Em và một bạn trong lớp thích nhau nhưng không ai dám nói ra, chỉ im lặng và suốt ngày cãi nhau. Lúc nào rảnh là bạn ấy cứ quay sang nhìn chằm chằm em, muốn nói chuyện với em nhưng lại sợ lớp nói này nói nọ nên lại thôi. Còn em thì ngang bướng không thèm nói chuyện trước. Thầy có thể cho em một lời khuyên ạ!
Minh Thanh (Đồng Nai)
Trả lời: Người ta hay bảo “yêu nhau lắm cắn nhau đau”, nhiều cặp đôi có tình cảm chân thành với nhau nhưng hay khắc khẩu, sau khi thảo luận về một vấn đề gì đó dù rất đơn giản thôi nhưng chỉ vài phút sau là “chiến tranh” nổ ra.
Khi yêu, sự tự ái thường tỉ lệ thuận với cơn giận. Nếu không tìm được tiếng nói chung giữa cả hai thì sau khi “cơn bão” đi qua chỉ để lại sự tức tối, hồ nghi, lẫn cái tôi kiêu hãnh của mỗi người. Sau khi cãi nhau, đừng quan trọng việc ai sẽ là người bắt chuyện trước. Theo thầy, dù cho em đúng hay sai đi nữa, hãy tự nhận lỗi về phần mình. Nếu bạn ấy thích em và cũng biết nhận ra sai lầm, tự khắc bạn sẽ cùng nhận lỗi. Sau khi chuyện đã qua, đừng bao giờ lặp lại nữa, cũng tránh mắc phải sai lầm này ở lần tiếp theo.
Tỏ ra thiện chí là quy tắc hàng đầu em cần nắm để tình cảm trở nên bền vững. Làm sao có thể khiến tình cảm đong đầy khi mà em không hề có ý định hàn gắn sau khi “chiến tranh” xảy ra? Sau mỗi trận cãi, không nên tỏ ra bi lụy, cũng đừng quá đề cao cái tôi và đợi chờ bạn ấy chủ động bắt chuyện với mình. Cả hai hãy cùng đi chơi ở một nơi đặc biệt nào đó để “đổi gió”, chăm chút cho ngoại hình hơn và tạo sự lãng mạn để làm mới tình cảm liên tục. Khi đó, mọi cơn giận sẽ tan biến và tình cảm lại vẹn nguyên như lúc đầu.
Cãi nhau có thể khiến hai em yêu nhau hơn, hoặc rời xa nhau, tùy vào sự lựa chọn của hai em. Vấn đề là sau mỗi lần cãi nhau, ta rút ra được gì và ứng phó thế nào?
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn
Bình luận (0)