Ngày đó chủ yếu chụp ảnh film. Tôi chụp về, tự tay tráng film để có được bức ảnh vừa ý. Nhưng thời gian, nhiều thứ không thể lưu giữ. Phim phần lớn mờ và vỡ nét ảnh. Tôi phải cất giữ bằng cách scan ảnh để lưu. Ảnh được lưu nhiều nơi, từ ổ đĩa, máy tính… Việc giữ ảnh rất vất vả nhưng vì yêu Đà Nẵng, tôi quyết tâm tìm cách lưu lại những bức ảnh đẹp, những hoạt động, những địa danh… như một phần ký ức đẹp của mình. Sau này, công nghệ hiện đại, mình có nhiều phương tiện để giữ ảnh hơn”, ông Sinh kể.
Bức ảnh những đứa trẻ mải mê bên tập vở trên nhà chồ ven sông Hàn của ông Sinh
NSNA Ông Văn Sinh làm quen với nghề chụp ảnh năm 16 tuổi. Đó là thời điểm năm 1968, ông được gia đình đồng ý cho khăn gói từ vùng quê Phong Lệ của huyện Hòa Vang về quận Nhất (Đà Nẵng) để học nghề. Sau giải phóng, ông công tác tại Sở VH-TT tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng với nhiệm vụ chụp ảnh tuyên truyền, tư liệu. Ông Sinh bảo, nhờ đó việc chụp ảnh đối với ông có phần được dễ hơn. Sau ngày nghỉ hưu, ông vẫn miệt mài đi khắp nơi để thỏa niềm đam mê chụp ảnh của mình. Ngoài cuốn sách “Đà Nẵng – Ký ức và Hiện tại” vừa ra đời, năm 2011, cuốn sách “Đời nón đời người” đã được ông xuất bản. Đó là chưa kể, ông từng có nhiều triển lãm, trong đó có triển lãm ảnh về cây xương rồng – một loài cây thân thuộc với người nông dân miền Trung, một thời được trồng làm bờ rào, bờ ruộng…
“Sự đổi thay luôn mang đến cho đời sống nhiều tiện nghi nhưng sinh ra và lớn lên ở làng quê, tôi vẫn yêu những gì xưa cũ mà thân thuộc một thời. Vì vậy, tôi muốn lưu giữ lại những khoảnh khắc mình bắt gặp trên quê hương mình”, NSNA Ông Văn Sinh bộc bạch.
Phan Lệ
Bình luận (0)