Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Yếu đuối dễ thành nạn nhân của bạo lực

Tạp Chí Giáo Dục

“Yếu đuối dễ trở thành nạn nhân của bạo lực. Hung bạo dễ trở thành người gây tội ác”. Ông Trần Việt Quân – Câu lạc bộ Dạy con nên người –  đã khái quát điều này tại tọa đàm “Giáo dục hóa giải bạo lực” vừa được Trường Tiểu học, mầm non Quốc tế Tuệ Đức (Pathway International School) tổ chức.

Một phụ huynh tỏ ra lo lắng và bối rối khi con mình liên tục bị nhóm bạn bắt nạt. Thực tế đây cũng là vấn đề gặp phải của nhiều học sinh khác. Ông Quân cho rằng, một đứa trẻ đã yếu đuối trong thời gian dài khó có thể đột nhiên bản lĩnh, mạnh mẽ để ứng phó với trường hợp bị bạn bè bắt nạt. Vì vậy, việc cha mẹ cùng con giải quyết vấn đề bị bắt nạt chỉ là giải pháp trước mắt, về lâu dài cần rèn cho trẻ cách sống không yếu đuối.

Khẳng định giáo dục gia đình có ảnh hưởng lớn hơn cả trường lớp vì gia đình chính là nơi hình thành nhân cách trẻ thế nhưng ông Quân còn chỉ ra một thực tế đáng buồn khác. Đó chính là hiện tượng nhiều bậc cha mẹ vì quá bận rộn mà giao con cái cho người giúp việc, thậm chí cho… ti vi, iPad. Họ quá thương, nuông chiều và đáp ứng mọi nhu cầu của con. Trẻ vì thế không biết làm gì, hễ gặp khó khăn là dễ dàng bỏ cuộc, đỗ lỗi. Khi ra đời, các em dễ lệ thuộc người khác, yếu đuối và bị bắt nạt.

Bên cạnh đó, phần lớn các bậc cha mẹ ở nước ta thường quá kỳ vọng ở con. Họ mong muốn con giỏi nhất, giỏi nhiều và chính điều này tạo áp lực cho trẻ. Các em cố học như cái máy để đạt thành tích cao. Một khi không đạt thành tích mong đợi thì tự ti, về lâu dài, dễ suy sụp khi gặp chướng ngại.

ThS. tâm lý Nguyễn Thị Tâm – Giám đốc Công ty Ứng dụng tâm lý Khoa học Hồn Việt – cũng đồng quan điểm khi cho rằng, giáo dục từ gia đình là nền tảng, quyết định lớn đến tương lai của trẻ. Những năm đầu đời, trẻ như “tờ giấy trắng”, mọi hành vi sẽ lệ thuộc nhiều vào cha mẹ và các thành viên khác trong gia đình. Nếu bỏ bê yêu thương, dạy dỗ, tâm hồn trẻ sẽ bị “khuyết tật”. ThS. Tâm nhấn mạnh thêm vai trò của nhà trường trong giáo dục, hình thành nhân cách trẻ. Theo bà Tâm, thầy cô không chỉ truyền đạt trẻ kiến thức mà còn định hướng lối sống, dạy những giá trị đạo đức nhân văn. “Khi giáo dục không dựa trên các giá trị đạo đức, sẽ tạo ra những kẻ lập dị trong xã hội” – ThS. Tâm nói.

Đối với việc nuôi dạy con cái, nhất là để giảm trừ bạo lực, ông Quân hướng các phụ huynh đến phương pháp giáo dục “3 gốc rễ” gồm: Đạo đức – trí tuệ – nghị lực. Phương pháp này được đúc kết từ tinh túy của 3 quan điểm giáo dục lớn trên thế giới là “tư duy đột phá” của phương Tây, “đạo đức đi đầu” của phương Đông và “nghị lực thép” của Nhật Bản. Nghị lực cho trẻ vượt qua yếu đuối, đạo đức giúp vượt qua hung bạo và trí tuệ giúp bé biết cái đúng để theo, cái sai để bỏ.

Mê Tâm

Bình luận (0)