Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Yếu tố cần thiết để bảo vệ sức khỏe

Tạp Chí Giáo Dục

heo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới không có một mức độ an toàn nào cho việc tiếp xúc với khói thuốc thụ động.

Để bảo vệ sức khỏe cộng đồng khỏi tác hại của khói thuốc thụ động thì bầu không khí trong nhà phải hoàn toàn không có khói thuốc. Việc phân chia khu vực dành riêng người hút thuốc và người không hút thuốc trong môi trường trong nhà hay việc sử dụng hệ thống thông gió, lọc khí đã được chứng minh là không có hiệu quả trong việc bảo vệ con người trước khói thuốc thụ động.
Trong thời gian qua, để tăng cường thực hiện môi trường không khói thuốc, Chính phủ, Bộ Y tế, các bộ, các ban ngành và địa phương đã ban hành 51 văn bản chỉ đạo việc thực hiện môi trường không khói thuốc lá như: Nghị quyết số 12/2000/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 12/2007/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác PCTHTL; Quy chế văn hoá công sở tại các cơ quan hành chính Nhà nước (theo Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg).

Chỉ thị của các Bộ, ngành về việc tăng cường hoạt động PCTHTL trong ngành mình quản lý: Chỉ thị số 08/CT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế, Chỉ thị số 02/CT-GTVT của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Chỉ thị số 56/CT-GD&ĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo… Nghị định 45/2005/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định phạt 50.000 – 100.000đ đối với hành vi hút thuốc lá nơi công cộng.

Bộ Y tế (văn phòng Chương trình PCTHTL) đã thực hiện thí điểm một số mô hình mẫu về môi trường không khói thuốc lá như: Chi đoàn thanh niên không thuốc lá; Hội phụ nữ có người thân không hút thuốc lá; Hội nông dân không thuốc lá; Cộng đồng dân cư không thuốc lá; Trường học không khói thuốc lá; Bệnh viện không khói thuốc lá; Nơi làm việc không khói thuốc lá. Mặc dù đã có khá nhiều các văn bản quy định việc thực hiện khu vực không khói thuốc từ trung ương tới địa phương, nhưng hiện nay các quy định này mới chỉ thực hiện khá tốt tại khu vực trường học, một số bệnh viện, cơ quan…
Theo điều tra GATS năm 2010 cho thấy, 55,9% người lao động (tương đương với gần 8 triệu người) bị phơi nhiễm thụ động với khói thuốc lá tại nơi làm việc; 67,6% người không hút thuốc (tương đương với 33 triệu người) phải tiếp xúc thụ động với khói thuốc tại nhà.
Tuy nhiên, hiện tượng vi phạm quy định cấm hút thuốc tại nơi làm việc và nơi cộng cộng còn rất phổ biến do một số nguyên nhân như: Lãnh đạo các cơ quan, tổ chức chưa quan tâm thực hiện quy định này; Ý thức tuân thủ của cán bộ công chức và người dân còn hạn chế; Lực lượng được phép xử phạt còn quá mỏng, chủ yếu là thanh tra y tế, ủy ban nhân dân các cấp; Mức xử phạt còn thấp (theo quy định tại Nghị định số 45/2005/NĐ-CP ngày 06/4/2005 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định: “Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 – 100.000đ với một trong các hành vi: Hút thuốc lá, thuốc lào ở nơi công cộng…”; Công tác xử phạt còn chưa có hướng dẫn cụ thể hoặc trao thẩm quyền cụ thể cho người phát hiện, lập biên bản, xử phạt hành chính đối với người có hành vi hút thuốc lá nơi công cộng…
Theo Thanh Xuân
(suckhoedoisong)

Bình luận (0)