Vừa qua, chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức đã diễn ra tại Trường THPT Trần Khai Nguyên và Trưng Vương (TP.HCM). Tại đây, hầu hết học sinh đều quan tâm đến cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp ĐH.
Học sinh Trường THPT Trần Khai Nguyên tìm hiểu thông tin ngành nghề tại các trường tham gia chương trình |
Chọn ngành dựa vào đam mê
Em Tú Trân (lớp 12A6 Trường THPT Trần Khai Nguyên) đặt câu hỏi cho đại diện Trường ĐH Văn Lang: “Em muốn học ngành ngôn ngữ Anh để có thể đi dạy học nhưng không biết trường có đào tạo chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm cũng như giới thiệu việc làm cho tân cử nhân không. Hiện nay số lượng người thất nghiệp rất đông khiến chúng em hết sức lo lắng”.
Trả lời câu hỏi này, bà Nguyễn Thị Mến (đại diện Trường ĐH Văn Lang) cho hay: Ngôn ngữ Anh là ngành duy nhất của trường đào tạo nghiệp vụ theo định hướng sư phạm để tân cử nhân có thể giảng dạy và định hướng thương mại làm việc tại các công ty. Đối với chứng chỉ sư phạm, sinh viên sẽ được thực tập, giảng dạy 3 tháng tại các trường. Tuy nhiên nhà trường sẽ không giới thiệu việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Chỉ duy nhất ngành kỹ thuật nhiệt, 100% sinh viên tốt nghiệp sẽ có việc làm.
“Để tìm được việc làm phù hợp là dựa vào năng lực chuyên ngành, các kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, tác phong – kỷ luật, tin học, ngoại ngữ… của bản thân đã được học trong suốt 4 năm ĐH. Theo kết quả khảo sát tháng 6-2015, 94,3% sinh viên ngôn ngữ Anh của trường tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp với mức lương khởi điểm 6-8 triệu đồng/tháng”, bà Mến cho biết.
Không đáp ứng được yêu cầu công việc và kỹ năng doanh nghiệp đề ra là nguyên nhân lớn khiến nhiều cử nhân thất nghiệp. |
Lo lắng thất nghiệp là nỗi niềm chung của hầu hết học sinh. Thậm chí nhiều học sinh nghe đồn học ngành này, ngành kia thất nghiệp khiến còn lưỡng lự trong chọn ngành bản thân yêu thích mà không chịu tìm hiểu kỹ ngành học lẫn nhu cầu xã hội. Đơn cử như em Nguyễn Tuấn (lớp 12 Trường THPT Trưng Vương) chia sẻ rất thích ngành tài chính ngân hàng nhưng nghe nói ngành này thất nghiệp rất nhiều khiến em băn khoăn. ThS. Trương Tiến Sĩ (đại diện Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM) cho rằng đây là sự lầm tưởng của không ít người. Tài chính ngân hàng là ngành rất rộng, người học sẽ làm việc ở nhiều đơn vị cơ quan từ công ty tư nhân đến cơ quan Nhà nước, nước ngoài bởi nhu cầu ngành này rất lớn. Bất kỳ cơ quan nào cũng cần đến nhân viên am hiểu về tài chính, tiền tệ để tư vấn, xây dựng các kế hoạch phát triển… Ngoài Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, còn rất nhiều trường ĐH khác cũng tham gia đào tạo ngành này.
Liên quan đến cơ hội việc làm, ThS. Phan Viết Thế (đại diện Hệ thống đào tạo lập trình viên quốc tế – Aptech) nhấn mạnh thêm: Không đáp ứng được yêu cầu công việc và kỹ năng doanh nghiệp đề ra là nguyên nhân lớn khiến nhiều cử nhân thất nghiệp. Riêng CNTT là ngành phát triển bậc nhất Việt Nam, nhu cầu tăng 47% mỗi năm nhưng chỉ khoảng 8% đáp ứng. Đến 70% tân cử nhân đi làm bị đào tạo lại, trong đó 40% thiếu kiến thức chuyên ngành, kỹ năng mềm, ngoại ngữ… Điều này một lần nữa nhắc nhở học sinh trước khi chọn ngành, phải xem bản thân có thực sự đam mê, năng lực có đáp ứng được không để tránh mất thời gian, tiền bạc học tập. Trong quá trình học nên chuyên tâm rèn luyện kỹ năng, ngoại ngữ.
Không dùng chứng chỉ ngoại ngữ để xét tuyển đầu vào
Đây là thông tin bà Nguyễn Thị Xuân Dung (đại diện Trường ĐH công nghệ TP.HCM) đưa ra trước câu hỏi của một học sinh lớp 12A15 Trường THPT Trần Khai Nguyên: “Nhà trường có dựa vào kết quả chứng chỉ tiếng Nhật để xét tuyển vào ngành ngôn ngữ Nhật không?”. Ngoài ra học sinh này còn băn khoăn ngành ngôn ngữ Nhật và Nhật Bản học khác nhau như thế nào?
Một nữ sinh Trường THPT Trưng Vương đặt câu hỏi cho ban tư vấn |
Theo bà Xuân Dung, đối với ngành ngôn ngữ Nhật, trường sẽ xét dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia và học bạ dựa trên điểm của lớp 12 với 4 tổ hợp. Trong đó có tổ hợp toán – văn – tiếng Nhật. Nghĩa là nếu như có chứng chỉ về tiếng Nhật, học sinh có thể đăng ký môn thi tiếng Nhật thay cho môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, chứ trường không căn cứ vào chứng chỉ để xét tuyển. Nội dung đào tạo ngành ngôn ngữ Nhật và Nhật Bản học có sự khác nhau.
Đối với ngành ngôn ngữ Nhật, sinh viên theo học được đào tạo kiến thức nền tảng, chuyên sâu về ngôn ngữ, văn hóa, kinh tế, xã hội… đất nước, con người Nhật Bản. Người học không chỉ am hiểu về đất nước “mặt trời mọc” mà còn sử dụng thành thạo 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Sau khi tốt nghiệp, tân cử nhân có thể giảng dạy, làm biên, phiên dịch, giao dịch thương mại tại các công ty 100% vốn Nhật Bản…
Còn Nhật Bản học là chuyên ngành thuộc Đông phương học, tìm hiểu chuyên sâu về lịch sử, địa lý, kinh tế, chính trị, ngoại giao, ngôn ngữ, văn hóa các nước phương Đông. Ngoài tiếng Anh, sinh viên sẽ được đào tạo khả năng sử dụng thành thạo ngoại ngữ chuyên ngành Nhật, Hàn, Thái, kỹ năng nghề nghiệp, giao tiếp ứng xử. Sau khi tốt nghiệp có thể làm cán bộ phụ trách liên quan đến lịch sử, văn hóa, xã hội, ngoại giao trong các cơ quan ban ngành, tổ chức Nhà nước; chuyên viên ngoại giao, quan hệ quốc tế, phiên dịch…
Bên cạnh tiếng Anh, hiện tiếng Nhật cũng được xem là ngôn ngữ quốc tế, được học sinh, sinh viên nhiều nước khu vực châu Á chọn học. Xuất phát từ sự ảnh hưởng mạnh mẽ của nền kinh tế, văn hóa, khoa học – kỹ thuật Nhật Bản đối với khu vực và thế giới.
Ngọc Trinh
Bình luận (0)