Giáo viên tập làm chủ công nghệ
|
Trong GD-ĐT, yếu tố con người và yếu tố công nghệ cái nào quan trọng hơn? Dĩ nhiên yếu tố con người luôn luôn là quan trọng nhất, đó là chủ thể của quá trình đào tạo. Người thầy giáo với sứ mệnh trồng người thiêng liêng cao cả, không chỉ sử dụng công nghệ mà còn dùng ngay cả nhân cách của mình để giáo dục học sinh bằng cả tấm lòng yêu thương.
Tuy nhiên, nếu chỉ dùng tài năng sư phạm cá nhân, đạo đức phẩm chất cá nhân để giảng dạy trong thời đại khoa học và công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay thì chưa đủ. Thậm chí, nền giáo dục được xem là chậm tiến nếu chỉ dựa duy nhất vào yếu tố con người với các phương tiện giảng dạy thô sơ, lạc hậu.
Cũng có người cho rằng, thời GS. Ngô Bảo Châu học phổ thông làm gì có những phương tiện công nghệ dạy học hiện đại nhưng vẫn đoạt giải thưởng Fields toán học, giải thưởng cao nhất của toán tương đương giải thưởng Nobel. Tuy nhiên, cũng có người cho rằng, nếu các trường học được trang bị phương tiện giảng dạy hiện đại như các nước Âu – Mỹ, bây giờ chúng ta không chỉ có một GS. Ngô Bảo Châu mà còn nhiều GS. Ngô Bảo Châu, làm rạng danh dân tộc Việt.
Về mặt lý luận dạy học, trong quá trình tiệm cận mục tiêu giáo dục do chúng ta đề ra, có ba yếu tố không thể tách rời: Phương pháp, phương tiện và nội dung. Trong đó bao trùm tất cả là yếu tố con người.
Phương pháp (Dạy như thế nào?) liên quan đến yếu tố sư phạm, yếu tố con người.
Phương tiện (Dạy bằng cái gì?) liên quan đến khoa học công nghệ về thiết bị dạy học.
Nội dung (Dạy cái gì?) liên quan đến chương trình giảng dạy và sách giáo khoa (xem hình trên cùng bên phải).
Giáo viên nói riêng và những người làm công tác giáo dục nói chung là chủ thể của ngành, phải là người nắm vững công nghệ trong dạy học. Từ đó có thể lựa chọn, mua sắm trang thiết bị dạy học và sử dụng chúng hiệu quả nhất.
Chẳng hạn việc giảng dạy ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân có hai câu hỏi được đặt ra:
Thứ nhất: Có bao nhiêu công nghệ, bao nhiêu giải pháp về phòng Language Lab? Đâu là công nghệ tiên tiến nhất? Phải xuất phát từ lịch sử hình thành và xu thế phát triển của phòng thực hành ngôn ngữ (chủ yếu là ngoại ngữ) Language Lab ta mới có câu trả lời. Trả lời được câu hỏi này, lãnh đạo giáo dục yên tâm trong việc lựa chọn mua sắm trang bị. Tránh trường hợp không đủ thông tin để mua nhầm công nghệ cũ, lạc hậu.
Thứ hai: Yếu tố phương pháp – Nghiệp vụ sư phạm khi sử dụng phòng thực hành ngôn ngữ (Language Lab) như thế nào? Đây là việc làm chủ công nghệ. Nhiều trường, nhiều đơn vị giáo dục mua sắm phương tiện từ những doanh nghiệp thuần túy kinh doanh và khi chuyển giao công nghệ chỉ là biết sử dụng. Đối với những doanh nghiệp này không chú trọng nghiệp vụ sư phạm. Hậu quả là giáo viên không phát huy hiệu quả, thậm chí ngại sử dụng.
Một câu nói vui: Phòng Language Lab nói riêng và thiết bị giáo dục nói chung, hiện nay và trong thời gian qua có hiện tượng: Người có quyền mua thì không sử dụng và người trực tiếp sử dụng thì không có quyền mua.
Yếu tố nội dung liên quan đến chương trình và sách giáo khoa. Trước nay, thuộc ê kíp biên soạn được đóng khung trong một nhóm nhất định. Thiết nghĩ, Bộ GD-ĐT chỉ nên quản chương trình, còn sách giáo khoa nên diễn ra theo cơ chế thoáng, nhóm nào soạn hay người dùng sẽ lựa chọn. Muốn vậy phải có đơn vị khảo thí độc lập với Bộ GD-ĐT.
Nguyễn Xuân Sáng
Bình luận (0)