Cái này gọi là gì các con? Dạ, cái miệng. Cái miệng dùng để làm gì? Dạ, để ăn cơm, để uống nước, để nói nữa. Muốn giữ cho miệng sạch sẽ, chúng ta phải làm gì nào? Dạ, phải tắm cho cái miệng… Đó là câu chuyện mở đầu cho một hoạt động vui chơi ở lớp mầm 1, Trường Mầm non 27 (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) do cô giáo Châu Nguyễn Thùy Dung phụ trách.
Tiết học diễn ra chưa đầy 15 phút nhưng nội dung được thay đổi liên tục, cô giáo trẻ người nhỏ nhắn nhưng giọng nói vang vang, điệu bộ mềm dẻo, thuần thục khiến những ánh mắt trẻ thơ hướng về phía cô đầy háo hức. Các bé cười giòn tan, thích thú vỗ tay, hát và múa theo cô…
Yêu trẻ
"Thùy Dung phấn đấu không ngừng. Về trường với tấm bằng trung cấp, cô đã đi học và tốt nghiệp cao đẳng. Sắp tới cô lại tiếp tục đi học đại học để nâng cao tay nghề. Ai cũng biết việc xóa suy dinh dưỡng ở học sinh khối lớp mầm hết sức khó khăn. Vậy mà năm học vừa rồi, nhà trường phân công cô Dung chuyển từ lớp lá xuống dạy lớp mầm, với vai trò là tổ trưởng chuyên môn khối lớp mầm, cô Dung đã giúp cả khối xóa được tình trạng học sinh suy dinh dưỡng". (Bà Võ Thị Phượng – hiệu trưởng Trường Mầm non 27) |
"Trẻ mầm non mau chán lắm, các hoạt động phải đổi mới thường xuyên để tạo sự thu hút đối với các em. Chương trình giáo dục bây giờ không áp đặt trẻ phải làm giống như giáo viên, chỉ cần các bé tỏ ra hào hứng" – Thùy Dung tâm sự. Giờ chơi tự do của học sinh lớp mầm 1, mặc dù đang tiếp khách nhưng Dung vẫn dõi mắt và luôn miệng nhắc nhở các em. Chốc chốc một bé lại chạy vào: "Cô Dung ơi, bạn nhéo lưng con", "Cô ơi, bạn giành đồ chơi của con", "Cô Dung ơi, bạn nào ói ra đây nè”…
Dung nói: "Yếu tố quan trọng nhất đối với giáo viên mầm non là phải đảm bảo an toàn tính mạng cho trẻ. Đây cũng là nhiệm vụ khó khăn nhất vì lớp học hơn 40 học sinh, lứa tuổi các bé lớp mầm lại thích chơi riêng một mình hơn là chơi cả nhóm".
Dung đến với nghề nuôi dạy trẻ bằng lý do đơn giản: "Ngày xưa bà ngoại nhận giữ trẻ ở nhà, mình thấy trẻ con rất dễ thương". Thế nhưng năm đầu tiên học ở Trường trung học Sư phạm mầm non TP.HCM (nay là khoa sư phạm mầm non Trường ĐH Sài Gòn), Dung lo lắng đến mất ngủ: "Nghề này cực quá, không biết sức mình có kham nổi". Đến năm 2 đi thực tập, được tiếp xúc với học sinh, Dung lấy lại tự tin ngay: "Mỗi nghề có những khó khăn riêng, nếu yêu thích nghề sẽ làm được, sống được với nghề".
Chỉ sau ba năm đứng lớp, Dung đã trở thành giáo viên giỏi ở Q.Bình Thạnh. Và đợt kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam năm 2007, Dung là giáo viên trẻ nhất trong số 30 giáo viên ở TP.HCM được trao giải thưởng Võ Trường Toản (một giải thưởng cao quí dành cho những giáo viên có nhiều đóng góp tích cực trong sự nghiệp trồng người).
Trẻ nhờ học trò
Là tổ trưởng chuyên môn ở khối lớp mầm, giáo viên giỏi nhiều năm liền nhưng tổng thu nhập của Thùy Dung chỉ hơn 2 triệu đồng/tháng. So với công sức lao động không ngơi nghỉ từ 6g30 – 18g mỗi ngày, thù lao như vậy có xứng đáng không? Dung cười: "Tình hình chung của giáo viên mầm non là như vậy, đâu phải một mình mình. Đành gói ghém thôi. Được cái ông xã chưa bao giờ phàn nàn về đồng lương của vợ".
Dung nói rất thật thà: "Nếu cứ chăm chăm vào đồng lương thì chắc không có ai theo nghề nuôi dạy trẻ. Cứ như Dung, ngày nào đi học hoặc đi họp là thấy nhớ học sinh, cứ nhìn đồng hồ rồi đoán: giờ chắc các bé đang ăn trưa, giờ này chắc các bé đang vui chơi ngoài trời…". Hàng loạt kỷ niệm thân thương của nghề được Dung liệt kê: từ chuyện mỗi lần thay đồng phục để đi họp là học sinh xúm lại: "Cô đi đâu vậy cô? Bao giờ cô về?".
Có lần nghỉ dạy vài ngày vì việc riêng, một bữa Dung về trường vào lúc học sinh đang ngủ trưa và nằm thiếp đi. Không ngờ, lúc tỉnh dậy thấy học trò vây xung quanh, bóp chân, bóp tay cho cô đỡ mỏi. Có hôm Dung bệnh, các bé thi nhau bắt tay làm điện thoại: "Bác sĩ Dũng hả (tên vị bác sĩ thường chữa bệnh cho bé tại nhà), bác sĩ Dũng đến ngay đi nha, cô Dung bệnh rồi đó”, bạn khác lại xen vào: "Không phải bác sĩ Dũng, bác sĩ Tùng đến ngay nha, cô Dung bệnh rồi đó”.
Nghe chuyện mới hiểu tại sao Dung chưa bao giờ nghĩ đến chuyện đổi nghề, mặc dù đi dạy vất vả, nói nhiều quá nên Dung bị viêm họng mãn tính: "Đợt vừa rồi, Dung đi ôn thi đại học, không phải đứng lớp, tự nhiên khỏi bệnh viêm họng. Nhưng khi về lớp được hai ngày, bệnh trở lại như cũ”.
Năm nay 29 tuổi nhưng nhìn Dung cứ như mới 22. Dung cười tươi: "Chắc tại suốt ngày chơi với trẻ chứ mình đã có thâm niên chín năm trong nghề rồi. Mấy người bạn thân còn đùa: Bao nhiêu năm gặp lại mà thấy Dung vẫn vậy. Có lẽ nhờ các em, mình trưởng thành cũng là nhờ các em".
HOÀNG HƯƠNG
(TTO)
Bình luận (0)