Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Yếu ngoại ngữ, vừa thua vừa… thiệt

Tạp Chí Giáo Dục

Thông thạo ngoại ngữ giúp sinh viên dễ tiếp cận cơ hội việc làm không chỉ trong nước mà cả quốc tế. Ảnh chụp sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM tìm kiếm việc trong Ngày hội việc làm vừa được tổ chức tại trường
Không ít sinh viên ra trường rồi mới hối hả đi học tiếng Anh trở lại, trong khi lẽ ra các em đã phải trau dồi từ khi còn học ĐH. Những cảnh báo về tình trạng thất nghiệp của giới trẻ do không đáp ứng trình độ tiếng Anh đã có, nhưng không phải ai cũng ý thức được!
Cơ bản đã kết thúc quãng đời sinh viên nhưng T.B.T, học ngành kế toán tại một trường ĐH lớn ở TP.HCM, chưa thể cầm bằng tốt nghiệp để đi xin việc đúng lĩnh vực mà mình được đào tạo. Lý do, T. còn “nợ” môn tiếng Anh. Thay cho việc ứng tuyển vị trí kế toán hấp dẫn tại các công ty, doanh nghiệp thì em đành chọn hướng xin làm… phục vụ tại một nhà hàng chuyên về thức ăn nhanh cho khách nước ngoài, vừa để kiếm tiền vừa để có cơ hội luyện tập, củng cố lại vốn tiếng Anh. T. chia sẻ, làm công việc phục vụ không phải là… thấp kém, thậm chí qua công việc này em còn học hỏi được nhiều kỹ năng khác. Tuy nhiên, điều khiến em tiếc nuối là đã bắt đầu… quá muộn. Lẽ ra, những cơ hội cọ xát thực tế, rèn luyện giao tiếp tiếng Anh như thế này nên bắt đầu từ khi em học năm nhất thì quá trình học và con đường tìm kiếm việc làm đã thuận lợi hơn.
Thực tế, vốn tiếng Anh tốt sẽ giúp sinh viên đáp ứng được hai yêu cầu, đó là chuẩn đầu ra ở trường ĐH và ứng tuyển vào một công ty, doanh nghiệp… Thế nhưng, rất đông sinh viên có tâm lý chỉ muốn dừng lại ở yêu cầu thứ nhất là đáp ứng chuẩn đầu ra để được tốt nghiệp. Khảo sát mới nhất được thực hiện ngay tại một số trường ĐH trên địa bàn TP.HCM – thành phố năng động bậc nhất cả nước – nhưng kết quả cho thấy không ít sinh viên có quan niệm chỉ cần giỏi nghề là đủ, tiếng Anh chỉ là… phụ. Thậm chí, các em còn biếng nhác trau dồi tiếng Anh với lý do hết sức… hồn nhiên là không có nhu cầu tham gia thị trường lao động của nước ngoài đầu tư hay du học sau khi tốt nghiệp.
Về phía doanh nghiệp, bà Hoàng Mộng Diễm (Giám đốc Công ty Tầm Nhìn Thịnh Vượng) cho rằng, trong khoảng 10 năm tới, sự cạnh tranh để có việc sau khi tốt nghiệp ĐH sẽ càng gay gắt hơn. Và việc cạnh tranh không chỉ giữa các lao động trong nước mà còn với cả quốc tế.
Rõ ràng, trước áp lực cạnh tranh lớn, không thông thạo ngoại ngữ sẽ là một sự thua thiệt đáng kể đối với lao động Việt Nam. Gần nhất, năm 2015, cộng đồng ASEAN sẽ cho phép người lao động di chuyển trong khu vực. Khi đó, nếu không đảm bảo được năng lực chuyên môn cũng như ngoại ngữ, lao động Việt Nam có thể bị thua ngay trên “sân nhà”, chưa kể đến hạn chế cơ hội khi tham gia thị trường lao động khu vực.
Thời gian qua, phương án cải tiến chất lượng giảng dạy ngoại ngữ trong các trường ĐH, CĐ liên tục được đem ra đề cập, thảo luận. Bộ GD-ĐT cũng đã có những bước chuẩn bị cho hội nhập quốc tế và khu vực, trong đó đã tiến hành Đề án ngoại ngữ 2020 nhằm đào tạo ngoại ngữ cho giáo viên, học sinh – sinh viên tất cả các cấp. Những nỗ lực này để “ra hoa, kết quả”, bên cạnh sự cố gắng của các trường, còn phụ thuộc nhiều vào ý thức của học sinh – sinh viên. Ít nhất các em phải thấy việc học ngoại ngữ đem lại những lợi thế lớn cho chính bản thân mình, thiếu nó các em không thể trụ vững được ở thị trường lao động, đồng thời phải vượt qua được tư tưởng học đối phó để thi cho qua, cho đạt chứng chỉ…
Bài, ảnh: Thục Trân
Tiếng Anh giỏi, nhiều lợi thế!
“Khi tốt nghiệp, tấm bằng cùng với các chứng chỉ kỹ năng mềm, chứng chỉ ngoại ngữ… mới chỉ là những yếu tố để doanh nghiệp trong hoặc ngoài nước quyết định chọn sinh viên phỏng vấn cho tuyển dụng. Quá trình phỏng vấn sẽ gồm cả tiếng Anh và tiếng Việt. Nếu sinh viên thông thạo ngoại ngữ thì cơ hội trúng tuyển cũng như mức lương có thể sẽ cao hơn.
Bên cạnh việc gia tăng tỷ lệ thành công khi xin việc, vốn tiếng Anh tốt sẽ giúp người lao động tạo được hình ảnh đẹp với cấp trên khi tham gia đàm phán với khách hàng nước ngoài, hỗ trợ cấp trên giải quyết những công việc có tầm ảnh hưởng lớn ở công ty, nắm bắt các cơ hội đi học nâng cao chuyên môn tại nước ngoài…”, ông Dương Đình Thuận (quản trị viên Công ty cổ phần Lê Bảo Minh) chia sẻ.
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)